Liên Bộ Nông nghiệp và Du lịch khảo sát vùng nguyên liệu mía và du lịch cộng đồng tại Nghệ An
Chiều 7/5, Đoàn công tác của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
đã khảo sát vùng nguyên liệu mía và du lịch cộng đồng tại Nghệ An.
Đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Thứ
trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy, cùng đại diện Cục Chế biến và
Phát triển thị trường nông sản; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông
thôn; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Văn phòng điều phối NTM Trung
ương; Vụ Lữ hành du lịch; Cục Văn hóa cơ sở... Đồng chí Lê Ngọc Hoa -
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp,
Quỳ Châu làm việc với đoàn công tác.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần
Thanh Nam cùng Bộ VH,TT&DL khảo sát điểm du lịch cộng đồng tại bản
Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Ảnh: Tiến Đông
Trước khi bước vào buổi làm việc, đoàn
công tác đã khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến (xã Châu
Tiến, huyện Quỳ Châu) và tham quan Nhà máy đường NASU.
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Sở
NN&PTNT Nghệ An cho biết, mía là một trong những cây trồng chủ lực
của tỉnh Nghệ An. Trong những năm qua, các doanh nghiệp mía đường
đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ
ổn định để phát triển vùng nguyên liệu, tích cực áp dụng cơ giới hóa và
chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư vào sản xuất. Qua đó, góp phần
nâng cao sản lượng, chất lượng mía nguyên liệu, mang lại thu nhập ổn
định cho người nông dân.
Niên vụ 2021-2022, tổng diện tích mía
nguyên liệu ở Nghệ An đạt 19.223 ha, tập trung ở các huyện: Quỳ Hợp
4.961 ha; Tân Kỳ 3.171 ha; Nghĩa Đàn 7.600 ha; Quỳ Châu 1.158 ha; Quỳnh
Lưu 936 ha; Anh Sơn 449 ha,.… Năng suất mía dự kiến đạt bình quân gần 61
tấn/ha, cao hơn vụ mía năm ngoái 5 tấn/ha; sản lượng dự kiến đạt
1.173.000 tấn, phục vụ cho 3 nhà máy chế biến mía đường với tổng công
suất thiết kế đạt 15.500 tấn mía/ngày.
Tuy nhiên, diện tích và sản lượng mía nguyên liệu
trong những năm qua ở Nghệ An có xu hướng giảm. So với năm 2015, diện
tích mía nguyên liệu toàn tỉnh hiện nay giảm khoảng 27%, sản lượng giảm
23%. Chính điều này đã gây thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy chế
biến, có những năm còn xuất hiện tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa
các nhà máy. Một số khâu sản xuất có tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa còn rất
thấp như trồng và thu hoạch mía. Chưa kể đường giao thông phục vụ sản
xuất, vận chuyển mía nguyên liệu còn hạn chế; hệ thống thủy lợi chưa đáp
ứng được nhu cầu nước tưới, đặc biệt là mùa khô hạn.
Về phát triển HTX gắn với du lịch cộng
đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 HTX có hoạt động du lịch cộng
đồng tại các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu. Tuy nhiên, các điểm
du lịch cộng đồng hiện nay vẫn đang còn thô sơ, chưa được đầu tư nhiều
nhằm đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng và tham quan của du khách.
Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó Giám đốc
Sở Du lịch Nghệ An, kiến nghị với đoàn công tác cần phải sớm bố trí kinh
phí hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu cộng đồng, đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Chương trình mục tiêu Quốc gia
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2025 cho bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Từ đó,
giúp điểm du lịch cộng đồng này hoàn thiện thêm sản phẩm, đa dạng hóa
các dịch vụ từ các nghề truyền thống, ẩm thực, dân ca, dân vũ... nhằm
tạo sức hút tốt hơn đối với du khách.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND
tỉnh cho biết: Để phát triển vùng nguyên liệu, năm 2021 UBND tỉnh Nghệ
An đã phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của
tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Tiếp tục thành lập,
phát triển thêm các HTX, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp để sản
xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm mía đường theo chuỗi giá trị, gắn
với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến
năm 2025 có ít nhất 55 HTX và đến năm 2030 có 110 HTX sản xuất mía
đường...
Về du lịch cộng đồng gắn với phát
triển NTM, đồng chí Lê Ngọc Hoa cho biết thời gian qua, tỉnh cũng đã làm
việc với các địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng
đồng, nhất là tại các địa phương đã về đích nông thôn mới; xây dựng
nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn gắn với phát triển sản phẩm OCOP...
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm
Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Để giữ được vùng nguyên liệu mía thì cần
phải có những giải pháp tổng thể, bản thân các doanh nghiệp cũng cần
phải hỗ trợ người nông dân nhiều hơn nữa. Tăng cường sự liên kết giữa
người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để đảm bảo giữ vững và
phát triển được cây mía.
Kết
luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho
rằng, Nghệ An cần phải có những chính sách cụ thể để phát triển vùng
nguyên liệu mía để làm sao các nhà máy đường có đủ nguyên liệu để sản
xuất nhưng người nông dân cũng sống được bằng nghề trồng mía. Vì thế,
các cơ quan, đơn vị cần phải tính toán, tổ chức lại sản xuất nhằm giảm
chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị
các Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Cục Kinh tế hợp tác
và Phát triển nông thôn... tích cực hỗ trợ Nghệ An trong việc xây dựng
chính sách, kế hoạch nhằm phát triển vùng nguyên liệu một cách ổn định,
bền vững theo các tiêu chí đã đặt ra.
Tiến Đông
Nguồn: Báo Nghệ An(7/5/2022)