Đề xuất 03 chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2027
Sở Văn hóa và Thể thao đang lấy ý kiến của các
tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn
tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2027.
Sở VH&TT cho biết: Sau thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành
chính cấp xã, sáp nhập thôn (từ 5.886 thôn còn 3.801 thôn, giảm 2.085 thôn) thì
thiết chế văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa các thôn hầu như không đáp ứng được
nhu cầu tổ chức hoạt động, nhà văn hóa nhỏ (60-80 chỗ ngồi) trong khi đó quy mô
hộ dân sau sáp nhập lên đến 300-350 hộ/thôn. Hiện nay, cơ bản các thôn sau khi
sáp nhập đang giữ lại các nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng theo từng tổ dân
cư ở nhà văn hóa của thôn cũ.
Một số hoạt động chung của thôn như sinh hoạt Chi
bộ, sinh hoạt Hội, sinh hoạt văn hóa, họp dân... được tổ chức ở một địa điểm
nhà văn hóa nhưng thiếu chỗ ngồi và thiếu các trang thiết bị, khó khăn trong
việc tổ chức các hoạt động cộng đồng. Trong lúc đó, việc huy động các nguồn lực
xã hội hóa đầu tư, đóng góp của nhân dân để hoàn thiện thiết chế văn hóa, đảm
bảo tổ chức các hoạt động đối với các thôn sau khi sáp nhập là đang rất khó
khăn dẫn đến bất cập, hạn chế trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn
hóa cơ sở.
Nhà văn hóa cộng đồng xóm 6, xã Nam Giang, huyện Nam
Đàn
Chính vì vậy, việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển đời
sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 -2027 nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, tạo
mọi điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ, tham gia các hoạt động văn hóa, bảo
tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa” có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực.
Về nguyên tắc hỗ trợ: Ưu tiên hỗ trợ trang thiết
bị hoạt động văn hóa cho các thôn sáp nhập địa bàn khó khăn, bảo đảm hướng tới
đạt mục tiêu phát triển đời sống văn hóa cơ sở, phục vụ nhu cầu tổ chức sinh
hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Ngân sách nhà
nước thực hiện hỗ trợ một lần trang thiết bị
cho các mô hình văn hóa cơ sở sau khi xây dựng, được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền công nhận theo quy định. Trong trường hợp cùng một nội dung hỗ trợ và
cùng một đối tượng thụ hưởng được quy định tại nhiều chính sách thì được chọn
một chính sách phù hợp nhất.
Các thôn, làng, bản, khối, xóm (thôn) để được hỗ
trợ, phải đảm bảo điều kiện: Thôn sáp nhập; có quy hoạch quỹ đất sử dụng cho
khu vực Nhà văn hóa (không kể diện tích các công trình thể thao quần chúng) sau
sáp nhập theo quy định khoản 4, Điều 4, Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày
9/02/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có thiết chế văn hóa, thể thao đảm
bảo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch; nhà văn hóa thôn đảm bảo 70% trở lên đại diện số hộ gia
đình trên địa bàn tham gia sinh hoạt.
Sở VH&TT đề xuất mức hỗ trợ 30.000.000 đồng/thôn để mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn
hóa; số lượng hỗ trợ không quá 30%/thôn sáp nhập.
Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em gắn với thiết chế văn hóa, thể
thao cộng đồng thôn đặc biệt khó khăn: Thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, xã khu vực I, xã có thôn
vùng dân tộc thiểu số và miền núi; có Nhà văn hóa, sân thể thao đảm bảo sinh
hoạt cộng đồng; có các hoạt động phong trào văn hóa, thể thao phục vụ trẻ em.
Mức hỗ trợ 30.000.000
đồng/thôn để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi giải trí của trẻ
em; số lượng hỗ trợ 118 thôn/năm.
Điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ đối với
mô hình “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Khối văn hóa”, “Xóm văn
hóa” tiêu biểu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh: Được Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận Danh
hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Khối văn hóa”, “Xóm văn
hóa”; giữ vững và phát huy Danh hiệu được công nhận 5 năm liên tục trở lên; là
một trong những thôn có đóng góp thực sự tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn
hóa cơ sở, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống (phong tục, tập quán
truyền thống tốt đẹp; tiếng nói, chữ viết, lễ hội, trang phục, nghề thủ công,
văn hóa ẩm thực truyền thống; dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian,
hương ước, quy ước, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang).
Ngoài chế độ khen thưởng theo quy định, được tỉnh
hỗ trợ thêm 30.000.000 đồng/mô hình để mua sắm trang
thiết bị, khánh tiết, biểu diễn phục vụ hoạt động văn hóa; số lượng hỗ trợ 21 mô hình/năm.
Mời độc giả xem nội dung
dự thảo Nghị quyết và tham gia góp ý.
PQ (tổng
hợp)