Dự kiến học sinh, sinh viên được giảm giá vé tàu điện trên cao, tàu điện ngầm
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất
bổ sung 3 loại hình phương tiện giao thông công cộng mà học sinh, sinh
viên được giảm giá vé gồm: tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, phà.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến
góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Giáo dục.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 10 về việc miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng về giao thông, về giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa, theo hướng như sau:
Bổ
sung 3 loại hình phương tiện giao thông công cộng mà học sinh, sinh
viên được giảm giá vé: tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, phà (Nghị định
84/2020/NĐ-CP chỉ quy định giảm giá vé tàu hỏa, xe ô tô buýt). Lý do:
hiện nay, tại các đô thị lớn, phương tiện giao thông công cộng không chỉ
có xe ô tô buýt mà có thêm loại phương tiện mới là tàu điện trên cao,
tàu điện ngầm. Bên cạnh đó, tại một số khu vực khác, phà là phương tiện
giao thông phổ biến.
Dự thảo cũng bỏ
quy định học sinh, sinh viên được giảm giá vé dịch vụ khi trực tiếp sử
dụng dịch vụ thư viện, vì không có khái niệm vé dịch vụ thư viện theo
Luật Thư viện. Đồng thời, Luật Thư viện đã quy định quyền của người sử
dụng thư viện đặc thù, theo đó trẻ em có quyền được tạo điều kiện sử
dụng tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học tại thư viện
công cộng, được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện.
Đồng
thời sửa đổi theo hướng quy định học sinh phổ thông được miễn phí tham
quan các thiết chế văn hóa như: bảo tàng, di tích lịch sử-văn hóa, danh
lam thắng cảnh và chuẩn hóa từ ngữ để phù hợp với Luật Di sản văn hóa.
Đối với sinh viên, dự thảo giữ quy định hiện hành tại Nghị định
84/2020/NĐ-CP (được giảm phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử-văn
hóa, danh lam thắng cảnh).
Bộ Giáo
dục và Đào tạo cho biết, các nội dung sửa đổi nêu trên tiếp thu ý kiến
của đa số nhà giáo, người học, cơ quan quản lý giáo dục, có tác động
tích cực đến việc học sinh phổ thông, nhất là học sinh tiểu học được tạo
nhiều cơ hội tham gia học tập dưới hình thức trải nghiệm, khám phá thực
tiễn. Hướng sửa đổi này phù hợp với mục đích, yêu cầu của Chương trình
giáo dục phổ thông hiện nay.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương
Nguồn: Chinhphu.vn(8/10/2024)