Triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh
Để cụ thể hóa các mục
tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh
thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 13/6, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch
số 439/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa
phương, đơn vị xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu
phù hợp với tình hình thực tiễn; phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực
hiện Đề án một cách đồng bộ, hiệu quả.
Phát triển giá trị đa dụng của hệ
sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh hướng đến nhiều mục tiêu. Đó là phát triển bền
vững nguồn cung nguyên liệu gỗ lớn để bảo đảm chủ động cung cấp nguyên liệu cho
ngành chế biến gỗ; nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ, phát triển các mô hình
trồng cây dược liệu dưới tán rừng và đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu
trồng rừng gỗ lớn tập trung trên địa bàn tỉnh.
Phát triển các hình thức tổ chức sản
xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng,
lợi thế của từng vùng, địa phương tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ. Phát triển
dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các loại dịch vụ môi
trường rừng, đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường
rừng; triển khai có hiệu quả dịch vụ hấp thu và lưu giữ cac –bon của rừng. Phát
triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
bền vững.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công
tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Thu hút lực
lượng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng tham gia làm
việc trong lĩnh vực lâm nghiệp, phấn đấu nâng cao mức thu nhập bình quân của
lực lượng lao động này đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện
tại...
Để đạt được các mục tiêu nêu trên,
UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể để thực hiện.
Trong đó, đối với phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị
cho ngành chế biến gỗ, các ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện có
hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 05/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế
hoạch số 09/KH-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào
sản xuất từ khâu chọn, tạo giống, kiểm soát chất lượng nguồn giống; thực hiện
các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tăng năng suất và chất lượng giống cây
lâm nghiệp; gắn các vùng nguyên liệu với chế biến hàng hóa tập trung đối với
một số sản phẩm thế mạnh và xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, thực hiện tốt Đề
án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2023-2030.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận
động, hướng dẫn các chủ rừng tiếp tục tham gia trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa
rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền
vững. Xây dựng vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn gắn với công nghiệp chế biến và
thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị; phát triển công nghiệp chế biến tinh,
chế biến sâu.
Mặt khác, nâng cao khả năng liên kết
thị trường và tạo mối liên kết chuỗi hành trình sản phẩm gỗ rừng trồng từ nơi
sản xuất đến nơi tiêu thụ, liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp, tạo điều
kiện thuận lợi để chủ rừng liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường ổn định, nâng
cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng...
PQ (tổng hợp)