image banner

Thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới vùng miền núi đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 31/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó xác định xây dựng nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng Nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, được cả hệ thống chính trị vào cuộc và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 299/411 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 72,75%; có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Có 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Khu vực miền núi Nghệ An trải rộng trên địa bàn 11 huyện, thị với diện tích tự nhiên gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh; Dân số hơn 1.067.000 người, chiếm 36,5% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 41 vạn người, chiếm 38,4% dân số toàn miền núi; Có 76 xã đặc biệt khó khăn, 27 xã biên giới với 468 km đường biên giới giáp với 3 tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Miền Tây Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ; có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của tỉnh; Đây là khu vực có tiềm năng lớn về quỹ đất, tài nguyên rừng, khoáng sản để phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản gắn với công nghiệp chế biến. Đồng bào các dân tộc miền núi có truyền thống đoàn kết, yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Xây dựng nông thôn mới Miền núi Nghệ An vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Tuy nhiên với điều kiện khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, địa bàn rộng đòi hỏi đầu tư hạ tầng nhiều (giao thông, điện, trường học...), nguồn lực còn hạn chế... việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã ở khu vực Miền núi Nghệ An vô cùng khó khăn.

(Ví dụ như xã Châu Khê huyện Con Cuông có diện tích 440 km2, gấp 4 lần diện tích TP.Vinh (105,1km2) và tương đương một nửa diện tích tỉnh Bắc Ninh (822 km2); Xã Môn Sơn huyện Con Cuông 406 km2; Xã Tam Quang huyện Tương Dương 375 km2 hiện nay đã đạt chuẩn NTM,...).

Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh có 109 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó 11 huyện Miền núi chỉ có 17 xã đạt chuẩn Nông thôn mới chiếm gần 16% còn lại là các xã thuộc các huyện đồng bằng. Các xã đạt chuẩn Nông thôn mới khu vực Miền núi chủ yếu tập trung ở những huyện miền núi thấp, những xã có điều kiện thuận lợi, ven thị trấn, trung tâm huyện có điều kiện phát triển kinh tế, dân trí cao, thu nhập ổn định.

Những huyện vùng miền núi cao, các xã vùng sâu khó khăn số tiêu chí đạt được theo bộ tiêu chí quốc gia rất thấp, đặc biệt có 03 huyện miền núi cao là Quế phong, Quỳ Châu và Kỳ Sơn chưa có xã nông thôn mới, tương Dương và Con Cuông mỗi huyện có 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Nhận thấy việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tại bộ tiêu chí quốc gia để đạt Nông thôn mới cấp xã là quá sức với một số địa phương vùng Miền núi khó khăn, phong trào xây dựng Nông thôn mới một số địa phương có phần đi xuống, suy giảm ý chí (Với tư tưởng có phấn đấu cũng không thể đạt được theo bộ tiêu chí đặc biệt là một số tiêu chí hạ tầng, hộ nghèo, thu nhập....).

Trước thực trạng đó với vai trò là cơ quan Thường trực Chương trình, tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh thực hiện chương trình trên địa bàn đạt hiệu quả cao nhất. Các địa phương các xã rà soát xác định những tiêu chí nào thực hiện được những tiêu chí nào khó khăn; Những nội dung nào thuộc trách nhiệm cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; Tiêu chí nào cấp thôn bản, người dân thực hiện được.

Qua rà soát các địa phương đã chỉ đạo thực hiện thí điểm xây dựng Nông thôn mới ngay từ cấp thôn bản, lựa chọn những bản có điều kiện tốt, xác định những nội dung phù hợp, phát huy được vai trò của người dân, cấp thôn bản, thực hiện từ những công việc nhỏ nhất, làm từ hộ gia đình… kết quả rất nhiều bản đã đạt được những nội dung tiêu chí tại Bộ tiêu chí quốc gia, các bản trong xã thi đua thực hiện và cuối năm 2015 chúng ta đã có xã khó khăn 30a đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới.

Đầu năm 2016, trên cơ sở chỉ đạo thực tiễn Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ban hành tạm thời Bộ tiêu chí xóm, bản NTM áp dụng trên địa bàn các xã miền núi của tỉnh.

Bộ tiêu chí Thôn, xóm, bản Nông thôn mới với 15 tiêu chí là cơ sở sát thực để các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa thi đua triển khai thực hiện tạo khí thế thi đua xây dựng Nông thôn mới khắp vùng Miền tây Nghệ An.

Theo hướng dẫn của tỉnh các huyện chỉ đạo các xã lựa chọn thôn, bản đăng ký để thực hiện; lập kế hoạch, giám sát, kiểm tra, đôn đốc; hàng năm tổ chức thẩm định, đánh giá và quyết định công nhận các xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh đã có 184 thôn, bản đạt chuẩn theo bộ tiêu chí của tỉnh. Cũng là cơ sở để chúng ta có 10 xã 30a đạt chuẩn NTM thuộc các huyện các huyện Kỳ Sơn,Tương Dương, Quỳ châu và Con Cuông.

Việc ban hành bộ tiêu chí Nông thôn mới cấp thôn bản và chỉ đạo thực hiện ở khu vực Miền núi khó khăn là sáng tạo, đột phá trong chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của Nghệ An được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá rất cao.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Nghệ An đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 về xây dựng Nông thôn mới cấp thôn, xóm, bản.

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa trong việc hỗ trợ các xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 trong đó đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ xây dựng các thôn, xóm, bản trên địa bàn các xã miền núi khu vực III và xã biên giới. Để thực hiện xây dựng các thôn, xóm, bản đạt chuẩn trên địa bàn các xã khu vực III và biên giới đạt hiệu quả, ngày 06/6/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, áp dụng đối với các xã miền núi khu vực III và xã biên giới.

Để có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và định hướng cho giai đoạn 2021-2025 của toàn tỉnh nói chung và khu vực miền núi khó khăn nói riêng, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp và nội dung trọng tâm như sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng Nông thôn mới, để người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào nhà nước, chủ động vươn lên. Đặc biệt khu vực khó khăn còn có tưởng khi đạt chuẩn Nông thôn mới đồng nghĩa với việc thoát nghèo sẽ không còn được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù của nhà nước đối với hộ nghèo, bản nghèo.

 

Anh-tin-bai

Làm đường giao thông ở xóm Chợ, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Xuân Hoàng

Tuyên truyền phân tích cho nhân dân rõ dù Cơ chế, chính sách, chương trình, dự án nào của Nhà nước cũng đi đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dụng Nông thôn mới là chương trình phát triển tổng thể, phục vụ trực tiếp đời sống vật chất, tình thần cho nhân dân, khi người dân thoát nghèo thì bền vững hơn và từng bước vươn lên làm giàu.

2. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã; Ban phát triển thôn vai trò chủ động và tích cực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

3. Xác định mục tiêu phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thôn, bản để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Phân định rõ tiêu chí nào, nội dung nào, công trình nào huyện, xã làm; tiêu chí nào, công việc nào người dân làm; công việc nào là nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ đó tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo của cấp trên và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân, tận dụng tối đa sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.

4. Có cơ chế chính sách phù hợp, đủ mạnh hỗ trợ các địa phương trong xây dựng Nông thôn mới nhất là chính sách hỗ trợ các thôn, bản. Việc thực hiện chính sách phải phát huy được sự đối ứng, huy động nguồn lực trong nhân dân tránh tạo tâm lý trông chờ ỷ lại vào chính sách, vào hỗ trợ của Nhà nước.

5. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân.

Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương. Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương thông qua hỗ trợ lãi suất vay vốn, mua vật tư gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tiếp tục triển khai, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, khuyến khích tham gia cải thiện khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…

Trên đây làm báo cáo tham luận về cách làm hay tring thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Th.S Hoàng Đình Ngọc

Nguồn: nongthonmoinghean.vn(28/7/2022)

Tin liên quan
 
12345678910...

Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 

Liên hệ

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 Điện thoại: 02383.557.565

 Email: banbientap@nghean.gov.vn

 fb.com/congthongtindientutinhnghean

 Đăng nhập