Cổng thông tin điện tử
Tỉnh Nghệ An
English
|
Japan
|
Korea
TRANG CHỦ
CHÍNH QUYỀN
Tỉnh ủy
Giới thiệu
Tiềm năng xứ nghệ
Thông tin đầu tư
Thông tin doanh nghiệp
Thông tin kinh tế, xã hội tỉnh Nghệ An
Hội đồng nhân dân tỉnh
Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An
Ủy ban nhân dân tỉnh
Lịch tiếp công dân
Sở, ban, nghành
Lịch công tác của Lãnh đạo tỉnh
Huyện thành phố thị xã
Thông tin cuộc họp UBND tỉnh
NGƯỜI DÂN
DOANH NGHIỆP
Văn hóa và du lịch
THÔNG TIN THỐNG KÊ
Công trình văn hóa - kinh tế tiêu biểu
27-06-2022
Thành phố Vinh nhìn từ trên cao, đang vươn lên trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ
Thành phố Vinh là trung tâm chính trị kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Nghệ An. Vinh cách thủ đô Hà Nội 300km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.400 km về phía Nam, tổng diện tích tự nhiên là 104,97 km2, quy mô dân số là 435.208 người, gồm 16 phường và 9 xã. Ngày 5/9/2008, tại Quyết định số 1210 của Thủ tướng Chính phủ, Vinh đã được công nhận đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Thành phố Vinh nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền Myanma - Thái Lan - Lào - Việt Nam - Biển Đông; Nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế. Với vị trí đó, thành phố Vinh đóng vai trò quan trọng trong giao lưu: kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hoá với cả nước và các nước khác trong khu vực.
Đường Quang Trung (TP Vinh) về đêm
Ngày 22/4//2015, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định 52 ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Phạm vi điều chỉnh quy hoạch của thành phố Vinh khoảng 250 km2, bao gồm toàn bộ TP Vinh và TX Cửa Lò, một phần của huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên; Được giới hạn phía Bắc đến đường Nam Cấm và sát biển Đông, phía Nam đến sông Lam và đường tránh thành phố Vinh, phía Tây đến xã Nam Giang và sông Kẻ Gai, phía Đông giáp sông Lam đến Cửa Hội và biển Đông. TP Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ. Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 667.000 người và đến năm 2030 khoảng 900.000 người. Đô thị Vinh phát triển theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Có sự kết nối đồng bộ 3 khu vực đô thị: Vinh - Hưng Nguyên, Cửa Lò và Quán Hành - KKT Đông Nam bằng các trục giao thông.
Đường ven sông Lam
Cơ sở hạ tầng đô thị của TP Vinh những năm gần đây được phát triển đồng bộ: Vinh nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, đồng thời nắm giữ vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước từ Bắc vào Nam và ngược lại. Từ Vinh có thể trao đổi hàng hoá với nước bạn Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ của Nghệ An hoặc cửa khẩu Cầu treo của tỉnh Hà Tĩnh, hoặc thông qua đường biển qua cảng Cửa Lò với các nước khác. Hệ thống giao thông đô thị không ngừng được mở rộng và xây mới như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 46 tránh Vinh, đường ven sông Lam, đường quy hoạch 72 m Vinh - Cửa Lò,… không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch mà còn tạo cảnh quan, làm thay đổi bộ mặt và vóc dáng đô thị.
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết
Vinh là một trong 5 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An, là một điểm nhấn trong bản đồ du lịch Quốc gia với mạng lưới các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ sang trọng được bố trí rộng khắp thành phố. Đến với thành phố Vinh, du khách có thể tham gia vào nhiều loại hình du lịch như: du lịch nghiên cứu, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh.... với một số di tích danh thắng tiêu biểu như: Lâm viên Núi Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô, Đền thờ Vua Quang Trung, Tượng Đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh, Đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh, thành cổ Vinh, Bảo tàng tổng hợp Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng quân khu IV, di tích lịch sử văn hoá ngã ba Bến Thuỷ, nhà máy điện Vinh…
Cảng hàng không Vinh được quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế
Ngày 29/01/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 347/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Vinh thành Cảng hàng không quốc tế giai đoạn đến năm 2030 và định hướng sau năm 2030. Theo đó, nội dung quy hoạch điều chỉnh bao gồm: Cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp I (sân bay dùng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự); Vai trò chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc: Cảng hàng không quốc tế, đóng vai trò kết nối đường hàng không vùng Bắc Trung Bộ và tỉnh Nghệ An với các địa phương trong cả nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Mục tiêu quy hoạch đến giai đoạn năm 2020 với công suất 2,5 triệu hành khách/năm; 9 vị trí đỗ máy bay; loại máy bay khai thác là A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh là tiếp cận chính xác.
Nhà ga hành khách Cảng hàng không Vinh
Nhà ga gồm 2 tầng với 28 quầy làm thủ tục, được đầu tư hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Các thiết bị camera quan sát, máy soi an ninh, máy chiếu hành lý xách tay, hệ thống báo cháy tự động... đã được lắp đặt đầy đủ. Nhà ga hành khách có tổng diện tích 11.706 m2, gồm hai tầng, trong đó tầng một phục vụ hành khách đến, tầng hai phục vụ hành khách đi. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư), nhà ga hành khách mới có kiến trúc hiện đại, phát huy đặc thù văn hóa của địa phương với ý tưởng mô phỏng hình tượng đóa hoa sen và lá sen. Nhà ga được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 31/1/2015
Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF
Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF thuộc Công ty cổ phần lâm nghiệp tháng Năm ở huyện Nghĩa Đàn được khởi công xây dựng từ tháng 2/2013 tại huyện Nghĩa Đàn, trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng nhà máy chế biến gỗ và phát triển rừng bền vững tại Nghệ An” với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, gồm: Nhà máy chế biến gỗ thanh với tổng mức đầu tư 150 triệu USD, công suất 8.800 m3/năm; Nhà máy chế biến ván sợi MDF với tổng mức đầu tư 350 triệu USD, công suất 400.000m3/năm. Dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào sản xuất vào tháng 9/2015. Với công nghệ hiện đại, khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động và thúc đẩy nhân dân phát triển rừng nguyên liệu, đóng góp nguồn ngân sách cho tỉnh nhà. Sản phẩm của nhà máy sản xuất ra sẽ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU..
Cầu vượt đường sắt Nghi yên
Cầu vượt đường sắt Nghi Yên là 1 trong 6 cầu vượt được thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2015. Đây là cầu vượt đường sắt QL48 giao cắt QL1 và đường sắt Bắc Nam (cầu vượt Yên Lý) được Chính phủ và Bộ GTVT đồng ý triển khai thi công bằng nguồn vốn dư từ Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát theo hình thức hợp đồng BOT. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc, TNGT và tăng cường an toàn chạy tàu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương, phát triển KT-XH của khu vực Tây Bắc, tỉnh Nghệ An.
Sân bay Vinh
Cảng hàng không Vinh nằm trong địa giới hành chính thuộc xã Nghi Liên thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không Việt Nam và trực tiếp là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, từ năm 1994 Cảng hàng không Vinh được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhà ga mới và các công trình phù trợ không vận đảm bảo cho việc tái hoạt động từ tháng 1/1995; Phục vụ khai thác vận chuyển thương mại hành khách trên đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng – Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Ngày 12/1/2014, Cảng Hàng không Vinh mở đường bay quốc tế đầu tiên Vinh – Viêng Chăn, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân giữa thành phố Vinh, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh với thủ đô Viêng Chăn (Lào) và vùng đông bắc Thái Lan.
Thủy điện Bản Vẽ chính thức hòa lưới điện quốc gia
Sáng 19/5/2010, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) đã chính thức hòa lưới điện quốc gia. Ngay trong ngày đầu tiên, Ban quản lý dự án Thủy điện Bản Vẽ đã cho đóng điện tổ máy số 1 công suất 100MW, tổ máy số 2 công suất 90 MW. Việc thủy điện Bản Vẽ hòa lưới điện Quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh cả nước đang thiếu điện trầm trọng, tình trạng cắt điện luân phiên thường xuyên xảy ra.
Thuỷ điện Bản Vẽ
Thủy điện Bản Vẽ là công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, được xây dựng tại xã Yên Na, huyện Tương Dương. Thủy điện Bản Vẽ gồm 2 tổ máy, có công suất thiết kế 320MW với tổng mức đầu tư 6.740 tỷ đồng; Được khởi công năm 2004. Đây là công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu, đóng góp một phần quan trọng trong việc cung ứng điện cho cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Nhà máy bia Hà Nội – Nghệ An
Tọa lạc trên vị trí đắc địa của Khu công nghiệp Nam Cấm, Nhà máy bia Hà Nội Nghệ An là nhà máy thứ 23 của Tổng Công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Tổng công ty CP Habeco) được đầu tư đồng bộ với thiết bị và công nghệ tiên tiến gồm 3 dây chuyền sản xuất bia lon, bia chai, bia hơi.Khởi công xây dựng năm 2009, Nhà máy bia Hà Nội Nghệ An có tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng, từ nguồn vốn góp của các cổ đông và vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trong đó, Tổng Công ty CP Habeco chiếm 51% vốn điều lệ, Tổng Công ty hợp tác kinh tế Việt Lào 49% vốn điều lệ. Nhà máy có công suất giai đoạn I là 50 triệu lít/năm và có khả năng chiết bia 100 triệu lít/năm; Giai đoạn II sẽ nâng công suất lên 100 triệu lít/năm; Được đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến trong nước và nước ngoài.
Nhà máy Bia Sài Gòn – Sông Lam
Nhà máy Bia Sài Gòn – Sông Lam được khánh thành vào ngày 10/3/2011, tại khu vực Núi Mượu, trên địa bàn giáp ranh 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn với diện tích 32,2 ha.Nhà máy được xây dựng với tổng giá trị thực hiện dự án giai đoạn 1 là 1.045 tỷ đồng, với công suất 100 triệu lít bia/năm (có thể mở rộng nâng công suất lên 200 triệu lít/năm). Nhà máy được trang bị các thiết bị thí nghiệm chuyên ngành hiện đại. Hệ thống xử lý nước thải có công suất xử lý 2.500 m3/ ngày đêm và hồ sinh thái được thiết kế và thi công đảm bảo chất lượng nước xả thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn 0,9A theo quy chuẩn Việt Nam số QCVN 24 – 2009.
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai có trụ sở tại khối 7 - phường Quỳnh Thiện - thị xã Hoàng Mai - tỉnh Nghệ An; Có tiền thân từ Công ty xi măng Nghệ An. Từ công suất 4.000 tấn clinker/ngày (tương đương 1,4 triệu tấn xi măng/năm), năm 2006, Công ty nâng công suất lên 4.400 tấn clinker/ngày. Đây là đơn vị đầu tiên của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam áp dụng mô hình tiêu thụ sản phẩm qua nhà phân phối chính.Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai đã cung cấp xi măng xây dựng công trình cho các tầng lớp dân cư, các dự án lớn trong tỉnh và trên cả nước. Sản phẩm của Công ty đã đạt nhiều Huy chương Vàng tại các hội chợ triển lãm và các giải thưởng Chất lượng Việt Nam, Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Cúp vàng Thương hiệu ngành xây dựng Việt Nam... Năm 2010, Công ty vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan
Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan (halotexco) có trụ sở chính tại số 33 Nguyễn Văn Trỗi, phường Bến Thủy, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An; Thành lập ngày 24/9/2004 trên cơ sở sáp nhập Nhà máy Sợi Vinh (thành lập năm 1981) và Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan (thành lập năm 1990), chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi – dệt may.Công ty tự hào là thành viên của Tập đoàn dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn vào các thị trường như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản... Để hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và phát triển bền vững sau khi hội nhập WTO, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong toàn Công ty đều được áp dụng và vận hành theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2008.
Cảng Cửa Lò
Cảng Cửa Lò nằm phía bờ Nam con sông Cấm, thuộc địa phận phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, vị trí thuận lợi cho giao dịch thông thương hàng hoá quốc tế, đặc biệt là trung chuyển hàng cho nước bạn Lào và đông bắc Thái Lan.Cảng được xây dựng năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng. Sau nhiều lần mở rộng và nâng cấp, Cảng Cửa Lò có tổng diện tích 32ha; được trang bị nhiều thiết bị hiện đại đồng bộ để bốc xếp các loại hàng siêu trường siêu trọng. Mỗi năm, lượng hàng hoá thông qua cảng đạt trên một triệu tấn/năm. Hiện nay, cảng đã được nạo vét, mở rộng, nâng cấp để có thể đón tàu 20.000 tấn và đang được đầu tư xây dựng Cảng nước sâu.
Thuỷ điện Hủa Na
Nhà máy Thủy điện Hủa Na được xây dựng tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; khánh thành vào ngày 20/9/2013. Nhà máy bao gồm hai tổ máy với tổng công suất 180MW, chiếm gần 40% tổng công suất hệ thống điện của tỉnh Nghệ An. Thuỷ điện Hủa Na góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lượng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Khu công nghiệp Nam Cấm
Khu công nghiệp Nam Cấm nằm tại các xã Nghi Long, Nghi Thuận, Nghi Xá, Nghi Quang, thuộc huyện Nghi Lộc, với quy mô diện tích được quy hoạch 327,83 hecta.Khu công nghiệp này có vị trí hết sức thuận lợi về giao thông: Nằm trên trục đường quốc lộ 1A, cách cảng biển Cửa Lò 6 km, có đường sắt Bắc Nam đi qua và cách ga đường sắt Quán Hành 2 km, cách sân bây Vinh 12 km...; Đáp ứng được yêu cầu của các dự án có quy mô lớn mà tỉnh kêu gọi đầu tư. Hiện nay, tại khu công nghiệp này, nhiều dự án, nhà máy đã được xây dựng và đi vào sản xuất, góp phần vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Trường Đại học Vinh
Ngày 16/7/1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Nghị định số 375/NĐ thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 28/8/1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ký Quyết định số 637/QĐ đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh.Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg ngày 25/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ của Trường Đại học Vinh là đào tạo giáo viên có trình độ đại học, từng bước mở thêm các ngành đào tạo khác phù hợp với khả năng của Trường và nhu cầu nhân lực của xã hội; Nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 11/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1136/TTg-KGVX về việc bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm.
Quảng trường Bình Minh (Thị xã Cửa Lò)
Quảng trường Bình Minh (Thị xã Cửa Lò) được phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2004 với số vốn trên 22 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng hạ tầng 9,6 tỷ và tượng đài trên 12 tỷ. Diện tích đất sử dụng khoảng 11.000 m2.Công trình gồm 2 cụm tượng 3 thiếu nữ Bắc - Trung - Nam đặt phía bắc Quảng trường; Cụm tượng kéo lưới đặt phía Nam Quảng trường. Đài sen cao 5,5m có hệ thống phun nước đặt giữa Quảng trường với 60m3 đá xanh Thanh Hoá nặng 150 tấn, trị giá 4,8 tỷ đồng đã được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm du lịch Cửa Lò, khai trương mùa du lịch biển năm 2007.
Công viên trung tâm TP. Vinh
Công viên Trung tâm thành phố Vinh là một công trình văn hoá, vui chơi giải trí học tập thư giãn hấp dẫn, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương. Công trình nằm ở số 2, Lê Mao, TP Vinh, kề sau Quảng trường Hồ Chí Minh, bao quanh một hồ nước thơ mộng giữa không gian rộng 25.9 ha được kiến tạo bởi bàn tay khối óc của các nghệ nhân, doanh nhân xứ Nghệ thành đạt yêu quê hương tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quảng trường Hồ Chí Minh
Quảng trường Hồ Chí Minh nằm trên địa bàn phường Trường Thi, Bắc giáp đường Hồ Tùng Mậu, Đông giáp đường Trường Thi, Nam giáp đường Trần Phú (QL IA). Đây là một công trình văn hóa có tầm cỡ quốc gia, một tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, thể hiện tấm lòng kính yêu của nhân dân tỉnh Nghệ An và nhân dân cả nước đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Công trình này được khởi công xây dựng vào năm 2000 và khánh thành vào 19/5/2003.Quảng trường Hồ Chí Minh rộng gần 11 ha, với nhiều hạng mục như: lễ đài, cột cờ, đường diễu hành, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, hệ thống đài phun nước nhạc màu hiện đại nằm trong hồ hình bán nguyệt... Phía sau Tượng Bác là núi Chung mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê Bác. Trên núi có 1.650 loài cây tiêu biểu của mọi miền Tổ quốc đã được đem về trồng, trên đỉnh có vườn cây lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế trồng trong những dịp đến thăm.
Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại Nhà lao Vinh
Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại Nhà lao Vinh được khởi công xây dựng vào ngày 30/6/2004 và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 75 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh 12/9/2005. Đài được đặt ở một phần vị trí của Nhà lao Vinh trước đây, trong khuôn viên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.Đài tưởng niệm có diện tích 400m2, bao gồm: đài chính (cao 9,5m được ghép bằng đá nguyên khối, ba mặt là ba bức phù điêu bằng đồng cao 3,2m rộng 1,5m thể hiện tư thế đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng trong nhà lao) và 5 bức phù điêu phía sau đài chính được ghép bằng các khối đá thạch anh, xung quanh đài được trang trí 10 cây đèn đá, tượng trưng cho sự vĩnh hằng. Những chất liệu sử dụng xây dựng đài đều là vật liệu quý, bền vững, thể hiện ý chí cách mạng, tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ Xô Viết.
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh nằm ở số 10, đường Đào Tấn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, ngày 15/1/1960 Bộ Văn hoá ra Quyết định số 106-VP/QĐ cho phép hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xây dựng nhà trưng bày thường trực những tư liệu hiện vật về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời và được đặt trong thành cổ Vinh, khu vực giam cầm các chiến sỹ cách mạng dưới thời thuộc Pháp.
THƯ VIỆN VIDEO
PHOTO
Di tích văn hóa - lịch sử
PHOTO
Các dân tộc thiểu số sinh sống ở Nghệ An
PHOTO
Danh lam thắng cảnh thiên nhiên
PHOTO
Ẩm thực xứ Nghệ
PHOTO
Lễ hội làng Sen
PHOTO
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
PHOTO
Danh nhân Nghệ An
PHOTO
Người Nghệ trong thời kỳ đổi mới
PHOTO
Lễ hội Đền Cửa
PHOTO
Lễ hội Đền Hồng Sơn
1
2
3
4