38 lượt ý kiến tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh XVIII
Với không khí sôi
nổi, tập trung, dân chủ, thẳng thắn, tại 04 tổ thảo luận tại Kỳ họp thứ 31,
HĐND tỉnh khóa XVIII, đã có 38 lượt ý kiến của các đại biểu. Qua tổng hợp, một
số ý kiến của các đại biểu đã được UBND tỉnh và các ngành giải trình, làm sáng
tỏ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVIII
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với báo
cáo của UBND tỉnh về kết quả và một số tồn tại, hạn chế trong Báo cáo tình hình
kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối
năm 2025.
Thư ký Kỳ họp Bùi Duy Sơn trình bày Báo cáo tổng hợp thảo luận tổ vào
sáng 9/7
Bên cạnh đó, đối với các chỉ tiêu nhiệm vụ chung (tăng
trưởng, cơ cấu kinh tế, thu ngân sách...), đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải
pháp cụ thể để khắc phục các tồn tại, hạn chế, triển khai thực hiện nhiệm vụ
trong 6 tháng cuối năm 2025. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương xây dựng Kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2025 và nhiệm kỳ 2026
- 2031 để phục vụ nội dung cho Kỳ họp thường lệ HĐND và Đại hội nhiệm kỳ mới.
Về lĩnh vực Công nghiệp, xây dựng, đại biểu phản ánh công
tác quản lý đô thị hiện nay còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng lấn chiếm
hành lang an toàn giao thông làm nơi đậu xe xảy ra ở một số tuyến đường, nhất
là tại khu vực đô thị. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp quản lý, đảm bảo
an toàn hành lang giao thông. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp phân làn trên các
tuyến đường để tạo điều kiện cho xe điện hoạt động, lưu thông theo đúng quy
định, đảm bảo an toàn, phát triển du lịch tại phường Cửa Lò. Trên địa bàn
phường Cửa Lò hiện vẫn còn có nhiều dự án chậm tiến độ, không triển khai, như
dự án Golden City,... Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc để xử lý
triệt để những dự án này, tránh gây thất thoát, lãng phí.
Trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02
cấp, các xã mới đều được thành lập từ việc sáp nhập các xã cũ, vì vậy, cần phải
xây dựng lại quy hoạch các xã mới sau sắp xếp. Đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung
ương sớm có văn bản hướng dẫn để triển khai công tác xây dựng quy hoạch các xã
sau sáp nhập….
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng,
chính quyền địa phương cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đầu tư con
người, phương tiện, trang thiết bị để đẩy lùi tình trạng vi phạm về hàng giả,
buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và
sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn.
Về lĩnh vực Tài chính - tín dụng, đại biểu đề nghị các Sở,
ngành có liên quan trong quản lý ngân sách có giải pháp để HĐND cấp xã, phường
mới sau sắp xếp được hưởng ngân sách như HĐND cấp huyện trước đây để đảm bảo
trong hoạt động của HĐND cấp xã, phường. Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ
sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các xã, phường mới sau sáp nhập để đảm
bảo điều kiện hoạt động. Kịp thời kiểm tra, rà soát cụ thể việc quản lý, sử
dụng tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính để có giải pháp, phương án
thống nhất trong việc bố trí trụ sở làm việc, đồng thời có giải pháp quản lý,
sử dụng trụ sở dôi dư tránh tình trạng lãng phí.
Đại biểu đề nghị các ngành chức năng quy hoạch xây dựng trụ
sở làm việc và Trung tâm phục vụ Hành chính công để thuận lợi cho cán bộ, công
chức làm việc phục vụ nhân dân, nhất là tại địa bàn miền núi. Đồng thời, đề
nghị quan tâm mua sắm xe công cho các xã, phường, nhất là tại các xã miền núi.
Đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường học trên địa bàn miền
núi; ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất khu vực bán trú.
Trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 02 cấp, đề
nghị UBND tỉnh chỉ đạo điều tiết tỷ lệ % để lại cấp xã đối với nguồn thu từ đấu
giá quyền sử dụng đất để thuận lợi trong việc chi trả kịp thời cho người dân;
đồng thời, đề nghị điều tiết tỷ lệ 25% nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất để
phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển vào tài
khoản của xã mà không chuyển về tỉnh 100% rồi lại chuyển 25% về xã vì sẽ mất
nhiều thời gian, khó khăn trong việc chi trả kịp thời cho người dân.
Về lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đại biểu phản ánh bảng
giá đất mới ban hành đã có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp và còn
những bất cập, như: Tiền sử dụng đất khi chuyển đổi đất vườn sang đất ở tăng
đột biến, tăng tiền thuê đất kinh doanh của các doanh nghiệp; đề nghị ngành
Nông nghiệp và Môi trường trao đổi, làm rõ hơn để cử tri và doanh nghiệp hiểu
rõ, đối với những nội dung đang còn bất cập kiến nghị Trung ương để có sự điều
chỉnh.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết
bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Thủy điện Hủa Na và Dự án Hồ chứa nước Bản
Mồng. Sau khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp, sự phối hợp giữa Hội
đồng bồi thường giải phóng mặt bằng với chủ đầu tư chưa hiệu quả, do dự án nằm
trên địa bàn 2 - 3 xã.
Về lĩnh vực Văn hóa - Thể dục, thể thao, đại biểu đề nghị
các Sở, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn hoạt động, mở rộng phạm vi hoạt
động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông khi thực hiện chủ trương
sắp xếp, chuyển các Trung tâm này về cấp xã quản lý để thực hiện việc quản lý,
khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Đề nghị nghiên cứu việc quản lý
các Trung tâm Văn hóa của cấp huyện cũ, nên đưa nhiệm vụ phát thanh về Báo và
phát thanh - truyền hình tỉnh và nhiệm vụ Văn hóa về Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch để thuận tiện trong việc quản lý chuyên môn (như mô hình tại Hà Tĩnh). Đề
nghị UBND tỉnh chỉ đạo tuyển dụng, bố trí đủ giáo viên để chuẩn bị cho năm học
mới.
Về lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo hiểm xã
hội, đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn
thống nhất việc việc quản lý cơ sở vật chất và nhân sự tại trạm y tế của các
xã, phường mới phù hợp với mô hình chính quyền 02 cấp hiện nay…
Về lĩnh vực Nội vụ, Cải cách hành chính, đề nghị UBND tỉnh
quan tâm công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ, công chức cấp xã để triển khai
thực hiện tốt nhiệm vụ khi thực hiện chính quyền hai cấp, nhất là về công nghệ
thông tin, chuyển đổi số.
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên
quan thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với những người bị
tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể việc bố trí
cán bộ không chuyên trách, kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã
sau sắp xếp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát các khó khăn,
vướng mắc trong thực hiện các nội dung liên quan thuộc ngành, lĩnh vực, nhất là
trong một số lĩnh vực chưa phân định rõ như lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lĩnh
vực y tế.
Công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế, việc giải
quyết thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm do đó đề nghị khảo sát đánh
giá, xác định rõ nguyên nhân. Đề nghị có giải pháp để nâng cao tinh thần, trách
nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó triển khai có hiệu
quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới…
Lĩnh vực khoa học - công nghệ, đề nghị UBND tỉnh quan tâm
giải quyết tình trạng hạ tầng công nghệ thông tin ở các xã sau sắp xếp còn
thiếu (không có máy chiếu, máy scan, máy photo…) và thiếu cán bộ, công chức có
trình độ công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đề nghị thiết
lập hệ thống trao đổi thông tin giữa các cơ quan xã, giữa cấp tỉnh và cấp xã
(khối cơ quan Đảng đã có thiết lập, nhưng bên chính quyền chỉ mới kết nối đến
cán bộ chủ chốt, và chỉ có một chiều nhận thông tin từ tỉnh, chưa có chiều
tương tác từ cấp xã. Do đó, việc phản ánh các vướng mắc phát sinh chưa kịp
thời)…
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã góp ý cụ thể vào các
dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.
NPV