Tập
trung nâng cao năng lực tổ chức thực thi chính sách, pháp luật để giải
quyết kịp thời, có hiệu quả các công việc của người dân, doanh nghiệp
Thực
hiện chủ trương của Đảng, quy định của Quốc hội về đẩy mạnh phân cấp,
phân quyền, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022
về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước (Nghị quyết số
04/NQ-CP). Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết, các bộ, ngành, địa phương đã
tập trung triển khai các nội dung phân cấp, phân quyền, qua đó góp phần
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, trong
quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc rà soát,
sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành
còn chậm; việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô
thị, hải đảo và khả năng quản lý, điều hành của từng cấp, từng ngành;
chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, của các địa
phương...
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các nội dung đã phân cấp, phân quyền
Để
tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực, Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương thực hiện các
nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 04/NQ-CP, trong đó tập trung
triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với Luật,
Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ: Xây dựng kế hoạch đề
xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, báo cáo Chính phủ xem xét,
quyết định trong năm 2024.
Đối với Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định, hoàn thành trong năm 2024.
Đối
với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Chủ động rà
soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền, hoàn thành trong quý
IV năm 2024.
Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ
máy, vị trí việc làm và điều chỉnh số lượng biên chế phù hợp để thực
hiện có hiệu quả các quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà
nước.
Chủ động hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn,
quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế quản
lý giá trên cơ sở quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn bảo
đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Tăng
cường hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ đánh giá việc thực hiện các nội
dung đã phân cấp, phân quyền và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp với trình độ quản lý, khả năng và điều kiện thực hiện phân
cấp, phân quyền của từng vùng, miền, địa phương trong từng giai đoạn đối
với từng ngành, lĩnh vực.
Giải quyết kịp thời, có hiệu quả các công việc của người dân, doanh nghiệp
UBND
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung nâng cao năng
lực tổ chức thực thi chính sách, pháp luật để giải quyết kịp thời, có
hiệu quả các công việc của người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm
giải trình, tính minh bạch, công khai với người dân và với cơ quan cấp
trên trong thực hiện nhiệm vụ.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật
và cơ quan nhà nước cấp trên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền
hạn đã được phân cấp, phân quyền; rà soát tổ chức bộ máy, vị trí việc
làm, xác định số lượng biên chế phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được
giao.
Đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ
quản lý ngành, lĩnh vực các nội dung cần phân cấp, phân quyền quản lý
nhà nước phù hợp với điều kiện, khả năng, thế mạnh của địa phương; thực
hiện phân cấp quản lý nhà nước cho UBND cấp huyện, cấp xã theo quan
điểm, mục tiêu, định hướng về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà
nước.
Minh Hiển
Nguồn: baochinhphu.vn (23/10/2024).