Xử phạt bị cáo Lê Thị Dung mức án 15 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An vừa ra Thông cáo báo chí về việc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Trong các ngày 12 - 13/6/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 86/2023/TLPT-HS ngày 26/5/2023 đối với các bị cáo: Lê Thị Dung (sinh năm 1971), trú tại khối 5, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên; Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1966), trú tại khối 5, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, nguyên Kế toán Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Các bị cáo đã bị Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An xử phạt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điểm c khoản 2 Điều 256 Bộ luật hình sự. Bị cáo Lê Thị Dung bị xử phạt 05 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Hương bị xử phạt 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2023/HS-ST ngày 24/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên bị kháng cáo, kháng nghị như sau. Cụ thể: Bị cáo Lê Thị Dung kháng cáo đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét bị cáo không phạm tội. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm để xác định đầy đủ trách nhiệm của các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương; làm rõ hành vi của bị cáo Lê Thị Dung; xác định chính xác thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo.
Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, những nội dung kháng cáo, kháng nghị.
Nội dung kháng cáo liên quan đến các vi phạm tố tụng
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung và những người bào chữa cho bị cáo cho rằng, cấp sơ thẩm có một số vi phạm về tố tụng. Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá và nhận định, mặc dù cấp sơ thẩm có một số vi phạm, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.
Nội dung kháng cáo cho rằng bị cáo không phạm tội
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Dung và những người bào chữa đề nghị hủy bản án sơ thẩm, tuyên hai bị cáo không phạm tội, trả tự do cho các bị cáo, đình chỉ giải quyết vụ án.
Trong các năm học 2014 - 2015 và năm học 2015 - 2016, đối với nội dung Bí thư chi bộ và đi học cao học, bị cáo Lê Thị Dung đã được thanh toán lần thứ nhất từ nguồn ngân sách. Nhưng tiếp tục kê khai quy đổi các hoạt động này theo quy chế chi tiêu nội bộ thành tiết dạy tính tiền thừa giờ để thanh toán lần 2, cũng từ nguồn ngân sách, không phải là từ nguồn tiết kiệm của đơn vị. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.
Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An
Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị vì những lý do sau: Tại Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm đều xác định trong vụ án này, bị cáo Lê Thị Dung đã quy đổi các nội dung (học cao cấp lý luận chính trị, trực hè, Bí thư chi bộ, học cao học, bồi dưỡng giáo viên... gọi chung là hoạt động chuyên môn khác) ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ trái với quy định của pháp luật với tổng số tiền 103.298.925 đồng. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm chỉ khởi tố, truy tố và xét xử bị cáo Lê Thị Dung về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với việc chi 02 lần cho 01 nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh với số tiền 48.383.908 đồng. Đối với số tiền 54.915.017 đồng còn lại được xác định là khoản thanh toán 01 lần như các giáo viên khác, cấp sơ thẩm không khởi tố, truy tố, xét xử nên cấp phúc thẩm không xem xét.
Đối với số tiền 175.263.325 đồng bị cáo Lê Thị Dung duyệt chi cho các giáo viên khác trái quy định pháp luật. Trên thực tế những nội dung này có phát sinh, tức là các giáo viên khác có trực tiếp đi làm và chỉ thanh toán 01 lần cho những nội dung này, được các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định là vi phạm về thủ tục thanh toán, từ đó không truy tố, xét xử nên cấp phúc thẩm không xem xét.
Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đều xác định trong vụ án này, Lê Thị Dung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên chỉ đạo kế toán Nguyễn Thị Hương thanh toán 02 lần cho 01 nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh (bí thư chi bộ, học cao học tập huấn) cho chính Lê Thị Dung với tổng số tiền 48.383.908 đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào tài khoản cá nhân của Lê Thị Dung và đã được Lê Thị Dung sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Số tiền trên được lập dự toán và rút ra từ ngân sách không phải là khoản tiền tự chủ tiết kiệm được của Trung tâm.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên đã rút một phần truy tố đối với hành vi vi phạm của năm học 2011-2012 với số tiền 3.317.979 đồng và năm học 2013- 2014 với số tiền 303.052 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm kết luận Lê Thị Dung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái công vụ, hưởng lợi số tiền 44.762.877 đồng là có căn cứ.
Từ đó đủ căn cứ xác định các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do đó không cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại như kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An.
Quy định của Bộ luật hình sự áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Lê Thị Dung và bị cáo Nguyễn Thị Hương
Theo nghiệp vụ kế toán thì để thanh toán (lần 2) tiền thừa giờ (tổng số tiền 44.762.877 đồng) trong các năm học 2014 - 2015 và 2015 - 2016 từ việc quy đổi các nội dung Bí thư chi bộ, học cao học, tập huấn và nhận tiền vào cuối các năm học thì kế toán phải lập các chứng từ kế toán hàng tháng; sau đó, cuối năm được quyết toán và thanh toán 01 lần. Do đó, việc Lê Thị Dung chỉ đạo Nguyễn Thị Hương - kế toán Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên lập chứng từ kế toán, thanh toán tiền thừa giờ (lần 2) đối với các nội dung Bí thư chi bộ, học cao học, tập huấn cho Lê Thị Dung, từ đó Lê Thị Dung hưởng lợi số tiền 44.762.877 đồng là hành vi phạm tội có tính liên tục, kéo dài. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Kết quả xét xử đối với các bị cáo
Đối với bị cáo Lê Thị Dung: Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo đã khai nhận đầy đủ về việc xây dựng quy chế, kê khai quy đổi để được thanh toán, số tiền đã nhận, đúng với có các tài liệu có tại hồ sơ vụ án. Điều này thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình do đó có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với bị cáo.
Ngoài ra, trong quá trình công tác, bị cáo Lê Thị Dung có nhiều thành tích xuất sắc nên được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam ngày 28/3/2022.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương: Là cấp dưới của Lê Thị Dung nên là người có quan hệ lệ thuộc; thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức, không được hưởng lợi; sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã có hành vi ngăn ngừa (không cho bị cáo Dung thanh toán năm 2017, 2018) sau đó đã đến cơ quan điều tra tự thú, chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác và cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan với cơ quan điều tra; tố giác hành vi sai phạm của Lê Thị Dung; khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; quá trình công tác được Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; được Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên tặng “Giấy khen”; gia đình có công với cách mạng. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm r, t, s, v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ thì Nguyễn Thị Hương thuộc trường hợp được xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự. Thể hiện tính nhân văn, chính sách hình sự đối với người phạm tội tự thú, tố giác hành vi phạm tội của đồng phạm khác, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Căn cứ khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự; điểm r, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 59 Bộ luật Hình sự: Miễn hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
PT (tổng hợp)