Sẽ ban hành Quy định sửa đổi, bổ sung về một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025
Sở Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng và tổ chức
lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về sửa
đổi, bổ sung Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính
sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh,
giai đoạn 2021-2025.
Theo Sở Nông nghiệp
và Môi trường cho biết: Nhằm hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
phát triển, ngày 13/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND
về quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm
(OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Nghị quyết số 25/2020/NQ–HĐND
ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh sẽ hết hiệu lực vào hết năm 2025, đồng thời có một
số chính sách được quy định tại Nghị quyết này không phù hợp với yêu cầu thực tế
hiện nay.
Để tiếp tục hỗ trợ,
tạo động lực cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2026-2030 phát triển
có chiều sâu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng NTM
thì việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 25/2020/NQ-HĐND của HĐND
tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm
trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết.
Theo đó, việc hỗ
trợ thực hiện theo dự toán ngân sách hàng năm và thứ tự ưu tiên như sau: Ưu
tiên cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên; các
cơ sở có nhiều sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu
vùng xa. Ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân xây dựng điểm bán hàng tại trung tâm
hành chính cấp xã có đông dân cư; khu di tích lịch sử văn hóa, du lịch.
Nội dung, mức hỗ trợ và mức thưởng gồm:
Hỗ trợ 50% tổng chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ
sản xuất sản phẩm OCOP, nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở sản xuất kinh
doanh và chỉ hỗ trợ một lần cho cả giai đoạn (2026 - 2030).
Hỗ trợ 50% tổng
chi phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm cho
đơn vị thực hiện việc giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, nhưng không quá 300
triệu đồng/điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP và chỉ hỗ trợ 01 điểm cho
mỗi trung tâm xã và các khu vực du lịch trong giai đoạn 2026-2030.
Hỗ trợ 50% tổng
chi phí thiết kế, mua bao bì thương phẩm, mua nhãn hàng hóa, nhưng không quá 50
triệu đồng/sản phẩm và được hỗ trợ cho mỗi lần nâng hạng sao; nhưng không quá
200 triệu đồng/chủ thể.
Thưởng cho mỗi sản
phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, với mức thưởng như sau: Sản phẩm đạt hạng 3
sao thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm đạt hạng 4 sao thưởng 30 triệu đồng/sản
phẩm. Sản phẩm đạt hạng 5 sao thưởng 80 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm nâng hạng
từ 3 sao lên 4 sao thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm nâng hạng từ 4 sao
lên 5 sao thưởng 60 triệu đồng/sản phẩm.
Điều kiện hỗ trợ gồm: Máy
móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ phải mới 100% và phải có kế hoạch sản xuất,
kinh doanh hoặc phương án đầu tư sản xuất do cơ sở sản xuất kinh doanh lập.
Trang thiết bị bảo
quản, trang trí phải mới 100% và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hoặc phương
án đầu tư sản xuất do cơ sở sản xuất kinh doanh lập; có cam kết dành ít nhất
70% diện tích để trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong thời gian tối
thiểu 5 năm liên tục và đáp ứng các tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm
OCOP theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Mời độc giả xem
toàn văn dự thảo Nghị quyết và tham gia góp ý.
Kim Oanh (T/h)