Ngày 12/12/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 9837/UBND-KSTT yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác Cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của tỉnh.
Lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, làm thước đo đánh giá xếp loại cơ quan, đơn vị
Theo đó, thực hiện Thông báo số 354/TB-VPCP ngày 14/11/2022 của Văn phòng Chính phủ và Báo cáo số 278/BC-BPC ngày 28/11/2022 của Ban pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh tại về kết quả thẩm tra đối với Báo cáo CCHC nhà nước tỉnh Nghệ An năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 và để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh Nghệ An năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung.
Cụ thể là, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, địa phương trong công tác CCHC. Quan tâm bố trí thời gian, nhân lực, tài chính và các nguồn lực cần thiết để tập trung hoàn thành các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ còn lại theo kế hoạch đề ra, lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cơ quan nhà nước làm thước đo đánh giá xếp loại cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ CCHC.
Tập trung hoàn thiện thể chế, thường xuyên nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định pháp luật hiện hành trái pháp luật hoặc mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý các vấn đề bất cập trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ đột xuất mới phát sinh trong công tác CCHC. Nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo về thời gian, chất lượng, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), lưu ý các nhiệm vụ cần khẩn trương triển khai, hoàn thành. Đó là tiếp tục rà soát, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các TTHC không cần thiết, không hợp pháp, không hợp lý; cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai kịp thời các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nhất là các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cổng/trang thông tin điện tử của Sở, ban, ngành, địa phương, tại nơi giao dịch và các hình thức khác theo quy định.
Hoàn thành việc chuẩn hóa kết quả giải quyết TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tiếp tục tổ chức kiện toàn Bộ phận Một cửa các cấp; sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp. Thiết lập, nâng cấp, hoàn thiện kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; khắc phục tình trạng tồn đọng về số liệu hồ sơ quá hạn trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đảm bảo đúng thực tế; thực hiện tốt việc chia sẻ, tích hợp và cập nhật dữ liệu trên hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Triển khai kịp thời các đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực thi công vụ
Tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, giảm các khâu trung gian; thực hiện tốt việc bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức, viên chức; gắn hiệu quả công tác với việc đánh giá, xếp loại. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực để uốn nắn điều chỉnh tránh vi phạm.
Huy động mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ cho công tác CCHC, có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào công tác CCHC; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp đối với CCHC. Bố trí đủ nguồn lực về tài chính để thực hiện nhiệm vụ CCHC.