Chủ động rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai theo từng cấp độ
UBND tỉnh vừa ban hành Thông báo số332/TB-UBND ngày 9/5/2025 về Kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch
UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 diễn ra vào ngày 21/4/2025.
Theo đó, để
ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai năm 2025 với phương châm "Chủ
động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hiệu quả, trong đó
lấy phòng, tránh là chính", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu
các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng
thủ dân sự tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ động rà soát, xây
dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai theo từng cấp độ đối với từng loại
hình thiên tai, sự cố, thảm họa thiên tai, sự cố có thể xảy ra trên địa bàn và
thuộc phạm vi quản lý, nhất là các phương án, kịch bản phòng chống bão mạnh và
siêu bão, lũ lụt, sạt lở đất. Đồng thời xây dựng phương án kêu gọi, hướng dẫn
tránh trú, neo đậu an toàn, cứu hộ, cứu nạn cho tàu thuyền hoạt động trên biển
khi có bão, áp thấp nhiệt đới... không để bị động, bất ngờ, kể cả trong các
tình huống thiên tai bất lợi; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng
phó kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, khách du lịch, công trình đê
điều, hồ đập, các công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường
tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, phần mềm
chia sẻ, trao đổi kiến thức về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước,
trong và sau thiên tai, bão, lũ; kinh nghiệm, kiến thức phòng chống thiên tai
để các cấp, các ngành, nhân dân biết, chủ động thực hiện có hiệu quả, tuyệt đối
không chủ quan, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Nâng cao công
tác tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện
nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm "4 tại
chỗ".
Các địa
phương, đơn vị tổ chức kiểm tra chặt chẽ các công trình phòng, chống thiên tai
do mình quản lý. Rà soát, cân đối, ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư, sửa chữa
công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn, nhất là hồ
đập, đê điều, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư, khu neo đậu tàu thuyền tránh
trú bão.
Đối với công
tác ứng phó cần phát huy tối đa năng lực các đội xung kích phòng chống thiên
tai cấp xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu, đặc biệt là ở các địa bàn
trọng điểm. Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ công tác
sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa
lũ khi có yêu cầu.
Đối với công
tác khắc phục, tái thiết sau thiên tai, kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên,
chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có thiệt hại về
người, gia đình chính sách, hộ khó khăn. Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình
hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh
hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động
ứng phó với những đợt thiên tai mới; nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau
mưa lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân. Lồng ghép nội dung Phòng,
chống thiên tai vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương,
các ngành.
Phó Chủ tịch
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan nghiên cứu, xây dựng ứng dụng (App) giám sát vận hành các hồ chứa
thủy điện và mở rộng cho các hồ thủy lợi khi cần. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa
chất lượng dự báo tình hình thiên tai để các địa phương, đơn vị chủ động trong
công tác phòng, chống thiên tai. Tiếp tục xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, ứng
dụng các công nghệ hiện đại để dự báo thời tiết, đáp ứng yêu cầu phòng chống
thiên tai. Đầu tư công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo
(AI) trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng
phòng, chống thiên tai một cách trọng điểm, phát huy tối đa hiệu quả…
PT (tổng hợp)