Hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong thẩm định Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại các đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 11/4, Sở Tài chính đã có Văn bản số 1449/STC-QLG&CS hướng dẫn một số nội dung liên quan việc lập Đề án sử dụng tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê.
Cụ thể, về đối tượng tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê phải lập Đề án là danh mục những tài sản theo quy định tại Điều 6, Thông tư 144/2017/TTBTC và đảm bảo các nội dung quy định: Không sử dụng hết công suất; Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị…); Không phục vụ hoạt động của đơn vị (bao gồm việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị và phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ).
Ví dụ: Sử dụng phòng học dư thừa trong thời gian nhàn rỗi để cho đơn vị khác thuê sử dụng cùng mục đích làm phòng học nhưng không phục vụ cho hoạt động của đơn vị thì phải lập Đề án; Sử dụng Gara xe để phục vụ hoạt động của đơn vị, hoạt động phụ trợ của đơn vị thì không phải lập Đề án.
Trình tự lập Đề án
Đơn vị sự nghiệp công lập rà soát đối tượng tài sản công sử dụng vào mục đích
kinh doanh, cho thuê mà phải lập Đề án sử dụng tải sản công tại đơn vị sự nghiệp được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê tiến hành lập Đề án
theo mẫu 02/TSC-ĐA gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, gửi lấy ý kiến thẩm định của Sở Tài chính (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý).
Sau khi tiếp nhận ý kiến thẩm định của Sở Tài chính thì đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thiện đề án, trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 57 của Luật Quản lý sử dụng tài sản công phê duyệt (Sở Tài chính không trình trực tiếp UBND tỉnh trong trường hợp UBND tỉnh phê duyệt Đề án).
Thẩm quyền phê duyệt Đề án
UBND tỉnh phê duyệt đối với các tài sản (của đơn vị sự nghiệp thuộc địa
phương quản lý): Tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp (là đất, nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập); Tài sản khác có giá trị lớn (UBND tỉnh quyết định phù hợp với loại tài sản và chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý Khoản 2, Điều 44, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP). Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị phê duyệt đối với các tài sản không thuộc phạm vi UBND tỉnh phê duyệt.
Phương thức và giá cho thuê tài sản
Đối với tài sản do UBND tỉnh phê duyệt (tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác có giá trị lớn): Thực hiện theo phương thức đấu giá; giá cho thuê là giá trúng đấu giá (theo quy định tại Khoản 3, Điều 56, Luật Quản lý sử dụng tài sản công). Ví dụ: Sử dụng Gara xe dư thừa công suất để kinh doanh, cho thuê mà không phục vụ cho hoạt động của đơn vị thì phải lập Đề án, tổ chức đấu giá theo quy định.
Phương thức cho thuê tài sản đối với tài sản do Hội đồng quản lý hoặc người
đứng đầu đơn vị phê duyệt: Thực hiện theo phương thức thỏa thuận; giá cho thuê tài sản do người cho thuê, người đi thuê tài sản thỏa thuận theo giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ (theo quy định tại Khoản 3, Điều 56, Luật Quản lý sử dụng tài sản công). Ví dụ: Hội trường, phòng họp, phòng thí nghiệm… dư thừa công suất, sử dụng cho thuê lúc nhàn rỗi dưới 15 ngày hoặc trên 15 ngày không liên tục thì phải lập Đề án, do Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị phê duyệt sau khi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên và có ý kiến thẩm định của Sở Tài chính.
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đề nghị các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh căn cứ các văn bản pháp luật có liên quan rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cũng như mục đích sử dụng của các tài sản để xác định chính xác tài sản nào phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị (bao gồm việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị và phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ) và tài sản nào phục vụ cho hoạt động có tính chất kinh doanh để áp dụng quy định của pháp luật cho phù hợp, vừa tránh ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị vừa tránh sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê không đúng quy định.
Trước đó, thời gian qua, Sở Tài chính nhận được một số đề nghị của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh về thẩm định phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê (Đề án). Sở Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về vướng mắc trong việc thẩm định đề án tại các đơn vị sự nghiệp công lập và Bộ Tài chính đã có Công văn số 1160/BTC-QLCS ngày 08/02/2023 trả lời.
Theo Bộ Tài chính, tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 1 Điều 57, khoản 1 Điều 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và khoản 1, khoản 2 Điều 43 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 44, điểm a, khoản 1 Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định, tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất mà không thể áp dụng hình thức thu hồi, điều chuyển thì đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản đó vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải lập đề án sử dụng tài sản công đó vào mục đích kinh doanh, cho thuê theo Mẫu 02/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính thì tài sản được xác định đáp ứng yêu cầu đúng mục đích được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là những tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó.
Việc xác định cụ thể tài sản phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; lĩnh vực thông tin, truyền thông và báo chí; lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác, đã được quy định tại Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính.
Từ cơ sở trên, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ hoạt động của đơn vị (bao gồm phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị) thì không thuộc trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê theo quy định tại Điều 56, Điều 57 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và không phải lập Đề án. Trường hợp tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập đã được Nhà nước giao, đầu tư, xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị nhưng trong quá trình sử dụng không sử dụng hết công suất và đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đơn vị được sử dụng tài sản đó vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và phải lập Đề án; báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
PQ (tổng hợp)