Tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" cho khu vực kinh tế tư nhân.
Văn
phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 9/5/2025 Kết
luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc về xây dựng Nghị quyết
của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân.
Tại Thông báo, Thường
trực Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng
và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về
phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) với nhiều nội dung đề xuất
sâu sắc, toàn diện, cụ thể, tiếp cận trực tiếp vào những vấn đề quan
trọng cần tập trung giải quyết.
Trình Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân ngay tại Kỳ họp thứ 9
Thường
trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện trình cấp thẩm quyền để
trình Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV ban hành Nghị
quyết về các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù, đặc biệt khả thi và
hiệu quả để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách cũng
như thực hiện được các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 68; đồng thời sớm
ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ để phục vụ tổ chức quán triệt
và triển khai thực hiện Nghị quyết 68.
Thường trực Chính phủ cơ
bản thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc phân nhóm nhiệm vụ,
giải pháp tại Nghị quyết 68 để thể chế hóa đối với các nội dung thuộc
thẩm quyền Quốc hội:
(1) Nhóm các nội dung cần được thể chế hóa
ngay, đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để trình ban hành tại Kỳ
họp thứ 9 đối với các nhiệm vụ đã rõ, quan trọng, cấp bách, chưa được
thể chế hóa hoặc cần sửa đổi thuộc thẩm quyền Quốc hội, không thuộc phạm
vi của nhóm (2).
(2) Nhóm các nội dung cần được bổ sung vào các
dự án Luật đang trình Quốc hội để thông qua tại kỳ họp thứ 9 đối với các
nhiệm vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của một số Luật đã có trong chương
trình xây dựng pháp luật để thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa
XV.
(3) Nhóm nội dung về các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định
hướng cần tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất Quốc hội
sửa đổi trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, tiếp thu ý kiến
của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại cuộc
họp, rà soát kỹ để thể chế hóa các định hướng, nguyên tắc hoàn thiện
pháp luật hoặc thành các quy định cụ thể, rõ ràng để đưa vào dự thảo
Nghị quyết của Quốc hội theo nhóm 1 nêu trên trình Quốc hội ban hành tại
Kỳ họp thứ 9 để có thể áp dụng ngay, đồng thời tạo cơ sở cho các Bộ,
ngành tiếp tục thể chế hóa vào các Luật liên quan thời gian tới, bảo đảm
thể chế đầy đủ các chủ trương, chính sách tại Nghị quyết 68 ngay trong
kỳ họp thứ 9 (trong đó có nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự
với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm;
giữa hình sự và không hình sự thì kiên quyết không hình sự).
Tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Thường
trực Chính phủ yêu cầu thể chế hóa các chủ trương, chính sách tại Nghị
quyết 68 và xây dựng Kế hoạch hành động cần tập trung ưu tiên những nội
dung cần thiết, quan trọng cấp bách, đang được doanh nghiệp, người dân
mong đợi nhất, phải làm ngay mà chưa cần nhiều nguồn lực, xử lý được
ngay để tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", mang lại tác động, hiệu quả
lớn, thực sự tháo gỡ, tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản
xuất của khu vực kinh tế tư nhân; thực hiện được mục tiêu đến năm 2030
có 2 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 20 Tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá
trị toàn cầu đa quốc gia; trong đó nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm
sau:
- Thủ tục hành chính phải nhanh, đơn giản, dễ thực hiện, chi
phí ít nhất có thể, đặc biệt đối với các thủ tục thành lập doanh nghiệp,
giải quyết tranh chấp và phá sản.
- Có cơ chế chính sách đột phá
thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, trong đó khuyến khích, tạo điều kiện
để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ thành lớn, doanh
nghiệp lớn trở thành lớn hơn; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu, quyền tài
sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư
nhân.
- Thúc đẩy, vận dụng hiệu quả mô hình hợp tác công tư, chú
trọng đẩy nhanh các mô hình "lãnh đạo công - quản trị tư", "đầu tư tư -
sử dụng công", "đầu tư công - quản lý tư".
- Tăng cường phân cấp
cho các bộ, ngành, địa phương trong việc đặt hàng các công trình, dự án
cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tiến độ, chất
lượng, không đội vốn và không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích
nhóm, gắn với tăng cường giám sát, kiểm tra.
- Cụ thể hóa, thể chế
hóa chủ trương, định hướng tại Nghị quyết 68 về tuân thủ nguyên tắc
phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân
và cá nhân và những vấn đề liên quan trong xử lý vi phạm.
- Chính
sách về thuế, phí, lệ phí và các chính sách khác liên quan phải rõ hơn,
kỹ hơn, thuận lợi hơn để khuyến khích phát triển doanh nghiệp; nghiên
cứu, đánh giá thêm những nội dung có tác động lâu dài...
Trong tháng 5/2025 ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 68
Thường
trực Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan tiếp thu tối đa các ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng và các Bộ,
cơ quan dự họp, ý kiến của các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của
Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 08 tháng 5 năm 2025 và các chỉ
đạo nêu trên để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và
Kế hoạch hành động, khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương
liên quan, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính
phủ, và các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, VCCI chậm nhất trong ngày
09 tháng 5 năm 2025.
Tổng hợp tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện hồ
sơ Nghị quyết của Quốc hội theo quy định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, tổng
hợp, trình Chính phủ theo quy định chậm nhất ngày 12 tháng 5 năm 2025
để làm thủ tục xin ý kiến thành viên Chính phủ thông qua để trình Quốc
hội xem xét ban hành trước ngày 18 tháng 5 năm 2025. Hồ sơ trình cần
thuyết minh rõ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, lý do các cơ
chế, chính sách cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội; các nội dung cần
đưa vào các Luật chuyên ngành để thể chế hóa Nghị quyết 68.
Đồng
thời, Bộ Tài chính tổng hợp, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Chính phủ
triển khai Nghị quyết 68; bảo đảm "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời
gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả"; trình Chính phủ trước
ngày 12 tháng 5 năm 2025 để làm thủ tục xin ý kiến thành viên Chính phủ,
kịp ban hành trước ngày 16 tháng 5 năm 2025.
Thường trực Chính
phủ giao các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Khoa học và công nghệ, Tư pháp, Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ
quan liên quan khẩn trương rà soát, bổ sung các nội dung cần thiết phải
thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại Nghị quyết 68 vào các
dự án Luật, Nghị quyết do các Bộ, cơ quan chủ trì đang trình Quốc hội
thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (trong đó có Luật Cán bộ,
công chức, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư,
Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật
Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số,
Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật các Tổ chức tín dụng). Bộ Tài chính
tiếp tục rà soát, chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để thể
chế hóa đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ liên quan tại Nghị quyết 68 vào
các dự thảo Luật đang trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Bộ Tư
pháp thực hiện thẩm định hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất
lượng, thời hạn trình Chính phủ theo quy định.
Thường trực Chính
phủ giao các cơ quan truyền thông của Chính phủ (VTV, VOV, Thông tấn xã
Việt Nam), Văn phòng Chính phủ (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) và các
Bộ, cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh truyền thông chính sách về
phát triển kinh tế tư nhân theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc
hội và Kế hoạch hành động của Chính phủ.
Phương Nhi
Nguồn: baochinhphu.vn (10/5/2025).