Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ nhằm phòng ngừa, hạn chế các cuộc đình công
Ngày 12/9, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 672/KH-UBND thực hiện Đề án số 26-ĐA/TU ngày 03/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng ngừa và giải quyết đình công không đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025, tính đến năm 2030.
Kế hoạch được ban hành nhằm nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, hạn chế tranh chấp lao động dẫn đến đình công trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tập nội dung Đề án; đồng thời tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền; đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động và quan hệ lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.
Thực hiện có hiệu quả, kịp thời cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm hỗ trợ nhà ở cho người lao động, công trình phúc lợi xã hội nhằm phục vụ đời sống ổn định, lâu dài cho công nhân lao động tại các địa phương có đông công nhân lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức có liên quan trong việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, trường học cho con công nhân làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp.
Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác lao động, việc làm, dạy nghề, kết nối cung – cầu lao động, quan hệ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,… theo quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giải quyết việc đình công không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An…
Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia, bảo đảm người lao động tiếp cận được đầy đủ thông tin; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi nợ, gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp
làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Mặt khác, cần xây dựng, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò của Công đoàn tại các doanh nghiệp. Đổi mới phương thức hoạt động của Công đoàn để nắm bắt đầy đủ tâm tư nguyện vọng của người lao động.
Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người lao động các quy định của pháp luật lao động và pháp luật có liên quan; khuyến khích người lao động không ngừng nâng cao tay nghề và hiểu biết pháp luật về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; sự quản lý điều hành, giám sát của người sử dụng lao động; tuân thủ quy trình thủ tục tổ chức đình công theo quy định của pháp luật. Tổ chức rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động để tham gia tích cực, hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động.
Ngoài ra, chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình về an ninh trật tự các đơn vị, doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có đông lao động, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các dấu hiệu hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động công nhân đình công không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định gây phức tạp về an ninh trật tự; hướng dẫn UBND cấp huyện và các bên có liên quan để triển khai các nhiệm vụ theo quy định.
Mục tiêu của Kế hoạch đến năm 2025, tính đến năm 2030:
1. 100% doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có 500 lao động trở lên tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm, tổ chức đối thoại khi có vụ việc và ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
2. 100% doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có 500 lao động trở lên thành lập được công đoàn cơ sở; hàng năm được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan; xây dựng và ban hành nội quy lao động, quy chế, thang bảng lương; thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể.
3. 100% các huyện, thị xã, thành phố có lực lượng Hòa giải viên lao động và cán bộ chuyên trách theo dõi công tác lao động; được tập huấn chuyên sâu về pháp luật lao động, kỹ năng hòa giải và kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động.
4. Phấn đấu đến năm 2025, có 90% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể, trong đó có ít nhất 40% thỏa ước lao động tập thể loại A; đến năm 2030 có trên 95% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể, trong đó, có ít nhất 65% thỏa ước lao động tập thể loại A.
5. Ít nhất mỗi năm một lần, UBND cấp huyện hoặc tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với Công đoàn cùng cấp tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động và pháp luật có liên quan tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động thuộc các ngành nghề có nguy cơ cao về đình công.
6. Tất cả các cuộc đình công (nếu có) được giải quyết kịp thời, hiệu quả và đúng quy định.
Phan Quỳnh (tổng hợp)