13/01/2022
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh
Ngày 12/01, UBND tỉnh ban hành Công văn số 252/UBND-TH giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện triển khai nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tập trung nâng cao năng lực tổ chức thực thi chính sách, pháp luật để giải quyết kịp thời, có hiệu quả các công việc của người dân, doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, công khai với người dân và cơ quan cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan nhà nước cấp trên trong việc tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp, phân quyền; rà soát lại tổ chức bộ máy, sớm xác định vị trí việc làm, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức, xác định số lượng biên chế phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phân cấp trong quản lý nhà nước tại Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong việc thực hiện phân cấp.
Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 10/01/2022 nêu rõ: Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành theo phân công của Chính phủ và những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi đã được phân cấp, phân quyền.
Trên cơ sở hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền, các cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm rà soát lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế cho phù hợp để thực hiện có hiệu quả các quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, bảo đảm chuyển giao nhiệm vụ gắn với chuyển giao tổ chức bộ máy và biên chế...
|
PQ (tổng hợp)