Tại Công văn số 7083/UBND-NN ban hành
ngày 21/7/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao Sở Nông nghiệp và Môi
trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan căn cứ yêu cầu
của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Văn bản số 4351/BNNMT-ĐD ngày 14/7/2025 về
việc đề xuất xây dựng công trình phòng,
chống lũ quét để tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Theo đó, tại
Văn bản số 4351/BNNMT-ĐĐ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thời gian qua,
thiên tai xảy ra ngày càng cực đoan, bất thường trên phạm vi cả nước, trong đó
đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung đã
gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, làm gián đoạn quá trình
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cuộc sống của người dân, nhất là
lũ quét sau cơn bão Yagi năm 2024 đối với khu vực miền núi phía Bắc và lũ quét
năm 2020 đối với khu vực miền Trung.
Thực hiện
chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và đang triển
khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo,
đồng thời phối hợp với các quốc gia phát triển trong khu vực triển khai các dự
án đầu tư xây dựng công trình và hệ thống cảnh báo sớm nhằm hạn chế thiệt hại
do lũ quét gây ra, hướng đến chủ động phòng, chống lũ quét trong thời gian tới.
Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, kể cả tại các quốc gia phát triển, song yêu
cầu thực tiễn phải thực hiện khẩn trương, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, trong
đó vai trò của chính quyền cơ sở đặc biệt quan trọng trong việc chủ động các
giải pháp phòng, chống loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm này.
Trong khuôn
khổ hợp tác với Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh
Sơn La đã xây dựng thí điểm một đập ngăn lũ quét (đập Sabo) tại suối Nậm Păm,
xã Mường La, nơi đã xảy ra trận lũ quét gây thiệt hại lớn về người và tài sản
vào năm 2017. Mục đích chính của đập Sabo là kiểm soát xói lở, ngăn dòng
lũ quét, đất, đá, cây cối và giảm vận tốc dòng chảy, góp phần bảo vệ tính mạng,
tài sản của người dân ở hạ lưu đập. Đập Sabo được ưu tiên xây dựng tại các khu
vực dân cư tập trung, có nguy cơ cao về lũ quét.
Để có cơ sở
xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính
quyền cấp xã khẩn trương rà soát, xác định các khu vực sông, suối có rủi ro cao
về lũ quét, tổng hợp đề xuất gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản
lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) trước ngày 15/8/2025 để tổng hợp báo cáo
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thông tin bước đầu đề xuất
xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, bao gồm: Vị trí dự kiến xây dựng
tại các sông, suối (xác định sơ bộ tọa độ vị trí bằng điện thoại smartphone
hoặc các thiết bị khác); tên sông/suối/địa bàn xã; đối tượng chính bị ảnh
hưởng…
PT (Tổng hợp)