Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2-3%
Là một trong những mục tiêu UBND tỉnh đưa ra tại Kế hoạch số 791/KH-UBND ngày 21/12 về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chỉ thị số 05-CT/TW để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các ngành, phát huy vai trò của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác giảm nghèo.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW phải được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ từng lĩnh vực, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị.
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu: Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1-1,5%, trong đó vùng miền núi 2-3%. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Nghệ An đến cuối năm 2030, xuống mức thấp hơn bình quân chung cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn thiện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo 100% hộ dân, nhất là hộ nghèo được tiếp cận, hỗ trợ hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và hệ thống thông tin, tiếp cận việc làm.
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể gồm: Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định rõ giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về hỗ trợ giảm nghèo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" đối với người nghèo. Động viên, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền công tác giảm nghèo trong các ngành, các cấp; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững để nhân rộng.
Tiếp tục hưởng ứng và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo"; thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn 11 huyện miền Tây theo phân công của UBND tỉnh.
Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng chính sách xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân như chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, các chính sách tín dụng xã hội, chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về nhà ở, nước sạch. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết nối vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở những địa bàn khó khăn…
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo…
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình, tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng, tham gia Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Tiếp tục phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng, chỉ đạo triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đưa chỉ tiêu kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người lao động thuộc hộ nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Tăng cường chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, nhất là phụ nữ, người khuyết tật. Đẩy mạnh hoạt động ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch này. UBND các huyện, thành, thị xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện trên địa bàn quản lý; đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
PT (Tổng hợp)