Phê duyệt Đề án xây dựng “Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An
Tại Quyết định số 1248/QĐ-UBND ngày 8/5, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng “Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An.
Đề án được xây dựng nhằm mục đích trợ giúp xã hội phải đa dạng cả vật chất và tinh thần, phù hợp với vòng đời con người, có tính chất chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, đảm bảo người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới công tác xã hội các cơ sở trợ giúp xã hội có tính chuyên nghiệp, tính khoa học hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng, tổ chức quản lý trường hợp, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức tham vấn, tư vấn các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng tại Trung tâm và cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Theo đề án, mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội (mô hình) được thực hiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An (cơ sở 1 tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương và cơ sở phía Bắc, khối 5 thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu) và tại một số đơn vị, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của mô hình được thực hiện theo quy định tại mục 1, điều 2 của Quyết định số 4124/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 của UBND tỉnh về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.
Theo đó, Mô hình cung cấp các nhiệm vụ khẩn cấp như: Tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; đánh giá các nhu cầu của đối tượng, sàng lọc và phân loại đối tượng; đảm bảo sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng như nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại; chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
Phối hợp với các cơ sở y tế về chăm sóc sức khỏe tổ chức tham vấn, tư vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho các đối tượng; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội. Phối hợp với chính quyền địa phương nơi cư trú tổ chức các mô hình về sinh kế để hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng sau quá trình trợ giúp chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp, trị liệu tại Trung tâm. Tổ chức các hoạt động truyền thông, cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội và nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức về việc phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ rủi ro bị tổn thương…
Tại Đề án đã nêu rõ các nội dung thực hiện của mô hình và các giải pháp thực hiện. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội và gia đình đối tượng bảo trợ xã hội về mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tăng cường công tác tư vấn, hội nghị chuyên đề về dấu hiệu, biểu hiện của người rối nhiễu tâm trí phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đề án; xây dựng chương trình kiểm tra chéo giữa các nhân viên làm công tác xã hội nhằm đảm bảo quy trình cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu hợp pháp của đối tượng và của gia đình đối tượng…
UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định hiện hành.
PT (Tổng hợp)