Tăng cường giải pháp nhằm đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1934/UBND-KT ngày 21/3 về việc tiếp tục tăng cường giải pháp nhằm đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Củng cố và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo các QTDNN trên địa bàn xây dựng Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 -2025.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý, giám sát QTDND; có giải pháp phát hiện về dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật và dấu hiệu bất thường khác trong tổ chức, hoạt động của QTDND để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động các QTDND, nhất là đối với các QTDND có quy mô lớn, có dấu hiệu không lành mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó tập trung phân loại nợ và việc đảm bảo sử dụng vốn vay tại các QTDND đúng mục đích, hiệu quả, không để xảy ra lợi dụng chính sách để trục lợi…
Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị trực thuộc chủ động nắm tình hình, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An về dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật và dấu hiệu bất thường khác trong hoạt động của QTDND. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An xây dựng kịch bản, phương án đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình xử lý QTDND yếu kém.
Công an tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của các Quỹ. Đẩy nhanh việc điều tra, xét xử, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động QTDND để tăng tính răn đe, phòng ngừa chung. Có biện pháp kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tài sản bị thất lạc, chiếm đoạt. Đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật nhằm đảm bảo thu hồi nợ cho QTDND…
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, phối hợp quản lý, giám sát hoạt động của QTDND trên địa bàn. Chủ động thông tin sớm cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An về dấu hiệu vi phạm, bất thường trong hoạt động của các QTDND để có biện pháp xử lý. Kịp thời xử lý các sự cố phát sinh tại QTDND, đặc biệt là việc xử lý QTDND yếu kém, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nơi có QTDND tăng cường quản lý nhà nước, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An quản lý, giám sát hoạt động QTDND trên địa bàn, kịp thời xử lý các sự cố phát sinh tại QTDND…
Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh Nghệ An phát huy vai trò đầu mối thông qua hoạt động hỗ trợ thanh khoản, cung ứng các dịch vụ thanh toán, cho vay; kiểm tra, giám sát hoạt động; hỗ trợ cho vay đối với Quỹ gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản. Tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng trong việc tham gia xử lý các Quỹ yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động.
Đối với hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh yêu cầu bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chức năng, cấp ủy và chính quyền các địa phương trong quá trình hoạt động đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của mô hình Hợp tác xã, tránh chạy theo lợi nhuận đơn thuần, chú trọng nâng cao tính tương trợ, liên kết giữa các thành viên, tập trung vào mục tiêu hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, phục cụ cộng đồng dân cư trên địa bàn. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giài đoạn 2021 -2025 đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả.
Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các QTDND và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đẩy mạnh việc kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động nghiệp vụ, tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Các Quỹ phải cụ thể hóa các quy trình nghiệp vụ, quy chế nội bộ đảm bảo công khai, minh bạch, phân định rõ quyền và trách nhiệm cụ thể của từng khâu, từng cán bộ ở các bộ phận. Thường xuyên quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định, xây dựng trụ sở, tăng vốn chủ sở hữu để đảm bảo ổn định trong quá trình hoạt động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, hệ thống an ninh, an toàn đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán của QTDND và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.
Tại Công văn này, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm tiền gửi khu vực Bắc Trung bộ.
PT (Tổng hợp)