Triển khai các Nghị quyết HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và môi trường
Tại Công văn số 3983/UBND-NN ngày
8/5/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao Sở Nông nghiệp và Môi
trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ
vào nội dung các Nghị quyết HĐND tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và môi
trường vừa được HĐND tỉnh khóa XVIII, kỳ họp thứ 28 thông qua, triển khai thực
hiện, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Tại Nghị quyết số 04/2025/NQ-HĐND ngày
28/4/2025, HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ thực hiện các chính sách phát
triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh như sau:
Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, bồi
dưỡng trong và ngoài nước; hỗ trợ ăn ở theo mức 1,5 lần lương tối thiểu vùng;
hỗ trợ tiền lương hàng tháng bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng cho tối đa 2 lao
động/HTX, liên hiệp HTX, thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.
Chính sách hỗ trợ thông tin: Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện chính sách
quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 113/2024/NĐ-CP.
Chính sách
hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn: Hỗ trợ 100% kinh phí thực
hiện nội dung hỗ trợ tại điểm a, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 113/2024/NĐ-CP.
Chính sách
hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả:
Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện chính sách quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị
định số 113/2024/NĐ-CP.
Chính sách
hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Hỗ trợ
tối đa 300 triệu đồng/tổ hợp tác, 700 triệu đồng/HTX, 1 tỷ đồng/liên hiệp HTX;
mức hỗ trợ 100% với địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn và 80% với địa bàn còn
lại.
Chính sách
hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường: Hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/tổ hợp
tác, 700 triệu đồng/HTX, 1 tỷ đồng/liên hiệp HTX; mức hỗ trợ 100% với địa bàn
khó khăn, đặc biệt khó khăn và 80% với địa bàn còn lại.
Chính sách
hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro: Hỗ trợ 100% kinh phí với địa bàn
khó khăn, đặc biệt khó khăn và 80% ở địa bàn còn lại.
Tại Nghị quyết số 05/2025/NQ-HĐND quy định
thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh như
sau: UBND tỉnh quyết định thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân thuộc phạm
vi quản lý của tỉnh Nghệ An.
Tại Nghị quyết số 06/2025/NQ-HĐND quy định
nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ việc sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất
trồng lúa trên địa bàn tỉnh như sau:
Hỗ trợ cho
người sử dụng đất trồng lúa: Hỗ trợ tối đa 80% giá giống đối với việc sử dụng
giống lúa hợp pháp để sản xuất. Hỗ trợ tối đa 80% chi phí thực hiện nhiệm vụ
hoặc mô hình áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Hỗ trợ xây
dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông; tổ chức đào tạo, tập huấn. Hỗ trợ cho hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ
sản phẩm lúa gạo.
Hỗ trợ 100%
chi phí mua chế phẩm cải tạo đất, mua vôi bột, phân bón hữu cơ, phân hữu cơ vi
sinh, chế phẩm sinh học và các biện pháp cải tạo đất khác.
Hỗ trợ 100%
kinh phí thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ
nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 5 năm/lần”.
Hỗ trợ 100%
kinh phí sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông
thôn trên địa bàn xã. Hỗ trợ 50% kinh phí mua bản quyền sở hữu giống lúa được
bảo hộ, nhưng không quá 1.000.000.000 đồng/giống.
Tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND về chủ trương
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên địa
bàn tỉnh như sau: Thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục
đích khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 16,43227
ha, gồm: 12,4216 ha rừng tự nhiên phòng hộ, 2,59392 ha rừng tự nhiên sản xuất,
1,12744 ha rừng trồng sản xuất, 0,20784 ha rừng tự nhiên ngoài 3 loại rừng,
0,08147 ha rừng trồng ngoài 3 loại rừng.
PT (Tổng hợp)