image banner
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả tích cực

Ngay từ khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đạo có hiệu lực thi hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp chính quyền cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật; đồng thời triển khai ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo về biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả tích cực.

Các ngành kinh tế biển của tỉnh phát triển theo hướng bền vững

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, kinh tế biển của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của vùng ven biển năm 2023 tăng 8,39 % so với năm 2022. Các ngành kinh tế biển của tỉnh đã phát triển theo hướng bền vững, kiểm soát tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Giá trị tăng thêm của kinh tế vùng ven biển vào GRDP chung toàn tỉnh năm 2023 đạt 27,59 % (năm 2022 đạt 27,28 %). Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25,4%, công nghiệp - xây dựng chiếm 37,35%, dịch vụ chiếm 37,25%. Năm 2023 giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng ven biển đạt 52,74 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 % so với năm 2022 (47,56 triệu đồng/người/năm). Các ngành kinh tế biển của tỉnh đã phát triển theo hướng bền vững, kiểm soát tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. 

Giao thông vận tải biển được đầu tư phát triển. Tỉnh đã tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống cảng biển; đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến luồng hàng hải; thực hiện nạo vét duy tu các luồng hàng hải đảm bảo cho các tàu trọng tải lớn cập bến ở các cảng biển; cải tạo nâng cấp hệ thống đê chắn sóng; tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm ven biển.

Du lịch biển, đảo được chú trọng phát triển. Nghệ An đã nỗ lực trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, đảo nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm làng nghề ven biển, mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với từng địa phương, trước mắt triển khai tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò để phục vụ khách du lịch. Tập trung liên kết, phối hợp các điểm đến du lịch tại các địa phương ven biển với các điểm đến khác trong tỉnh nhằm tăng cường quảng bá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách; đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch Vinh, Cửa Lò đi Quỳ Châu, Quế Phong theo quốc lộ 48 gắn với các điểm du lịch ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai và Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm...; mở rộng tuyến du lịch trên sông Lam gắn với tuyến du lịch thủy nội địa Cửa Lò - Đảo Ngư; đồng thời tăng cường gắn kết du lịch Vinh, Cửa Lò với các tỉnh trong vùng. 

Khai thác thủy sản đang phát triển đúng với định hướng của ngành. Công tác thống kê, rà soát tàu cá trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện để phục vụ công tác quản lý tàu cá cũng như định hướng phát triển nghề cá trong thời gian tới. Công tác chống khai thác IUU được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư một số dự án, công trình điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại vùng ven biển như dự án điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu với quy mô công suất 200 MWp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch bổ sung vào danh mục quy hoạch điện VII điều chỉnh. Một số dự án như điện gió tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai và dự án điện mặt trời ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu đang được đề xuất vào quy hoạch điện VIII. Hiện nay một số nhà đầu tư đang nghiên cứu đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu. 

Trên cơ sở Quyết định số 1179/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tích hợp quy hoạch khoáng sản trong quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển vùng ven biển gắn với chế biến sâu trong đó có titan và cát trắng thạch anh...; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển. 

Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo cơ bản được quan tâm thực hiện

Hiện nay, các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới chỉ dừng lại việc lồng ghép vào một số đề tài, dự án riêng lẻ của từng ngành. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục có nhu cầu điều tra cơ bản các dạng tài nguyên biển tại vùng biển xa bờ có tiềm năng khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, các dữ liệu thông tin về địa hình đáy biển, cấu trúc địa vật lý biển tại vùng biển Nghệ An cũng cần được điều tra đánh giá chính xác, khoa học. Hiện UBND tỉnh đã ban hành Danh mục thủ tục hành chính về biển, đảo thuộc phạm vi quản lý của Sở TN&MT, UBND cấp huyện; đồng thời phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử các thủ tục hành chính về biển, đảo.

Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo cơ bản đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Hàng năm, tỉnh lồng ghép các hoạt động quản lý rác thải nhựa đại dương vào các chương trình...; thực hiện quan trắc, theo dõi chất lượng nước biển ven bờ với 13 điểm quan trắc, tần suất 02 tháng/1 lần; trong đó tại 4 điểm bãi biển mùa du lịch tăng cường quan trắc chuyên đề 01 tháng/1 lần đảm bảo 1 tháng/đợt từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Hiện các cơ sở có quan trắc tự động truyền dữ liệu về Sở TN&MT không có cơ sở nào xả thải trên vùng biển và hải đảo. 

Tỉnh đã chỉ đạo mở rộng nghiên cứu và hợp tác với các nước trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, dự báo thiên tai, bảo vệ môi trường biển, quản lý và khai thác tài nguyên biển; từng bước nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên biển, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Huy động được nhiều nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường vùng ven biển và biển đảo; thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn ODA vào các địa phương ven biển và các khu kinh tế, khu công nghiệp, khai thác cảng, dịch vụ cảng biển, thực hiện nhiều chương trình, dự án về phát triển kết cấu hạ tầng, giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vùng ven biển... 

Công tác hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển đảo mặc dù đã được quan tâm, tuy nhiên, việc thực hiện công tác hợp tác quốc tế đối với lĩnh vực biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh còn ít; mới dừng lại ở việc phối hợp tham gia, tổ chức các hội nghị hội thảo có yếu tố nước ngoài. 

Kim Oanh (tổng hợp)

(Nguồn: Báo cáo số 314/BC-UBND ngày 24/4 về tổng kết thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015)

Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 

Liên hệ

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 Điện thoại: 02383.557.565

 Email: banbientap@nghean.gov.vn

 fb.com/congthongtindientutinhnghean

 Đăng nhập