Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá
gà thịt liên tục tăng, hiện nay, mức giá dao động từ 80.000-125.000
đồng/kg xuất chuồng. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay. Với giá
bán như hiện nay, các hộ chăn nuôi rất phấn khởi khi có lãi.
Gà thịt tăng giá mạnh
Hàng trăm con gà giò đã được thương lái đặt cọc với giá cao. Ảnh: Thanh Phúc
Nuôi 300 con gà giò bán Tết, chị Hồ Thị
Hiền ở xã Quỳnh Tam (huyện Quỳnh Lưu) rất phấn khởi khi thương lái đã
đặt cọc mua cả đàn với mức giá 120.000 đồng/kg. So với cách đây vài
tháng thì giá gà đã tăng 20.000 đồng/kg. “Đặc điểm của gà giò là thịt
thơm, ngon. Do lứa này phục vụ Tết nên tôi nuôi toàn gà trống, lông
mượt, mồng đẹp, chân đẹp nên khi vào xem gà thì thương lái cọc tiền và
hẹn đến 20 âm lịch sẽ bắt cả đàn 300 con. Tính ra, đàn gà này sau gần 4
tháng chăm sóc cũng mang về lợi nhuận trên 30 triệu đồng”.
Với quy mô 12.000 con gà thịt, anh Phạm Văn Hoàng ở xóm 8, xã Cao Sơn
(Anh Sơn) cũng rất phấn khởi khi giá gà tăng cao. Trang trại của anh
chủ yếu nuôi gà lai ri và lai chọi. Bình thường, lượng gà thịt chủ yếu
nhập cho các trường học trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Đô Lương và Tân
Kỳ.
Lứa gà phục vụ Tết thì anh chủ yếu đầu tư nuôi gà ta, ri lai, mía
(chiếm khoảng 50% tổng đàn). Loại gà này có ưu điểm là mã đẹp, thịt thơm
ngon, cân nặng vừa phải, thích hợp để làm lễ. Anh Hoàng phấn khởi cho
biết: “Dịp này tiêu thụ gà khá thuận lợi, giá gà tăng mạnh nên người
chăn nuôi có lãi khá. Hiện nay, trong chuồng còn đàn gà mía, ri gần
2.000 con sẽ xuất chuồng vào dịp Tết, số còn lại sẽ xuất chuồng trong
tháng Giêng”.
Bắt đầu từ giữa năm 2023 đến nay, giá gà thịt bắt đầu tăng dần và
đến dịp sát Tết, giá gà thịt tăng mạnh. Trong đó, chủ yếu là các giống
gà mía, gà ri, gà giò. Theo lý giải của các hộ chăn nuôi và thương lái,
giá bán gà thịt tăng cao là do nhu cầu sử dụng tăng cao, các hoạt động
lễ hội, cưới hỏi nhiều hơn vào thời điểm cuối năm.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao
trong thời gian dài nên trước đó, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển đổi mô
hình sản xuất, giảm số lượng đàn gà nuôi dẫn đến nguồn cung hạn chế hơn.
Bên cạnh các giống gà cỏ, gà lai thì những năm gần đây, các loại gà
đặc sản như: gà ác Kỳ Sơn, gà Đông Tảo rất được thị trường ưa chuộng vào
dịp Tết. Để đón đầu thị trường Tết năm nay, anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã
Tam Quang, huyện Tương Dương đã nuôi thử nghiệm hàng chục con gà Đông
Tảo.
“Gà Đông Tảo tôi đầu tư mua con giống nuôi theo lứa. Năm nay có 2 lứa
gà cung cấp cho các đơn hàng khách đã đặt trước. Loại trọng lượng vừa
có giá 350.000 đồng/kg.
Còn loại có chân to và đẹp, cân đối, giá cao hơn, khoảng 450.000 -
550.000 đồng/kg, trung bình khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/con. Loại này,
khách hàng thường mua làm quà biếu Tết và đặt trước rồi nên Tết này tôi
cũng không có gà bán ra thị trường”, anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Trứng gia cầm nhích giá
Bên cạnh đó, giá trứng gà cũng tăng nhẹ
và dễ tiêu thụ hơn. Anh Phạm Trung Sinh ở xóm Bắc Sơn, xã Nghi Quang
(Nghi Lộc) đầu tư nuôi 2.000 con gà lông trắng lấy trứng. Để “canh” xuất
bán dịp áp Tết Nguyên đán, anh mua gà giống loại 800g – 1 kg/con với
tổng tiền giống gà hơn 230 triệu đồng từ trại gà phía Bắc, có chứng nhận
phòng, chống dịch đầy đủ.
“Năm đầu tiên nuôi, với quy mô 2.000
con, chi phí thức ăn gần 2 triệu đồng/ngày, tính ra cũng tốn khoảng hơn
60 triệu đồng/tháng. Nuôi sau 2 tháng bắt đầu cho thu hoạch trứng với
lượng từ 1.800 – 2.000 quả/ngày”, anh Sinh cho biết.
Với giá bán trứng gà ngày thường 2.200
đồng/trứng, mỗi ngày anh thu từ trứng gà khoảng 3,8 – 4,2 triệu đồng,
trừ chi phí thức ăn, chăm sóc cũng cho thu nhập khoảng 50 triệu
đồng/tháng. Khoảng 1-2 tháng áp Tết Nguyên đán, giá trứng gà tăng nhẹ từ
2.200 lên 2.400 – 2.600 đồng/quả tùy thời điểm.
Những ngày giáp Tết, nhu cầu trứng gà cũng như gà thịt tăng cao, hàng
ngày vợ chồng chị Chu Thị Lập (Nghi Quang) phải dậy từ tinh sương để
thu nhặt trứng. Với hơn 2.000 con gà đẻ, cho sản lượng trứng gà trung
bình 2.000 quả/ngày, giá trứng gà đỏ ngày thường dao động 1.800 – 2.000
đồng/quả, chủ yếu nhập cho các cửa hàng ăn, cửa hàng chế biến thực phẩm.
Dịp áp Tết, giá trứng tăng 2.100 – 2.300 đồng/quả tùy thời điểm, cũng
cho gia đình nguồn thu khoảng 4 triệu đồng/ngày.
Hiện nay, tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh
đạt gần 35 triệu con, trong đó, tổng đàn gà ước đạt 29 triệu con, chiếm
85,54% trong tổng đàn, tăng 8,31% (+2.282 nghìn con) so với cùng kỳ năm
trước. Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 86.181 tấn, tăng 7,68% (+6.144
tấn) so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm cuối năm, nhu cầu thịt gà tăng
khoảng 30%, việc tiêu thụ gà khá thuận lợi, giá bán 80.000 -125.000
đồng/kg gà lông (tùy loại).
Với giá bán này, người chăn nuôi có lợi
nhuận khá, bảo đảm việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng sản
phẩm. Cùng với bảo đảm chất lượng sản phẩm gà thịt, các trang trại đã có
nhiều sản phẩm qua sơ chế, chế biến từ gà nhằm đa dạng nguồn hàng, đáp
ứng nhu cầu của thị trường Tết như: Giò, chả, xúc xích, khô gà.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mưa rét, chuồng trại ẩm ướt nên dễ xảy
ra dịch bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động công tác phòng, chống
các loại dịch bệnh. Ngành chức năng sẽ tiếp tục tăng cường quản lý,
giám sát tổng đàn. Cùng với đó, cần tập trung làm tốt công tác phòng
dịch bệnh, trong đó, đặc biệt quan tâm tiêm phòng các loại vắc-xin, vệ
sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học,
quy trình VietGAP.
Thanh Phúc
Nguồn: Báo Nghệ An(26/1/2024)