Lúa vụ xuân ở nhiều địa phương của Nghệ An năng suất thấp, giá bán giảm
Vụ xuân năm nay, năng suất lúa sụt giảm so với các năm trước, giá lúa thương phẩm cũng giảm mạnh, nông dân kém vui.
Hiện
tại, giá lúa tươi thu mua tại ruộng chỉ ở mức 4.500 - 4.700 đồng/kg,
giảm 700 đồng/kg so với vụ xuân năm trước. Ảnh: Thanh Phúc
Vụ xuân
năm nay, ông Nguyễn Văn Tú (xóm 3, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên) làm
một mẫu lúa. Nếu như các năm trước, năng suất bình quân đạt 3,2-3,5 tạ
trên sào thì năm nay giảm gần 1 nửa.
“Một
mẫu ruộng được hơn 1,5 tấn lúa, thời tiết thất thường, mưa nhiều và nhà
neo người nên gặt xong là bán lúa tươi ngay tại ruộng để đỡ công phơi.
Thế nhưng, giá lúa rẻ quá, chỉ 4.500-4.700 đồng/kg, giảm 500-700 đồng/kg
so với vụ xuân năm trước. Trong khi đó, chi phí giống, tiền làm đất,
tiền thuê máy gặt, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng gấp
đôi, thậm chí gấp ba so với năm trước. Tính ra, như năm nay thì lỗ vốn”,
ông Tú cho biết.
Thu hoạch sớm
trúng thời điểm nắng to nên gia đình bà Nguyễn Thị Hương, xã Nam Anh
(Nam Đàn) đã phơi khô, sàng sảy sạch sẽ 2 tấn lúa giống thuần. Sau khi
tính toán số lượng lúa để ăn và phục vụ chăn nuôi, còn hơn 1 tấn, bà gọi
thương lái đến thu mua để lấy tiền trang trải chi phí phân lân còn nợ
đầu vụ và đầu tư cho vụ hè thu sắp tới.
Vậy nhưng, bà Hương cho biết: “Giá lúa
rẻ quá, chỉ 6.500 đồng/kg đã phơi khô, quạt sạch, thấp hơn năm ngoái gần
1.000 đồng. Do vậy, tôi chưa vội bán lúa, chờ xem ít tháng nữa có lên
giá không rồi mới bán. Các khoản chi trước mắt sẽ vay mượn đã…”.
Vụ
xuân là vụ sản xuất chính trong năm, năng suất, sản lượng và chất lượng
lúa tốt hơn các vụ khác, thương lái cũng tập trung thu mua lúa vụ xuân
nhiều hơn. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết thất thường, bệnh đạo ôn
hoành hành nên nhiều vùng, lúa xuân mất mùa, hạt lép nhiều và chất lượng
lúa không bằng mọi năm. Thêm vào đó, khi lúa đã chín và cho thu hoạch
thì liên tiếp gặp mưa trái mùa khiến lúa bị ngập, mẫu mã cũng xấu hơn.
Do đó, lúa không được giá bằng các năm trước.
Anh Nguyễn Bá Khang, một thương lái chuyên thu mua lúa ở xã Cẩm Sơn (Anh
Sơn) cho biết: “Hiện tôi thu mua lúa các vùng Yên Thành, Thanh Chương,
Anh Sơn. Chủ yếu là mua lúa đã phơi khô, quạt sạch, giá lúa dao động
6.500 đến 6.700 đồng/kg. Lúa tươi hạn chế thu mua do năm nay, hạt lép,
hạt lửng nhiều, mưa nhiều, ngập úng nên mua lúa tươi hao hụt nhiều, thấp
“thành”. Giá lúa năm nay nhìn chung là thấp hơn năm trước từ 700 đồng
đến 1.000 đồng/kg. Thứ nhất là do lúa mùa này chất lượng kém hơn; thứ
hai là đại lý các tỉnh phía Bắc thu mua hạn chế hơn nên chúng tôi cũng
cầm chừng lượng mua, mua có chọn lọc, chủ yếu là thu mua, bán lại cho
người dân chăn nuôi”.
Tuy nhiên, ở các địa phương thực hiện liên kết sản xuất, với
các giống lúa thuần, lúa lai chất lượng cao, vừa có năng suất vượt trội
lại được bao tiêu với giá cao, người dân rất phấn khởi.
Cụ
thể như ở huyện Hưng Nguyên, trong vụ xuân này, trên địa bàn 18 xã, thị
đã xây dựng được 35 cánh đồng lớn liên kết sản xuất các giống lúa như:
VNR 20; DT80; HD 11: Thiên ưu 8: Bắc Thịnh; CNC11; P6; TH 8; AC5; Thiên
Hương 6; TBR 225. Với năng suất 3,5 tạ/sào, lúa được các HTX, các công
ty bao tiêu với mức giá 7.500 đến 8.000 đồng/kg lúa khô.
Hoặc
như ở xã Diễn Liên (Diễn Châu), bà con sản xuất trên cánh đồng một
giống lúa được HTX Nông nghiệp Diễn Liên bao tiêu với mức giá ổn định,
cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Ông Võ Văn Giáp - Giám đốc HTX Nông
nghiệp Diễn Liên cho biết: “Vụ xuân năm nay, xã Diễn Liên có trên 200
ha lúa theo hình thức liên kết, năng suất đạt 7 tấn/ha. Giá chúng tôi
thu mua cho bà con là 6.800 đồng đến 7.000 đồng/kg lúa tươi (cao hơn mức
bình quân chung khoảng 1.500 đến 2.000 đồng/kg). Theo đó, mỗi ha lúa,
bà con lãi khoảng 20 triệu đồng”.
Từ thực tế trên cho thấy, việc hình thành các cánh đồng mẫu lớn và
liên kết trong sản xuất là cần thiết. Vừa đảm bảo các giống lúa chất
lượng, năng suất và có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, giúp người dân sản
xuất có lãi, yên tâm bám đồng ruộng.
Thanh Phúc
Nguồn: Báo Nghệ An(27/5/2022)