Nghệ An nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người
Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc
quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân, công tác phòng, chống
mua bán người trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, trong giai đoạn
2021-2025, cơ quan Cảnh sát điều tra 02 cấp đã điều tra làm rõ, khởi tố 47 vụ,
84 bị can phạm tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi.
Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã chỉ
đạo, kịp thời ban hành nhiều văn bản triển khai quyết liệt công tác phòng ngừa
nghiệp vụ, góp phần hạn chế phát sinh tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, các Sở, ngành, đoàn thể, địa phương đã quán triệt, triển khai thực
hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, của UBND
tỉnh và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác
phòng, chống mua, bán người.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương
đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm địa bàn, tạo
chuyển biến trong nhận thức, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống
mua bán người. Đặc biệt, đã tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào các địa bàn
miền núi, dân tộc thiểu số, biên giới, đặc biệt khó khăn, tại những nơi dễ phát
sinh nạn mua bán người như các vùng Tây Bắc của tỉnh. Đồng thời duy trì và nhân
rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống mua bán người, gắn với
phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng
đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động trong công tác phòng ngừa và
kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ mua, bán người trên địa bàn,
giải cứu nhiều nạn nhân bị mua bán, kìm giữ sự gia tăng của loại tội phạm này
trên địa bàn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự
an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Lực lượng công an các cấp quản lý
chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh qua khu vực biên giới; kiểm soát, xác định
các hành vi thiếu minh bạch hoặc làm giả hộ chiếu, thị thực, chứng minh nhân
dân và hộ khẩu nhằm mục đích ra nước ngoài. Qua đó đã góp phần phòng ngừa, hạn
chế nạn mua bán người qua biên giới, di cư trái phép. Giai đoạn 2021-2025, lực
lượng công an đã phát hiện, xử lý 1.855 trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh
vực xuất, nhập cảnh, xử phạt 5,4 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra 02 cấp đã tiếp nhận,
giải quyết 100% các tố giác, tin báo tội phạm về mua bán người, làm tốt công
tác điều tra, không bỏ lọt tội phạm. Giai đoạn 2021-2025, cơ quan điều tra các
cấp đã điều tra, làm rõ khởi tố 47 vụ, 84 bị can phạm tội mua bán người, mua
bán trẻ em, kết thúc điều tra chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố 46 vụ, 82 bị
can; so với giai đoạn 2016-2020, số vụ mua bán người, mua bán trẻ em giảm 27 vụ
(giảm 36%); số bị can giảm 48 đối tượng (giảm 36%). 100% các vụ án mua bán
người, mua bán trẻ em được khởi tố, điều tra theo đúng quy định.
Mặt khác, công tác hỗ trợ nạn nhân bị
mua bán cũng được chú trọng và duy trì. Giai đoạn 2021-2025, các cơ quan chức
năng tỉnh đã hỗ trợ ban đầu cho 54 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương. Hiện trên
địa bàn tỉnh có 01 cơ sở có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị
mua bán.
Công tác hợp tác quốc tế trong phòng,
chống mua bán người được tăng cường, hợp tác. Các lực lượng chức năng tỉnh đã
thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong công tác
giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, tổ chức các hoạt động tập huấn, hội
thảo, hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người. Triển khai Đề án Thỏa
thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Lào về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết
hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào; lực lượng Công an, Biên
phòng đã thường xuyên cùng với các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào tổ chức các
buổi giao ban, ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ an ninh trật tự,
tham mưu cho cấp ủy chính quyền chỉ đạo và tăng cường tuyên truyền, giáo dục,
vận động nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật của mỗi nước, nghiêm chỉnh thực
hiện các quy chế biên giới, tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trên
tuyến biên giới, trong đó có hợp tác trong công tác đấu tranh tội phạm đưa
người Việt Nam ra nước ngoài trái phép, tội phạm mua bán người…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công
tác tuyên truyền tuy đã được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nhưng vẫn
chưa đáp ứng được yêu cầu, kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được
như kỳ vọng. Việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng, địa
phương có lúc, có nơi còn có mặt hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục, phần nào
ảnh hưởng đến kết quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua, bán người.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng,
chống mua bán người, tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ Công an tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các
tỉnh biên giới của các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc để xây dựng, bổ sung quy
chế phối hợp trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp làm hành lang pháp lý cho
việc thực hiện các yêu cầu trong phòng chống tội phạm mua bán người xuyên quốc
gia, trong đó chú ý nội dung thông báo kịp thời về tình hình có liên quan, hỗ
trợ giải cứu nạn nhân.
Đồng thời đề xuất Chính phủ hỗ trợ
thêm kinh phí phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người, kinh phí điều
tra cho các đơn vị, địa phương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đề xuất Bộ
Công an chỉ đạo các Cục nghiệp vụ, Công an các tỉnh, thành phố tập trung thực
hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, xác định rõ địa bàn,
tuyến, đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh; lập danh sách, dựng các ổ
nhóm, đường dây nghi vấn mua bán người ở địa phương để có kế hoạch điều tra,
xác minh, làm rõ…
T.H (tổng hợp)
Nguồn: Báo cáo số 501/BC-UBND ngày
25/6/2025 của UBND tỉnh tổng kết thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán
người giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030