Triển khai thực hiện các nội dung về công tác đầu tư tín dụng chính sách xã hội
Tại
Công văn số 4444/UBND-KT ngày 21/5/2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bùi
Thanh An giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan trên cơ sở các nội dung tại Công văn số
34/CV-HĐQT ngày 01/4/2025 về việc đề nghị tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo
hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Kế hoạch
số 299-KH/TU ngày 06/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số
39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính
sách xã hội trong giai đoạn mới, các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao liên quan
đến công tác đầu tư tín dụng chính sách xã hội để triển khai thực hiện; tham
mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả, đúng quy định.
Theo đó, tại Công văn số 34/CV-HĐQT,
Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và
phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức
thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội,
tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính
sách xã hội.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; trong đó quan tâm, bố trí kịp
thời ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay
người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu hằng năm chiếm khoảng 15
- 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội và đến
năm 2030 chiếm tối thiểu 15% tổng nguồn vốn; tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất,
địa điểm giao dịch, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực
hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ chức điều tra, rà soát, xác định,
bổ sung và xác nhận đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội kịp thời làm
cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát và
tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng
chính sách xã hội trên địa bàn.
Chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, Mặt
trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng
Chính sách xã hội trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã
hội; đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm theo
chuỗi giá trị; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi,
sử dụng vốn vay hiệu quả; tiếp tục thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giám
sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Các
tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động nhận ủy thác từ
Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sau 10 năm triển
khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách xã hội đã được Đảng
và Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao, nguồn vốn tín dụng chính
sách xã hội được giải ngân đến hơn 21 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và
các đối tượng chính sách vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, ổn định cuộc
sống; qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 4,2 triệu lao
động được tạo việc làm, hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó
khăn được vay vốn đi học, hơn 13,1 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi
trường được cải tạo, xây mới...
|
Kim Oanh (T/h)