Sáng 13/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về
Phòng, chống thiên tai tổ chức lễ kỷ niệm trực tuyến ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi
ro thiên tai và ngày Asean quản lý thiên tai. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn
Thành – Trưởng Ban Chỉ đạo dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm. Tham dự lễ có lãnh
đạo các Bộ, ngành Trung ương các tổ chức quốc tế.
Tham dự lễ kỷ niệm tại điểm cầu Nghệ
An có đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
tỉnh.
Quang cảnh tại điểm cầu
Nghệ An
Ngày Quốc tế giảm
nhẹ rủi ro thiên tai (13/10) do tổ chức Liên hiệp quốc khởi xướng năm 1989 để
tôn vinh các nỗ lực của toàn cầu trong đấu tranh sinh tồn với thiên tai; thúc
đẩy mỗi cá nhân và Chính phủ các quốc gia chung tay xây dựng thế giới an toàn
hơn trước thiên tai, góp phần cùng với các quốc gia nâng cao hiểu biết cũng như
ghi nhận, biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giảm nhẹ rủi
ro thiên tai.
Với chủ đề “Hợp
tác cùng nhau vượt qua thách thức”, sự kiện ngày hôm nay thể hiện quyết tâm của
Việt Nam trong việc đoàn kết hưởng ứng cùng các quốc gia, cơ quan liên hợp quốc
và Asean, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro
thiên tai, nâng cao năng lực, ứng phó có hiệu quả hơn nữa trong việc bảo vệ tính
mạng sức khoẻ, tài sản, đời sống của nhân dân, xã hội trong bối cảnh đại dịch
COVID-19.
Việt Nam là một
trong những quốc gia chịu tác động nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
Suốt hơn 35 qua, mỗi năm trung bình thiên tai đã làm 400 người chết và mất
tích, thiệt hại từ 1-1,5% GDP cả nước. Công tác phòng, chống thiên tai luôn được
Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, các tổ chức
chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, đoàn kết, trách
nhiệm của toàn thể nhân dân. Hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, cơ sở thực
hiện phòng, chống thiên tai ngày càng được hoàn thiện. Nguồn lực cho phòng,
chống thiên tai ngày càng được ưu tiên. Bởi vậy công tác phòng, chống thiên tai
thời gian vừa qua đã dành được nhiều kết quả quan trọng trong việc bảo vệ tài
sản, tính mạng của nhân dân; hạn chế tổn thất do thiên tai gây ra. Trong hợp
tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia các tổ chức, các diễn đàn
quốc tế phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong khu vực, Việt Nam được đánh
giá có vai trò chủ động, đóng góp hiệu quả trong phòng chống và giảm nhẹ rủi ro
thiên tai.
Tuy nhiên, bên
cạnh những kết quả nổi bật đạt được, công tác phòng, chống thiên tai về nguồn
lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, về lực lượng và ứng dụng khoa học kỹ thuật,
về khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai trong lúc biến đổi khí hậu, nước
biển dâng đã và đang tác động nhanh mạnh hơn so với dự báo, đặt ra nhiều thách
thức. Đặc biệt, khi thiên tai và đại dịch COVID đồng thời xảy ra, đòi hỏi phải
có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp căn cơ, đồng
bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có các quốc
gia, đối tác và bạn bè quốc tế để công tác phòng chống thiên tai trong thời
gian tới đạt hiệu quả cao nhất.
Phó Thủ tướng Chính phủ
Lê Văn Thành phát biểu
Phát biểu tại lễ
kỷ niệm, thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống thiên tai, Phó
Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành gửi lời cảm ơn đến cộng đồng quốc tế, các cơ
quan, tổ chức và các đối tác phát triển đã luôn sát cánh cùng Chính phủ và nhân
dân Việt Nam trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là những hỗ trợ
hiệu quả trong đợt lũ tại miền Trung tháng 10/2020; đồng thời, bày tỏ sự tri ân
trước những hi sinh mất mát của đồng bào, đồng chí, những người không quản hiểm
nguy để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân trong phòng, chống
thiên tai thời gian qua.
Phó Thủ tướng Chính
phủ Lê Văn Thành khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng công tác phòng,
chống thiên tai và luôn xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên
tục của toàn hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và đời sống của
nhân dân. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên
tai; đổi mới, nâng cao công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai từ cấp Trung
ương đến cơ sở, từng bước hiện đại hoá lực lượng phòng, chống thiên tai; lồng
ghép nội dung, chương trình phòng, chống thiên tai trong kế hoạch, quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và các địa phương; ưu tiên các nguồn
lực đầu tư, củng cố các công trình cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học
công nghệ và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong giảm nhẹ, khắc phục
hậu quả và khôi phục, ổn định sản xuất, đời sống của người dân sau thiên tai.
Việt Nam đánh giá
cao và mong muốn các quốc gia, các tổ chức bạn bè quốc tế tiếp tục đồng hành
giúp đỡ Chính phủ và người dân Việt Nam sớm tiếp cận các khoa học kỹ thuật tiên
tiến và hỗ trợ nguồn lực để kịp thời ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả
thiên tai. Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác
quốc tế trong phòng, chống thiên tai và tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức
quốc tế khi thực hiện các dự án kỹ thuật, nâng cao năng lực cứu trợ Việt Nam
trong phòng chống thiên tai; đảm bảo mọi sự hỗ trợ đều được công khai, minh bạch,
đúng đối tượng. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với sự phối hợp, hỗ trợ chặt
chẽ, hiệu quả rủi ro thiên tai sẽ được giảm nhẹ, Việt Nam và thế giới sẽ sớm
ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế một cách
mạnh mẽ.
Nhân dịp này, Phó
Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho
Tổng cục Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trao
tặng Huân Chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Trần Quang Hoài – Tổng cục
trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Năm 2020, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức
tạp, dị thường với tổng số gần 500 đợt thiên tai lớn, trên diện rộng ở quy mô
quốc gia và khu vực. Số lượng cơn bão trên khu vực Đại Tây Dương trong năm vượt
mức kỷ lục với 30 cơn bão, trong đó có 13 cơn bão đạt trạng thái cuồng phong. Ở trong nước, thiên tai diễn ra dồn
dập và đặc biệt khốc liệt, vượt
mức lịch sử trên
khắp các vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/21 loại
hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 01 ATNĐ; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ
biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,…
Đối với tỉnh Nghệ An, năm 2020 là một năm thiên tai diễn biến rất phức tạp. Ngay từ đầu năm đã xuất
hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, sét, mưa đá; đã xảy ra
11 đợt nắng nóng, hạn hán; 30 đợt giông, lốc, sét, mưa đá; có thời điểm trên 70
ngày không mưa, tiết tiểu mãn mưa
không đáng kể, nên đã làm cho mực nước trên các hệ thống sông suối, hồ đập
xuống thấp đến mức báo động, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông
nghiệp...
Thiên tai trong năm 2020 đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế - xã hội; ảnh hưởng lớn đến
người dân, sản xuất nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề: Làm chết
17 người; bị thương 13 người; 54 nhà bị sập; 3.314 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 1.506 nhà bị ảnh hưởng do
sạt lở đất; nhà bị ngập 19.865 nhà; số hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh
hưởng của sạt lở đất 8.326 hộ/62.444 người dân. Thiên tai đã gây ra nhiều thiệt
hại lớn về sản xuất nông lâm nghiệp và công trình hạ tầng; ước tính thiệt hại
về kinh tế khoảng 1.327,019 tỷ đồng...
Phan Quỳnh