Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An thảo luận sửa đổi, bổ sung các dự án luật
Chiều
8/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Dự án Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; Dự án Luật Thanh
tra (sửa đổi).
Toàn cảnh buổi thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức
Tại
buổi thảo luận, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ
sung, ban hành các luật dự án luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực
hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, bỏ chính quyền cấp huyện. Các dự án luật sửa đổi,
bổ sung kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trước đây.
Tham
gia thảo luận, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó
trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến về Dự thảo Luật Tổ
chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
Liên
quan đến bầu hội thẩm tòa án nhân dân, theo Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân
dân quy định tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn, đề xuất nhu
cầu về số lượng, cơ cấu, thành phần hội thẩm của tòa án nhân dân tỉnh và hội
thẩm tòa án nhân dân khu vực để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh lựa chọn, giới
thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu đối
với cả hội thẩm tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án nhân dân khu vực.
Tuy
nhiên, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung nêu thực tế ở tỉnh Nghệ An dự kiến
sẽ có khoảng 11 tòa án khu vực sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các
cấp, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Như vậy, cùng với hội thẩm nhân dân
của tòa án nhân dân cấp tỉnh thì sẽ có 11 hội thẩm của tòa án nhân dân khu vực.
Tương ứng sẽ có 12 hội thẩm nhân dân sẽ do tòa án tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc tỉnh trình ra Hội đồng nhân dân tỉnh bầu.
Đại
biểu Thái Thị An Chung băn khoăn đây sẽ là 1 hội thẩm nhân dân thực hiện chung
nhiệm vụ của tòa án khu vực và tòa án tỉnh hay sẽ có 12 hội thẩm nhân dân,
trong đó có 1 hội thẩm nhân dân cấp tỉnh và 11 hội thẩm nhân dân tòa án khu
vực.
Để
phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và bản chất hội thẩm nhân dân
là người đại diện cho nhân dân trong tham gia xét xử tại tòa án, thể hiện tính
dân chủ cũng như thực hiện việc giám sát hoạt động của các cơ quan tố tụng, Đại
biểu Quốc hội Thái Thị An Chung đề nghị cho tòa án nhân dân khu vực phối hợp
cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các xã trong khu vực giới thiệu, trình ra Hội
đồng nhân dân các xã bầu ra hội thẩm.
Tương
tự công tác bầu hội thẩm tòa án, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, cần có sự
phân cấp trong việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hay thực hiện xét xử của hội thẩm tòa
án nhân dân khu vực để phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp cũng như giảm
tải cho Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Tham
gia thảo luận, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc
phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, trong thời điểm
hiện nay, Quốc hội cũng đang sửa rất nhiều luật liên quan đến tư pháp, vì vậy,
cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ để đảm bảo các luật
liên quan đến tư pháp đã ban hành trong thời gian gần đây, trong đó có Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm soát, Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tòa nhân dân đồng bộ thống nhất, tránh trường hợp sửa đổi
nhiều lần.
Liên
quan đến quy định chức danh, ngạch bậc mới của kiểm sát viên được quy định
trong Dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu Trần Đức Thuận cho
rằng, như thế là phù hợp, có tính động viên, khích lệ kiểm sát viên phấn đấu,
rèn luyện nâng cao ý thức trong công tác chuyên môn và thực thi nhiệm vụ.
Tuy
nhiên, đại biểu Trần Đức Thuận bày tỏ băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo
giải trình thêm về việc bỏ thi tuyển để xét bổ nhiệm, nâng hạng kiểm soát viên.
Đồng thời, cần có những chính sách về chế độ, bậc lương của từng ngạch bậc để
làm động lực cho đội ngũ kiểm soát viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Về
Dự thảo Luật Thanh tra, ông Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc
hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nêu ý
kiến cần quy định cụ thể các trường hợp cần thiết Chánh thanh tra Chính phủ
được đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra của Thanh
tra Chính phủ; Chánh Thanh tra tỉnh được đề nghị Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp xã xem xét, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm trong ngành, lĩnh vực,
địa bàn thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra tỉnh phát hiện qua thanh tra.
Bên
cạnh đó, đại biểu Trần Nhật Minh cũng nêu một số vướng mắc cần làm rõ trong dự
thảo luật liên quan đến vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ
khi điều động cán bộ địa phương tham gia đoàn thanh tra cấp tỉnh, cấp bộ; mốc
thời gian xây dựng, ban hành, định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra.
Ngoài
ra, cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp có quy định chuyển tiếp công tác thanh
tra trong giai đoạn trước và sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp, xây dựng
chính quyền địa phương 2 cấp, kết thúc hoạt động của thanh tra cấp huyện, đảm
bảo đầy đủ, tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, đơn vị thanh tra, không để
khoảng trống pháp lý và phát sinh các khó khăn, vướng mắc.
Nguồn: Báo Nghệ An (8/5/2025).