Hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực

Sáng 2/8, Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế họp phiên thứ nhất. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, 3 trụ cột đổi mới kinh tế của Việt Nam từ năm 1986 là xóa quan liêu, bao cấp; đa sở hữu và hội nhập. Cách đây 10 năm, ngày 10/3/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế - đây là văn bản quan trọng của Đảng ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta chuyển mạnh từ hội nhập kinh tế quốc tế sang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Thực tiễn trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Qua đó, góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tại hội nghị các đại biểu tập trung đánh giá các kết quả, những tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW; đề xuất những chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Anh-tin-bai

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông báo Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22. Ảnh Chinhphu.vn

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông báo Quyết định số 534/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” và Quyết định số 33/QĐ-BCĐTKHNQT của Ban Chỉ đạo tổng kết về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Nhiều điểm mới trong Nghị quyết số 22-NQ/TW đã được triển khai thành công, đặc biệt là định hướng nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và các lĩnh vực khác.

Tại phiên họp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tham luận những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra và phương hướng đến năm 2030 về thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, triển khai công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo trong 10 năm qua... Đồng thời thảo luận về phương hướng triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Các hoạt động hội nhập quốc tế của Nghệ An phát triển toàn diện

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An luôn xác định hội nhập quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân. Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, tỉnh đã ban hành Quyết định số 4453/QĐ-UBND ngày 11/9/2014 về Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 22. Đây là văn bản định hướng đầu tiên và cụ thể nhất về cách tiếp cận và triển khai hợp tác và hội nhập quốc tế của tỉnh, thể hiện sự đồng thuận và nắm bắt kịp thời xu hướng chung của cả nước.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, các hoạt động hội nhập quốc tế của Nghệ An đã phát triển toàn diện, góp phần mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, củng cố môi trường ổn định cho sự phát triển của tỉnh, thúc đẩy thu hút đầu tư, du lịch, thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, giao lưu văn hóa.

Tỉnh đã tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt với 7 tỉnh của nước bạn Lào (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô ly Khăm xay, Sa vẳn Na khẹt, Khăm Muộn, Xay Xổm Bun, Viêng Chăn); thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác hiệu quả với các địa phương nước ngoài; tham gia Hiệp hội 9 tỉnh 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 12.

Hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng trên nhiều tiêu chí kim ngạch, thị trường, mặt hàng và cả chủ thể tham gia xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 354,2 triệu USD năm 2013 lên 2.540 triệu USD năm 2022.

Các hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, trọng tâm là quảng bá hình ảnh địa phương, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế. Hoạt động giáo dục và đào tạo ngày càng được đẩy mạnh, số lượng về học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế và đi du học tại nước ngoài ngày càng tăng; tiếp nhận hỗ trợ đào tạo cho hàng trăm cán bộ, học sinh, sinh viên cho 06 tỉnh của Lào tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; trao đổi, hợp tác giáo dục giữa các trường đại học trên địa bàn với các trường đại học Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tỉnh sẽ bám sát và cụ thể hóa các định hướng lớn của Đại hội XIII trong lĩnh vực đối ngoại, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030, các chủ trương, đường lối đối ngoại và các lĩnh vực liên quan của Đảng và Nhà nước cũng như các định hướng phát triển của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các văn bản chiến lược có liên quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập nhằm phát huy thế mạnh đặc thù của tỉnh, coi đây là nhân tố chủ chốt, mang tính quyết định để nâng cao năng lực hội nhập của địa phương...

Xác định hội nhập quốc tế là nhiệm vụ mang tính chiến lược, sự nghiệp toàn dân, trên tất cả các lĩnh vực

Anh-tin-bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh Chinhphu.vn

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị việc tổng kết phải bám sát Nghị quyết số 22 về mục tiêu, tư tưởng, chỉ đạo, phương châm đến nhiệm vụ, giải pháp, nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, dự báo tình hình thời gian tới, đề xuất  các giải pháp, phương hướng thực hiện phù hợp với thực tiễn trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 đã góp phần chuyển biến về nhận thức, nâng cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng về hội nhập quốc tế, xem đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, sự nghiệp toàn dân trên tất cả các lĩnh vực. Chuyển biến trong hành động từ bị động đến chủ động tích cực tham gia hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa bảo vệ.

Do chuyển biến về nhận thức và hành động đã đem lại kết quả nổi bật. Vị thế chính trị của đất nước thể hiện rõ, được tôn trọng, thúc đẩy các hoạt động với các nước lớn rất tích cực; tiềm năng của đất nước ta được nâng lên; quan hệ quốc tế được mở rộng; thương hiệu quốc tế được nâng lên.

Bên cạnh các thành tựu to lớn thì còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Đó là, tính tích cực, chủ động triển khai hội nhập chưa cao; vai trò của Nhà nước trong dẫn dắt hội nhập quốc tế còn bị động, lúng túng; việc triển khai các thỏa thuận chưa nhiều; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều nơi chưa thực hiện tốt, chưa đồng đều...

Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, cần tận dụng các tiềm năng, cơ hội, phát huy tối đa, tranh thủ kịp thời, phát triển đất nước nhanh, bền vững, đạt mục tiêu đề ra. Phải nhận thức hội nhập quốc tế là vấn đề thực sự chiến lược, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phát huy vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp, hội nhập quốc tế vừa là cơ hội vừa là thách thức, là công việc khó, nhạy cảm “nhưng không thể không làm”. Giải quyết tốt mối quan hệ độc lập, tự chủ; hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực.

Đồng thời, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, lấy thực tiễn làm thước đo trong quá trình lãnh đạo, điều hành, từ đó định hình các hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bối cảnh đất nước, bối cảnh thế giới. Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết liệt hành động; gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, có trọng tâm, trọng điểm; hội nhập trong các lĩnh vực khác nhau thì cần thúc đẩy, hỗ trợ cho nhau, đặt vào từng giai đoạn, từng lĩnh vực cụ thể để ứng biến phù hợp. Hội nhập quốc tế phải thực chất, nâng cao năng lực thực thi, thực hiện theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Cùng với đó, tiếp tục vận dụng sáng tạo, phát huy sức mạnh nội lực, ngoại lực, sức mạnh đoàn kết trong tình hình trong và ngoài nước hiện nay; vận dụng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN “do dân, vì dân”; kinh tế thị trường, định hướng XHCN, tiếp tục cụ thể hóa 3 trụ cột trong đổi mới: Xóa quan liêu bao cấp; đa thành phần, đa sở hữu; hội nhập quốc tế...

Kim Oanh

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập