Họp Phiên thứ ba Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt
Sáng 9/7, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm,
dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban
Chỉ đạo. Cùng dự có đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Phó trưởng
Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương là
thành viên Ban Chỉ đạo. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực
tuyến tới điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố có dự án đường sắt đi qua.
Tại điểm cầu
Nghệ An, các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;
Hoàng Phú Hiền – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự
có lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ
An
Hoàn
thành 23/48 nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia
lĩnh vực đường sắt
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây
dựng cho biết: Từ sau Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo các công trình
trọng điểm, dự án
quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt ngày 26/4/2025
đến nay, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp chỉ đạo và giao
48 nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và địa phương tập trung vào tháo gỡ các khó khăn,
vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia lĩnh
vực đường sắt. Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 23 nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu,
trong đó có một số nhiệm vụ quan trọng, đó là đã trình Quốc hội thông qua Luật
Đường sắt trong đó có cơ chế về đầu tư đường sắt; Chính phủ ban hành Nghị quyết
127 triển khai Nghị quyết 187 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt
Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo
Nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp được đặt hàng
cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; đã trình Chính phủ dự thảo
Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát
triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ
Chí Minh; đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định quy định về danh mục
dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp,
Đề án phát triển nguồn nhân lực.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình
Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn về tạm sử dụng rừng hiện đang tiếp thu,
chỉnh sửa theo ý kiến thành viên Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn
chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện công tác phát triển khoa học, công
nghệ đường sắt, đang soát xét thủ tục trình Chính phủ. Bộ Công Thương đã hoàn
chỉnh Đề án phát triển công nghiệp, đang soát xét thủ tục trình Thủ tướng Chính
phủ… Ngoài ra, các cơ quan đang tích cực, tập trung triển khai 17 nhiệm vụ là
công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên; 07 nhiệm vụ chưa đáp ứng tiến độ; 01
nhiệm vụ chưa đến hạn.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục
Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố; sau khi sáp nhập từ ngày 1/7/2025 dự án đi
qua 15 tỉnh, thành phố. 08/20 địa phương (trước khi sáp nhập) đã thành lập Ban
chỉ đạo (Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi và Bình
Thuận), một số địa phương chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng hoàn thành
trước ngày 01/7/2025, do thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp có liên
quan đến nhân sự Ban Chỉ đạo. 10/20 địa phương đã rà soát nhu cầu tái định cư
(Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú
Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận) đã có số liệu sơ bộ về nhu cầu tái định cư phục
vụ Dự án; 06/20 địa phương (Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế và Bình
Định) đã lập kế hoạch triển khai…
Đối với các Dự án tuyến đường sắt Lào
Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng
- Móng Cái và các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang
triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ
tướng Chính phủ.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành,
địa phương có dự án đường sắt đi qua đã báo cáo kết quả đạt được, chỉ ra những
tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án; đồng thời đề
xuất các giải pháp về công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các cơ chế chính
sách,… để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đường sắt trong thời
gian tới.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An
Nghệ An
đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt tốc độ cao trên
trục Bắc - Nam đoạn qua tỉnh
Tại
Nghệ An, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn
tỉnh có chiều dài khoảng 85,5 km (từ Km210 đến Km295), hướng tuyến dự án chủ
yếu nằm giữa tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và Quốc lộ 1. Dự án đi qua 18 xã,
phường gồm: Hoàng Mai, Quỳnh Văn,
Quỳnh Sơn, Quỳnh Lưu, Hùng Châu, Đức Châu, Quảng Châu, Minh Châu, Diễn
Châu, An Châu, Tân Châu, Đông Thành, Thần Linh, Nghi Lộc, Yên Trung, Hưng
Nguyên, Hưng Nguyên Nam và Lam Thành. Ga Vinh là ga đường sắt chính
đặt tại xã Hưng Nguyên, nằm phía Tây đường tránh Vinh và phía Đông tuyến đường
bộ cao tốc Bắc - Nam.
Xác định đây là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa
chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và động lực phát triển
kinh tế - xã hội của cả nước, ngày 30/6/2025, Tỉnh ủy Nghệ An đã thành lập Ban
Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt tốc độ
cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh tại Quyết định số 3995-QĐ/TU do
đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Lãnh đạo: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở,
ban, ngành liên quan cùng Bí thư các xã, phường có tuyến đường sắt tốc độ cao
đi qua là thành viên Ban Chỉ đạo.
Thời gian qua, UBND
tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi
trường…) trên cơ sở hướng tuyến do Bộ Xây dựng, Ban đường sắt cung cấp đã làm
việc với các địa phương (phường, xã) có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua để
xác định phạm vi ảnh hưởng, số hộ dân tái định cư, đề xuất các khu tái định cư…
Đồng thời, giao Sở Tài chính cân đối tham mưu ứng ngân sách địa phương để thực
hiện các khu tái định cư; chỉ đạo các địa phương triển khai tuyên truyền thông
tin đến các hộ dân, tổ chức họp dân, khảo sát sơ bộ lấy ý kiến của người dân
đối với hướng tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (tại bước nghiên cứu tiền khả
thi). Tổ chức rà soát thống kê, dự kiến số lượng hộ dân đất ở bị ảnh hưởng, dự
kiến các khu tái định cư và ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các khu tái
định cư, cụ thể: Có khoảng 38 cụm dân
cư bị ảnh hưởng bởi dự án; dự kiến có khoảng 2.150 hộ dân có đất ở bị ảnh
hưởng và có khoảng 1.942 hộ dân phải tái định cư. Dự kiến sẽ xây dựng 30
khu tái định cư đất ở, diện tích xây dựng khoảng 102,69 ha với tổng
kinh phí khoảng 1.450 tỷ đồng.
Tỉnh Nghệ An
đề xuất lựa chọn một số vị trí tái định
cư tiêu biểu có khả năng khởi công sớm, gồm: Vị trí 1 tại phường Hoàng Mai: Thuộc Đồng Ưng và Đồng Bàu (xã
Quỳnh Vinh cũ) với quy mô 8,0 ha, phục vụ cho 200 hộ phải tái định cư. Vị trí 2
tại xã Tân Châu: Thuộc xóm Phong Tiến (xã Diễn Lộc cũ), với quy mô 1,5ha, phục
vụ cho 30 hộ phải tái định cư. Vị trí 3 tại xã Hưng Nguyên Nam: Khu quy hoạch đất
ở vùng đường lên Hồng Hà, xã Hưng Nguyên Nam, với quy mô 5ha, phục vụ cho
khoảng 145 hộ phải tái định cư.
Phấn
đấu sẽ đồng loạt khởi công toàn tuyến dự án đường sắt vào ngày 19/8/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội
nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự
án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. (Ảnh: chinhphu.vn)
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án
đường sắt, có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và
động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc
biệt là đường sắt tốc độ cao lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Vì
vậy, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là hết sức
nặng nề, quan trọng, cấp bách. Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ
đạo tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, việc giao nhiệm vụ phải bảo
đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm,
rõ thẩm quyền".
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ Xây dựng, các Bộ,
ngành, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của dự
án đường sắt thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương
căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền của mình ban hành các quy định cụ thể
để cho các cơ quan cấp dưới thực hiện; đồng thời cũng phải cụ thể hóa, luật hóa
các nhiệm vụ để triển khai thực hiện, ban hành các văn bản theo đúng thẩm quyền
và quy định của luật pháp.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định
cư, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai công
tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; trong đó đặc biệt quan tâm
đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có
công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Thủ tướng nhấn
mạnh công tác giải phóng mặt bằng tốt, chuẩn bị dự án tốt thì triển khai sẽ
tốt, còn giải phóng mặt bằng ách tắc, tái định cư trục trặc thì công việc sẽ
ách tắc…
Thủ tướng Chính phủ nhấn nhấn mạnh việc triển khai các
dự án đường sắt sẽ tạo
không gian phát triển mới, tạo thuận lợi cho dịch vụ logistics vận chuyển hàng
hóa; giảm các chi phí đầu vào và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, góp phần
hiện đại hóa đất nước, tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm sinh
kế cho người dân.
Với tinh thần “vừa làm vừa điều chỉnh”, “làm đâu chắc
đó”, “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng phải đúng quy định; đồng thời triển khai
nhiều nhiệm vụ cùng một lúc nhưng phải có thứ tự ưu tiên, Thủ tướng yêu cầu các
Bộ, ngành, địa phương cần tập trung tối đa nguồn lực, chủ động, tích cực, tháo
gỡ mọi nút thắt, điểm nghẽn, vượt qua khó khăn, thách thức để triển khai thực
hiện dự án đúng tiến độ; phấn đấu sẽ đồng loạt khởi công toàn tuyến dự án đường
sắt vào ngày 19/8/2025…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng
Vinh yêu cầu các Sở, ban, ngành và các xã, phường triển khai các nhiệm liên
quan đến dự án đường sắt trên địa bàn tỉnh
Ngay
sau hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã quán triệt và giao các Sở,
ban, ngành và các xã, phường có dự án đường sắt đi qua triển khai ngay các
nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt tốc độ cao trên
trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
|
H.B