Thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông trên địa bàn tỉnh
Ngày
26/5/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 387/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số
02/CT-TTg ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách
tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực
sông trên địa bàn tỉnh.
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh đưa ra 08
nội dung thực hiện gồm: Rà soát, tổng hợp các nguồn thải vào các lưu vực sông
theo quy định; Kiểm tra các nguồn thải trên các khu vực sông; Rà soát, hoàn
thiện mạng lưới quan trắc trên các lưu vực sông để theo dõi diễn biến chất
lượng nước, xác định các khu vực ô nhiễm và đề xuất các biện pháp, giải pháp xử
lý; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến môi trường
nước theo quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy định
của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo
vệ môi trường cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, cụm công
nghiệp, khu công nghiệp; Bố trí quỹ đất và triển khai các thủ tục đầu tư, nâng
cấp hạ tầng về bảo vệ môi trường nước theo quy hoạch đã được phê duyệt; Tuyên
truyền, phổ biến pháp luật, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội
trong công tác giám sát, phản biện xã hội; tăng cường sự tham gia và nâng cao
nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường nước; Nghiên
cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Tham mưu triển khai thực hiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi
trường tại các khu công nghiệp hiện đang hoạt động
UBND tỉnh yêu cầu trên cơ sở các
nội dung của Kế hoạch, các cơ quan được giao việc chủ động triển khai thực
hiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ, kịp thời báo cáo các vướng mắc, khó khăn
(nếu có); quá trình thực hiện phải gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ, chương
trình công tác hàng năm, đảm bảo chất lượng, tiến độ và sự phối hợp chặt chẽ
giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi
trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành hệ thống quan trắc
nước thải tự động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, xử lý nghiêm
các trường hợp có số liệu quan trắc nước thải vượt giới hạn cho phép theo quy
định của pháp luật. Thực hiện hiệu quả công tác thu phí bảo vệ môi trường đối
với nước thải công nghiệp của các cơ sở có phát sinh nước thải trong quá trình
sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở Xây dựng đôn đốc, chỉ đạo
chính quyền địa phương thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước thải, hoàn
thiện hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị loại IV trở lên; hạ tầng
cấp nước sạch tại đô thị loại V trở lên. Tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức
kinh tế kỹ thuật về thoát nước, xử lý nước và đơn giá dịch vụ xử lý nước.
Sở Công Thương phối hợp với các
Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc đầu tư
hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp.
Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu
UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục các đề xuất chương trình, đề
tài nghiên cứu về cải tiến công nghệ xử lý nước thải trong các khu công nghiệp,
cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị và khu dân cư; tham mưu UBND tỉnh ban
hành quyết định phê duyệt danh mục các đề xuất dự án thí điểm ứng dụng công
nghệ mới trong xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà
soát thống kê và phân loại các nguồn thải thuộc phạm vi quản lý có tác động đến
chất lượng nước các lưu vực sông trên địa bàn, lập danh mục (theo loại hình và
quy mô xả thải), gửi kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước
ngày 20/12/2025.
Công an tỉnh phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Môi trường, các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, thống kê và phân
loại các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến chất lượng nước các lưu vực
sông.
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam rà
soát, thống kê và phân loại các nguồn thải trên địa bàn quản lý có tác động đến
chất lượng nước các lưu vực sông trên địa bàn, lập danh mục, gửi kết quả thực
hiện về Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 20/12/2025. Rà soát hiện trạng
hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, tham mưu triển khai thực
hiện đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp hiện
đang hoạt động.
Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vứt chất thải xuống kênh,
mương, sông, suối, ao hồ
UBND các cấp (trước khi hoàn
thành sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp) rà soát thống kê và
phân loại các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến chất lượng nước các lưu
vực sông trên địa bàn, lập danh mục, gửi kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và
Môi trường trước ngày 20/12/2025. Giám sát chặt chẽ các nguồn thải vào nguồn
nước, đặc biệt là vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo
vệ nguồn nước mặt; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vứt chất thải
xuống kênh, mương, sông, suối, ao hồ. Đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hiệu
quả hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý
nước thải tập trung các cụm công nghiệp do huyện làm chủ đầu tư đảm bảo nước
thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Đề xuất phương án và triển khai
thực hiện đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung tại cụm công
nghiệp do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải
tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Đề xuất và triển khai thực hiện
chủ trương đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường cho các khu
đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, cụm công nghiệp; triển khai các thủ
tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt. Tổ
chức tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường nước cho các tầng lớp nhân
dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
UBND các phường, xã thực hiện các
nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước theo quy định; giám sát hoạt động phát triển kinh tế
- xã hội trên địa bàn trong vùng bảo hộ khu vực lấy nước sinh hoạt và hành lang
bảo vệ nguồn nước. Tổ chức quản lý các nguồn thải; chú trọng giám sát các nguồn
xả thải lớn, các dự án có quy mô sử dụng nước lớn, theo dõi, giám sát, cảnh báo
quản lý chất lượng môi trường nước, kịp thời phát hiện, chỉ đạo, tổ chức ứng
phó sự cố môi trường trên địa bàn. Truyền thông nâng cao ý thức, xây dựng ý
thức bảo vệ môi trường nước trong cộng đồng; thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ
quan có thẩm quyền giao.
Sau khi hoàn thành sắp xếp tổ
chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của
UBND các huyện, thị xã, thành phố chuyển tiếp cho UBND các phường, xã thực
hiện.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường, các Sở, ban, ngành cấp
tỉnh, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các
tầng lớp nhân dân hiểu, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nước
các lưu vực sông; chủ động tham gia giám sát, phản biện việc thực hiện các nội
dung theo Kế hoạch này.
Kim Oanh (T/h)