Câu chuyện hiến đất mở đường, thắp
sáng đường quê... chẳng còn mới đối với nhiều vùng đất của tỉnh. Vậy nhưng, tại
xã Châu Hạnh của huyện Quỳ Châu, nhiều câu chuyện thú vị từ thực tiễn đối với
công cuộc này vẫn còn sôi nổi, ấm nóng với bà con dân bản.
Một hộ dân xung phong hiến hơn
2.000m2 đất làm nhà văn hóa
Dừng chân tại bản Minh Tiến – bản
làng với hơn 98% là đồng bào dân tộc Thái của mảnh đất Châu Hạnh (Quỳ Châu),
nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi bề thế của nhà văn hóa cộng
đồng nơi đây. Với diện tích nhà chức năng rộng hơn 300m2 được xây dựng trên
khuôn viên rộng gần 4.000m2, nhà văn hóa cộng đồng bản Minh Tiến thật sự khang
trang, rộng rãi.
Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa
hiện đại, đây là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng lý tưởng của 157 hộ dân trong
bản.
Điều đáng nói, khuôn viên nhà văn
hóa rộng gần 4.000m2 thì có tới 2.000m2 là do một hộ dân tình nguyện hiến đất.
Hộ dân đặc biệt ấy chính là gia đình bà Quán Thị Điệp (SN 1969).
Anh Lô Xuân Vân (SN 1977) - Trưởng
bản Minh Tiến cho biết, khuôn viên đất của gia đình bà Quán Thị Điệp rộng gần
3.500m2, trong đó có đất ở, đất trồng mía và phát triển gia trại.
Vào năm 2023, bản Minh Tiến có chủ
trương xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Trên nền đất cũ rộng chưa tới 1.000m2,
bà con ai cũng băn khoăn vì nó quá nhỏ để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn
nghệ cũng như hội họp, tổ chức sự kiện. Lúc này, chủ trương của bản là cần phải
mở rộng khuôn viên nhà văn hóa và vận động các hộ dân lân cận hiến đất để hoàn
thành công trình.
Ủng hộ chủ trương của bản, bà Điệp
đã tình nguyện hiến 2.000m2 đất trồng mía của gia đình để mở rộng khuôn viên
nhà văn hóa. Sau khi hiến đất, diện tích canh tác, sản xuất của gia đình bà bị
thu hẹp đi rất nhiều.
Hệ thống đường giao thông nông thôn và hệ thống đèn chiếu sáng được
người dân Châu Hạnh đóng góp lên tới hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Thanh
Quỳnh
Nhiều người ngạc nhiên hỏi bà Điệp
rằng: “Hiến nhiều đất như vậy có tiếc không”. Bà cười khẳng định: “Tiếc thì đã
không hiến, vì lợi ích chung của cả cộng đồng thì dù có phải hiến nhiều hơn nữa
gia đình tôi cũng sẽ sẵn sàng”.
Tinh thần ấy của bà Điệp đã lan tỏa
sâu rộng trong lòng dân. Sau khi nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hiện
tại, toàn bộ người dân trong bản và con em xa quê đã quyên góp được thêm 76
triệu đồng để tiếp tục hoàn thiện hạng mục sân vui chơi trước nhà văn hóa.
Trước đó, người dân trong bản đã
đóng góp được 229 triệu đồng và ủng hộ 1.245 ngày công để làm đường giao thông
nông thôn trong bản. Ngoài ra, người dân còn tình nguyện đóng góp 78 triệu đồng
để lắp đặt công trình thắp sáng đường quê.
“Trước đây, khi trời tối không có
điện, trong bản vẫn xảy ra tình trạng bị mất trộm chó, gà. Rồi tai nạn, va chạm
xe cộ là điều khó tránh khỏi. Vậy nhưng, từ khi cải tạo lại toàn bộ đường, lắp
đặt hệ thống chiếu sáng thì những tình trạng trên hoàn toàn chấm dứt, bà con
yên tâm hơn khi đêm về”, bà Lang Thị Loan – Bí thư Chi bộ bản cho biết.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân
nơi đây lại đồng lòng đóng góp sức người, sức của để xây dựng quê hương như
vậy. Bởi họ luôn có một động lực lớn, đến từ đội ngũ cán bộ bản nơi đây.
Ví như Trưởng bản Lô Xuân Vân đã
hiến hơn 1.000m2 đất vườn để phục vụ việc mở rộng khuôn viên nhà văn hóa của
bản và hiến hơn 70m2 đất ở để làm đường giao thông nội bản. Cùng với đó, Bí thư
Chi bộ bản cùng các đảng viên cũng là những nhân tố tiên phong, xông xáo trong
các phong trào, cuộc vận động lớn, nhỏ của địa phương. Nhờ vậy, sự đồng thuận
từ cán bộ đến bà con dân bản cứ thế lớn dần, bản Minh Tiến đã vươn lên hoàn
thành đồng bộ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2022.
Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Trong câu chuyện huy động sức dân để
thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bí thư Đảng
ủy xã Châu Hạnh Lang Văn Hồng cho biết, câu chuyện đóng góp xây dựng nhà văn
hóa, mở rộng đường quê, xây dựng các công trình cộng đồng... của bà con người
Thái thực sự vô cùng sôi động ở mảnh đất này. Không chỉ có bản Minh Tiến mà các
bản thuần Thái hoặc đông đồng bào Thái như Kẻ Bọn, Minh Châu… cũng rất nổi bật.
Ví như ở bản Kẻ Bọn, bà con nơi đây
không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mà dựa vào đó để
cố gắng tự lực thực hiện các công trình dân sinh. Trong năm qua, bà con nơi đây
đã đóng góp hơn 65 triệu đồng để xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”.
Đồng thời, hiến hàng nghìn m2 đất để thực hiện các tuyến giao thông nội bản,
nội đồng. Ở bản Minh Châu bà con đóng góp 68 triệu đồng; bản Hạnh Tiến đóng góp
tổng 203 triệu đồng, trong đó, tiền mặt 117 triệu đồng, ngày công 86 triệu đồng
để thực hiện các công trình cộng đồng…
Còn nhớ năm 2021, khi thực hiện dự
án kè chống sạt lở bờ sông, bà con xã Châu Hạnh đã đồng loạt hiến rất nhiều
diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất vườn… để thực hiện, ông Lang Trọng Khâm
- Trưởng bản Kẻ Bọn cho biết, bà con dân bản hiến rất nhiều đất. Trong đó, có
những cá nhân nổi bật như anh Lang Văn Thái – một đảng viên của Chi bộ bản Kẻ
Bọn đã hiến tới hơn 3.000m2 đất canh tác hoa màu để thực hiện dự án.
Cùng với anh Thái, nhiều hộ dân cũng
đã sẵn sàng hiến hàng trăm cho tới vài nghìn m2 đất canh tác của mình. “Tổng số
diện tích đất được hiến là rất lớn đối với các hộ dân và địa phương. Tuy nhiên,
vì cái chung nên tất cả người dân đều đồng tình ủng hộ chủ trương của Nhà
nước”, ông Lang Trọng Khâm chia sẻ.
Nhờ tinh thần chủ động, nhiệt tình
vì cái chung, bà con nhân dân tại mảnh đất Châu Hạnh đã từng bước thay đổi diện
mạo quê hương. Cùng với đó, bà con còn nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế. Trong
năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 46,4 triệu/năm, tăng 7,66% so
với năm 2022.
Mảnh đất Châu Hạnh có dân số trên
8.000 người thì đồng bào dân tộc Thái chiếm trên 95%. Vươn lên từ gian khó,
người dân nơi đây đã xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước
mà mang trong mình một khát vọng thoát nghèo để vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ thế, mảnh đất này ngày càng có nhiều bước chuyển mình để từng bước khoác
lên sắc diện của sự trù phú, ấm no.
Ông Lang Văn Hồng - Bí Thư Đảng ủy
xã Châu Hạnh
|
Thanh Quỳnh
Nguồn: Báo Nghệ An (13/1/2023)