Đổi thay tại vùng quê bán sơn địa Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay đời sống của người dân xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên được nâng lên, bộ mặt nông thôn của vùng quê bán sơn địa đang khởi sắc từng ngày. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân xã Hưng Yên Nam.
Nỗ lực vượt khó trong xây dựng NTM
Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam Phan Văn Nam cho biết: Hưng Yên Nam bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện muôn vàn khó khăn, với điểm xuất phát thấp. Toàn xã có hơn 8.000 nhân khẩu phân bố trên 8 xóm dân cư; có 3 giáo xứ; tỷ lệ giáo dân chiếm gần 80% dân số của xã. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nguồn thu ngân sách hạn chế nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu vô cùng khó khăn.
Bao nhiêu năm nay đa số các xóm không có nhà văn hóa, việc sinh hoạt cộng đồng chủ yếu mượn nhà dân. Các lớp học Mầm non được cô và trò tận dụng những gian nhà kho của HTX; trường Tiểu học, trường THCS xuống cấp nghiêm trọng. Xã có địa hình đồi núi phức tạp giao thông chia cắt bởi nhiều khe suối; trên địa bàn xã có gần 43 km đường giao thông liên xóm và hơn 50 km đường giao thông nội đồng. Các tuyến đường giao thông trước đây đều là đường đất, giao thông đi lại hết sức khó khăn.
Không chỉ cơ sở hạ tầng thiếu thốn, xuống cấp mà niềm tin trước đây của một bộ phận nhân dân với chính quyền thiếu sự đồng thuận và hoài nghi. Cái khó lớn nhất là tư tưởng cố hữu của một bộ phận cán bộ và người dân vẫn trông chờ ỷ lại... nên việc xây dựng NTM hầu như bị đình trệ hoàn toàn, trở thành xã về đích cuối cùng của huyện Hưng Nguyên.
Đến tháng 6/2021, Hưng Yên Nam mới chỉ có 11 tiêu chí đạt chuẩn, còn 8 tiêu chí chưa đạt. Đặc biệt là nhiều công trình phúc lợi, như Trung tâm hành chính, điện, đường, trường, trạm xuống cấp nghiêm trọng chưa được đầu tư. Hơn thế nữa việc xây dựng NTM của xã trùng vào thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra nên toàn Đảng, toàn dân phải gồng mình chống dịch, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí.
Sự đột phá bắt đầu từ tháng 6/2021, khi huyện có sự điều động tăng cường cán bộ của huyện về làm Bí thư và Chủ tịch UBND xã, đã mang đến một luồng gió mới, khí thế mới. Với quyết tâm chính trị cao của Cấp ủy, Chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, chủ động phối hợp với Linh Mục quản xứ, Hội đồng Mục vụ các giáo xứ tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ rằng người dân phải đóng vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Giải thích rõ cho người dân hiểu được mục đính chính trong xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cùng nhau phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, tốt đời, đẹp đạo.
Lãnh đạo xã xác định rõ để xây dựng NTM trước hết phải có được niềm tin của người dân vào cấp ủy chính quyền; mỗi cán bộ, công chức, Đảng viên phải tiên phong gương mẫu làm trước. Cùng với đó, cần khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết lương - giáo chung tay xây dựng NTM.
Nhân dân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh ST
Khi niềm tin của người dân với Cấp ủy, Chính quyền đã được gây dựng, sự đồng thuận đã lan tỏa, tạo nên sự thay đổi toàn diện. Toàn dân đều tham gia đóng góp xây dựng giao thông, thủy lợi, đặc biệt 8 nhà văn hóa của các xóm được khởi công xây dựng hoàn thiện nhanh chóng trong thời gian ngắn, khang trang, sạch đẹp, đầy đủ khánh tiết.
Các mô hình dân vận khéo được nhân rộng và có hiệu quả, như mô hình đường Cờ Tổ quốc ở các giáo xứ, mô hình xây dựng con đường mẫu được nhân dân hiến đất mở rộng, trồng hoa cây cảnh ở xóm 8, xóm 2, xóm 1. Phát huy nội lực, người dân đã hiến đất, mở rộng lề đường từ 4 -7m, làm mương thoát nước. Mỗi hộ dân trung bình đóng góp 10-15 triệu đồng để nâng cấp đường giao thông thôn, xóm, một số hộ dân đầu tư 70-80 triệu đồng/hộ để bê tông hóa đường giao thông.
Giao thông nông thôn là tiền đề để phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường giao thương và giao lưu văn hóa
Đến nay, hơn 48 km đường giao thông thôn xóm, hàng chục km kênh mương đã được bê tông hóa. Các trục đường được người dân tự nguyện lắp đặt đèn chiếu sáng thường xuyên, những tuyến đường hoa cây cảnh khoe sắc trong từng ngõ xóm. Các tuyến đường được giao cho các tổ chức đoàn thể và các tổ chức hội quản lý. Giao thông nội đồng tiếp tục được cứng hóa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân thúc đẩy phát triển kinh tế của xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa vào sản xuất.
Giao thông nội đồng tạo điều kiện thuận lợi để đưa máy móc vào phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ảnh ST
Trong năm qua nhờ có sự hỗ trợ của các Sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND huyện, xã đã huy động nội lực lồng ghép các chương trình, dự án tập trung xây dựng cơ sở vật chất các trường học, Trạm y tế, sân vận động. Khuôn viên trung tâm hành chính xã được nâng cấp, xây dựng khang trang phục vụ tốt việc điều hành, giao dịch và phục vụ tốt cho nhân dân.
Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng nhà trường, thầy cô và học sinh luôn cố gắng dạy tốt, học tốt. Sự cố gắng của cán bộ ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến nay, trường Tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Xã đã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế.
Chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy phát triển kinh tế
Bên cạnh sự thay đổi về cơ sở vật chất, điều dễ nhận thấy khi đến xã Hưng Yên Nam là sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy phát triển kinh tế của Cấp ủy, Chính quyền và người dân. Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên quan tâm tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, vận động nhân dân khai thác lợi thế vùng đất bán sơn địa; đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập. Nhiều xóm đã chủ động xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt xã đã hình thành vùng sản xuất Chanh với tổng diện tích hơn gần 200 ha, chuyển đổi một số vùng trồng chanh truyền thống sang trồng chanh không hạt. Hình thành vùng chuyên canh đào Tết hơn 30 ha, xây dựng nhiều vườn mẫu, cánh đồng mẫu tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn; đưa cam Xã Đoài, Ổi, Lê, Mít Thái trồng trên đất vườn đồi đạt hiệu quả cao. Xã đã chuyển một số vùng đất lúa cao cưỡng sang trồng Khoai Lang chất lượng cao, trồng Sả, Cà gai leo… Nhiều mô hình chăn nuôi gà đồi bán chăn thả được nhân rộng. Một số vùng sâu trũng chuyển sang mô hình nuôi Ốc biêu, Ba ba, Ếch…
Với tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động chiếm 52% dân số, trong đó 95% lao động có việc làm thường xuyên, Hưng Yên Nam đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp VSIP, KCN Bắc Vinh, KCN Nam Cấm và thành phố Vinh.
Bên cạnh đó, với lợi thế có nhiều thuận lợi trong lĩnh vực phát triển về vật liệu xây dựng, một số doanh nghiệp đã đầu tư khai thác vật liệu xây dựng, xí nghiệp sản xuất gạch tuynel; thành lập nhiều công ty may mặc, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi. Xã cũng tập trung đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ buôn bán, trao đổi hàng hóa dọc theo trục đường 542E; hình thành hàng trăm tổ thợ xây, thợ nề; đẩy mạnh xuất khẩu lao động mang ngoại tệ về xây dựng quê hương.
Suốt nhiều năm qua trụ sở UBND xã phải tận dụng cơ sở hạ tầng hội trường của xã Hưng Yên cũ để làm việc. Đến nay, khuôn viên Trung tâm hành chính xã được nâng cấp, xây dựng khang trang
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM, cùng với sự quyết tâm của cả hệ trồng chính trị và sự nỗ lực của chính người dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 15,54% (năm 2015) xuống 4,59% (năm 2018) và năm 2022 chỉ còn 1,39%. Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 2017 chỉ đạt 21,2 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2022 tăng lên 43,2 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được các xóm duy trì thường xuyên. Phong trào dân vũ, các ca đoàn ở các giáo xứ, giáo họ, sinh hoạt cộng đồng ban đêm lương – giáo đoàn kết được lan tỏa ở tất cả các xóm. Đảng ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp luôn phối hợp làm tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm chăm lo đến các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ. Cùng với đó, công tác tôn giáo luôn được Cấp ủy, Chính quyền và giáo hội phối hợp tổ chức thực hiện tốt, các ngày lễ, ngày thánh đều được tổ chức trang nghiêm, từ đó niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên.
Chủ tịch xã Hưng Yên Nam Phan Văn Nam phấn khởi chia sẻ: Nhờ sự quan tâm hỗ trợ có hiệu quả của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt của huyện ủy, UBND huyện và các phòng, ban, ngành cấp huyện. Cùng với đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, cùng với sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, đã tạo nên mốc son mới cho xã nhà. Bộ mặt nông thôn đang ngày càng khởi sắc, đã hình thành nên một diện mạo của vùng quê nông thôn mới, đổi sắc toàn diện. Những kết quả đã đạt được là cơ sở vững chắc để Hưng Yên Nam ngày càng phát triển tiến lên, góp phần trong thành tích chung của huyện nhà Hưng Nguyên là huyện NTM nâng cao trong thời gian tới.
Kim Oanh (tổng hợp)