image banner

Mô hình du lịch cộng đồng góp phần quan trọng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn diễn ra vào sáng 02/11 tại thị xã Cửa Lò, lãnh đạo xã Yên Hòa, huyện Tương Dương đã chia sẻ cách làm hiệu quả từ mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã vùng miền núi cao huyện Tương Dương.

Yên Hòa là xã thuộc vùng khó khăn của huyện Tương Dương, nằm cách trung tâm huyện 50 km về phía Tây, với diện tích tự nhiên 12.797,61ha, được chia thành 10 bản với 03 dân tộc anh em là Kinh, Thái, Khơ Mú cùng chung sống. Điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng của địa phương đều còn có quá nhiều khó khăn để phát triển kinh tế, xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 50% và có 90% số hộ sống bằng kinh tế nông lâm nghiệp, phương thức sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp, phụ thuộc và tự nhiên. Trình độ dân trí chưa đồng đều, đặc biệt một bộ phận không nhỏ người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, lệ thuộc vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí vượt khó vươn lên... Đây là những khó khăn, là lực cản lớn đối với nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Anh-tin-bai

Đ/c Lô Văn Thanh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Tương Dương chia sẻ tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn diễn ra vào sáng 02/11/2022

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã đã có nhiều cuộc họp bàn để đề ra các giải pháp, tìm kiếm, khơi dậy và phát huy tiềm năng thế mạnh hiện có của địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn. Trên địa bàn xã có rừng Săng Lẻ bản Yên Tân hơn 60 tuổi, với diện tích 02 ha nằm ngay bên cạnh quốc lộ 48C. Bên cạnh đó, xã có hệ thống cọon nước di sản trên 60 năm tuổi tại bản Cọoc với 40 cọon nước cổ, gắn với tập quán sản xuất lúa nước của đồng bào dân tộc Thái ở đây. Ngoài ra còn có các thác nước nhỏ, khe suối chảy qua bản Cành Khỉn và các bản nằm dọc theo sông Nặm Ngân... Ban Thường vụ Đảng ủy xã nhận thấy với những lợi thế về cảnh đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc có thể khai thác để chuyển hướng sang phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và sinh thái, tạo thành trung tâm phát triển kéo theo cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ khác.

Anh-tin-bai

Rừng Săng Lẻ tại bản Yên Tân với hơn 60 tuổi nằm ngay bên cạnh quốc lộ 48C là điểm checkin không thể thiếu của du khách khi đến với xã Yên Hòa, huyện Tương Dương

Với ý chí thống nhất trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy xã, nhận được sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, xã đã tập trung triển khai một số giải pháp. Đầu tiên, đó là tập trung tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của mỗi gia đình trong phát triển kinh tế. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cũng như tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, kinh tế đồi rừng, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; thế mạnh về nét đặc sắc, đặc trưng của văn hóa các dân tộc trên địa bàn xã. Đồng thời, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh để các hộ dân được biết, tiếp cận và tham gia thực hiện.

Xã đứng ra kết nối các nguồn hỗ trợ của huyện, các doanh nghiệp, tổ chức và huy động sức dân để từ đó hỗ trợ kinh phí luyện tập, mua sắm trang phục, tu sửa nhạc cụ truyền thống cho đội văn nghệ. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí tạo cảnh quan như lắp đặt biển chỉ dẫn địa điểm, công cụ hỗ trợ để du khách checkin.

Cùng với đó, xã đã thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ cho các gia đình, cá nhân, tập thể hộ gia đình có điều kiện, thế mạnh, có sự quyết tâm để xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng. Đối với các hộ dâm làm mô hình homstay, xã đã hỗ trợ mỗi hộ: 5 bộ chăn, gối, đệm của người Thái tại địa phương và một bộ thiết bị vệ sinh. Xã cũng khuyến khích các hộ dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công truyền thống để có sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách.

Để có thể làm được du lịch cộng đồng, bên cạnh tạo lập, xây dựng cơ sở hạ tầng, xã cũng đã mời các chuyên gia, các đơn vị về tập huấn cho người dân về kỹ năng và hoạt động tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng và Homstay; chế biến món ăn và ẩm thực người Thái, cách trình bày và giới thiệu món ăn; tổ chức cho bà con được tham quan thực tế và học tập kinh nghiệm tại những nơi đã làm tốt mô hình du lịch cộng đồng...

Anh-tin-bai

Xã Yên Hòa hiện có 03 câu lạc bộ luôn sẵn sàng các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ các hoạt động của khách du lịch (ảnh: baonghean.vn)

Xác định phát triển du lịch phải gắn với phát huy giá trị văn hóa, Xã đã thúc đẩy, tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các sự kiện tại xã và trong cộng đồng, gia đình để khích lệ phong trào xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc. Hiện trong xã có 03 câu lạc bộ luôn sẵn sàng các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ các hoạt động của khách du lịch.

Để du khách biết và tìm đến trải nghiệm những nét đặc sắc về cảnh đẹp và văn hóa địa phương, xã đã tăng cường quảng bá giới thiệu mô hình du lịch cộng đồng trên các phương tiện thông tin, các trang mạng xã hội. Đồng thời, xã cũng đã luôn tranh thủ mọi sự kết nối tại các cuộc làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh để giới thiệu sản phẩm; phối hợp tổ chức hình thành tác tour du lịch cho du khách có nhu cầu trải nghiệm ở địa phương...

Bằng các giải pháp quyết liệt, sát thực với việc xây dựng mô hình thực tiễn của địa phương, du lịch cộng đồng của xã Yên Hòa, huyện Tương Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ một xã vùng cao rất khó khăn, nay xã Yên Hòa được biết đến như một địa điểm không thể thiếu của du khách trong các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với nhiều nét văn hóa đặc sắc và những trải nghiệm khó quên. Bình quân mỗi tháng xã đón 3-4 đoàn khách (từ 20-25 người/đoàn) đến với Yên Hòa; từ đó đã tạo việc làm cho hàng chục lao động và tăng sức mua tại các cửa hàng, đại lý của người dân mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng cho nhân dân làm dịch vụ xung quanh các điểm du lịch.

Anh-tin-bai

Trụ sở UBND xã Yên Hòa được đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp

Chủ tịch UBND xã Yên Hòa Lô Văn Thanh nhấn mạnh: Phát triển du lịch cộng đồng của địa phương chính là khơi dậy trong nhân dân ý thức tự lực, tự cường, nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của chính mình để tạo sự phát triển đột phá. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ về tư duy kinh tế, cách nghĩ, cách làm, nhất là cách xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Yên Hòa đã giảm dần từ 38,4% (năm 2017) xuống còn 29,56% (năm 2021), bình quân mỗi năm giảm 1,8%/năm; cơ sở hạ tầng được quan tâm xây dựng, kinh tế - xã hội từng bước khởi sắc đi lên. Thông qua phát triển du lịch sinh thái, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Phan Quỳnh (ghi)

Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 

Liên hệ

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 Điện thoại: 02383.557.565

 Email: banbientap@nghean.gov.vn

 fb.com/congthongtindientutinhnghean

 Đăng nhập