Nông dân một xã ở Nghệ An thu 300 triệu đồng/ha từ trồng mía giải khát
Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm đầu tháng 5, nhu cầu nước mía giải
khát tăng mạnh khiến những ruộng mía ép lấy nước tại xã Thịnh Thành,
huyện Yên Thành (Nghệ An) càng thêm đắt hàng.
Từ đầu tháng 4 đến nay, đặc biệt là
vào những ngày nắng nóng đầu tháng 5 vừa qua, bà con nông dân xã Thịnh
Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tất bật thu hoạch mía ép lấy nước để
cung ứng cho thị trường nước giải khát.
Tại
xóm Tràng Kiều, không khí lao động bắt đầu từ 4 giờ sáng tại các cánh
đồng mía. Bà con cho biết, mùa Hè cũng là thời điểm thu hoạch mía ép lấy
nước giải khát.
Bà con nông dân xã Thịnh Thành tập kết mía trên các trục đường lớn chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Xuân Hoàng
Sau 3 tiếng đồng hồ, anh Phan Văn
Thu cùng với 15 lao động khác đã hoàn tất thu hoạch 2 sào mía. Những bó
mía vàng óng, thân to thẳng tắp được chất gọn gàng chờ lái buôn đến thu
mua.
“Gần 1 tháng nay, ngày nào
chúng tôi cũng đổi công nhau thu hoạch mía. Nắng nóng nên mía rất ngọt,
bán được giá. Mỗi ngày xuất bán hàng tấn cây mía, giá tại ruộng từ 3,5 -
4 triệu đồng/tấn. Mỗi sào đạt 3,5 - 4 tấn, thu về khoảng 15 triệu
đồng”, anh Thu phấn khởi chia sẻ.
Với gần 4 sào mía, vụ này gia đình
anh Thu thu về gần 60 triệu đồng - mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với
trồng ngô, khoai hay đậu như trước kia.
Không
riêng gia đình anh Thu, ở xóm Hưng Mỹ, không khí thu hoạch mía ép lấy
nước cũng rộn ràng. Chị Nguyễn Thị Xuyến cho biết: “Mỗi bó mía nặng 30
kg được bó chặt, tập kết lên đường lớn chờ xe ô tô đến thu mua. Để kịp
giao cho các điểm giải khát trong buổi sáng, bà con phải tranh thủ làm
từ mờ sáng”.
Theo ông Nguyễn Đình Phong - Chủ
tịch UBND xã Thịnh Thành, cây mía ép lấy nước, hay còn gọi là mía giải
khát đã được người dân nơi đây đưa vào canh tác hơn 10 năm nay. Khác với
các vùng trồng mía nguyên liệu cho nhà máy đường hay nấu mật vào cuối
năm, mía Thịnh Thành phục vụ thị trường nước giải khát, nên thời vụ thu
hoạch bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến tháng 9. Đây là thời điểm mùa Hè
nắng nóng, nên bà con khá vất vả.
“Hiện
toàn xã có khoảng 87 ha mía ép lấy nước, tính bình quân, 1 ha mía thu
về trên dưới 300 triệu đồng, thì mỗi năm bà con trên địa bàn xã có doanh
thu hàng chục tỷ đồng - một con số đáng mơ ước đối với mô hình nông
nghiệp ở địa phương. Nếu tính trên đơn vị diện tích, thì mía ép lấy nước
cho thu nhập cao nhất đối với các loại cây trồng trên địa bàn xã hiện
nay”, ông Phong cho biết.
Mía ép lấy nước đòi hỏi yêu cầu khắt khe: thân to, đẹp, nhiều nước, ngọt
và thẳng. Vì vậy, trong suốt quá trình chăm sóc, bà con không chỉ làm
cỏ, bón phân đều đặn, mà còn phải tỉa lá, kiểm tra sâu bệnh thường xuyên
và lên luống cao, dùng cọc gỗ chống đổ. Phụ phẩm từ mía cũng được tận
dụng làm thức ăn cho trâu, bò, tăng hiệu quả canh tác.
Mía được đánh giá là cây dễ trồng, ít vốn, ít sâu bệnh, phù hợp với
nhiều loại đất. Với năng suất 3 - 4 tấn/sào, giá bán ổn định, người
trồng thu về trung bình 300 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các loại
cây trồng truyền thống. Mô hình này không chỉ phát triển mạnh ở huyện
Yên Thành, mà còn lan rộng ra nhiều địa phương như Đô Lương, Anh Sơn,
Diễn Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn…
Từ hiệu quả kinh tế rõ nét, xã Thịnh Thành đang tiếp tục vận động người
dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía ép
lấy nước. Đây là hướng đi bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu
và biến nhu cầu giải khát mùa Hè thành nguồn thu nhập ổn định cho nông
dân.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực
vật tỉnh cho biết: Mía ép lấy nước bà con trên địa bàn tỉnh thường trồng
là giống mía QD931-59. Tổng diện tích mía ép lấy nước trên địa bàn toàn
tỉnh hiện nay có khoảng trên 170 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Yên
Thành 166 ha; Còn lại là ở các huyện khác như: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh
Sơn, Thanh Chương... Ngoài ra, một số vùng tận dụng mía mật để ép lấy
nước giải khát nhưng do ít nước và cứng, nên không hiệu quả.
Xuân Hoàng
Nguồn: Báo Nghệ An (12/5/2025)