Phát triển làng nghề góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Làng nghề tiểu thủ công nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong những năm qua, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh và có nhiều đóng góp đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tổng giá trị sản xuất từ các làng nghề TTCN đạt 2.280 tỷ đồng
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 30/5/2023, toàn tỉnh Nghệ An có 182 làng nghề được công nhận, trong đó có 71 làng nghề hoạt động tốt (chiếm 39,1%), có 52 làng nghề hoạt động khá (chiếm 28,6%), có 37 làng nghề hoạt động cầm chừng (chiếm 20,3%), có 22 làng nghề đã ngừng hoạt động (chiếm 12%). Có 33 hợp tác xã, 30 tổ hợp tác hoạt động trong các làng nghề. Tổng giá trị sản xuất từ các làng nghề TTCN đạt 2.280 tỷ đồng, đóng góp 2,67% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cho 64/182 làng nghề với tổng số tiền hơn 144 tỷ đồng để đầu tư mới, nâng cấp hệ thống giao thông nội làng, xây dựng hệ thống thu gom nước thải. Một số làng nghề đã được quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung như: Làng nghề ngói Cừa, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ), Làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu)…
Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 14.128 hộ tham gia hoạt động tại các làng nghề (chiếm 1,94% tổng số hộ ở nông thôn), với lao động tham gia làm nghề là 24.034 lao động (chiếm 1,36% tổng số lao động ở nông thôn). Một số bộ phận lao động tại các làng nghề tuy không qua đào tạo nhưng theo nghề gia truyền và kinh nghiệm qua thực tiễn lao động sản xuất nên có tay nghề rất cao như: Nghề mộc, thổ cẩm, đan lát, chế biến nông sản, hương trầm, cây cảnh, bánh bún. Số lao động này chủ yếu làm việc tại các công đoạn như: Sơ chế nguyên liệu, chế biến thô hoặc các nghề đòi hỏi kỹ thuật đơn giản như nghề muối, đan lát, kết chổi, móc sợi…
Thu nhập bình quân từ nghề đạt 3,5 – 4 triệu đồng/lao động/tháng. Trong đó, lao động hoạt động các nghề như: Mộc dân dụng, chế biến hải sản, sinh vật cảnh có thu nhập cao hơn, bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng; các nghề mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren có mức thu nhập thấp hơn, bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề đã có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng, năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên. Một số địa phương đã tích cực trong xây dựng và phát triển làng nghề và làng có nghề như: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên,… góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã cung cấp nhiều sản phẩm có chất lượng, hình thức mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, tạo thêm thu nhập cho hàng chục ngàn lao động tận dụng thời gian nông nhàn, đặc biệt là phụ nữ, người già, tàn tật chiếm số lượng lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội.
Quy mô các làng nghề còn nhỏ, phân tán, sản phẩm làng nghề có thương hiệu còn ít
Tuy nhiên, năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ kiến thức và tay nghề của các hộ sản xuất trong làng nghề còn thấp. Nguồn lực để đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất hạn chế. Quy mô các làng nghề còn nhỏ, phân tán, sản phẩm làng nghề tuy phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, chưa tính đầy đủ tới nhu cầu của thị trường, ít sản phẩm có thương hiệu; công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường còn yếu nên tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Do quá trình đô thị hóa và chuyển dịch lao động nông thôn vào các khu công nghiệp nên lao động làng nghề ngày càng giảm, lao động có tay nghề cao tìm việc làm tại khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động có thu nhập cao hơn làm cho nhiều nghề có nguy cơ mai một. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, nhiều sản phẩm chế biến thực phẩm từ các làng nghề chưa đảm bảo các quy định nên ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ, khó vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn cũng như tham gia xuất khẩu.
Hệ thống hạ tầng như giao thông, xử lý nước thải, hệ thống thông tin liên lạc, hạ tầng thương mại điện tử,… chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các làng nghề. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề vẫn cón diễn ra. Hoạt động quản lý làng nghề còn có sự chồng chéo, công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền và các đơn vị liên quan trong chỉ đạo phát triển làng nghề chưa cao; chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn còn thiếu tính đột phá và chưa thực sự đến với các hộ sản xuất trong làng nghề.
Bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống
Để bảo tồn và phát triển các làng nghề có hiệu quả, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc phát triển làng nghề ở khu vực nông thôn đối với phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch. Rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch đất đai, xây dựng và các quy định liên quan, đảm bảo đủ mặt bằng phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống hiện có, đồng thời tập trung phát triển thêm các làng nghề mới với các sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương gắn với nhu cầu phục vụ khách du lịch. Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý các làng nghề đã được công nhận, tăng cường công tác hỗ trợ đào tạo về phát triển thị trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các hộ sản xuất kinh doanh và HTX làng nghề. Di dời các làng nghề ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm cao trong các khu dân cư vào các cụm công nghiệp làng nghề và khu vực sản xuất tập trung. Khuyến khích các hộ sản xuất trong làng nghề áp dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh, trong đó chú trọng phát triển ngành nghề với các sản phẩm là thế mạnh của địa phương; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đề ra các giải pháp thực hiện. Đó là tập trung công tác quy hoạch, sắp xếp lại làng nghề; rà soát, bổ sung, sửa đổi và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề gắn với các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển các sản phẩm OCOP,… Triển khai các giải pháp về ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Giải pháp về nguồn vốn, tín dụng. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường làng nghề.
H.B (tổng hợp)
(Tổng hợp từ Báo cáo số 551/BC-UBND ngày 26/7/2023 của UBND tỉnh về tình hình phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An)