Tình hình kinh tế - xã hội quí I năm 2021 tỉnh Nghệ An

Trong quý I/2021, bức tranh kinh tế thế giới đã được tô điểm thêm những mảng màu tươi sáng nhờ các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, đặc biệt là việc triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đang được tăng tốc ở nhiều quốc gia. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, kinh tế thế giới sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 5,6% trong năm nay và đạt 4,0% vào năm tới. Nền kinh  tế Việt Nam trong năm nay được dự báo tăng trưởng khoảng 6%. Tính đến thời điểm hiện nay (17/3/2021) trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa ghi nhận ca nào nhiểm Covid-19, song bị ảnh hưởng chung của tình hình trong nước và thế giới nên kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An GRDP quý 1/2021 ước tăng khoảng 6-7%, tình hình cụ thể như sau:

I. Tình hình Kinh tế

1. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 3 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4.122 tỷ đồng, bằng 29,38% dự toán do Hội đồng nhân dân tỉnh giao cả năm và giảm 6,03% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa ước đạt 3.759,5 tỷ đồng, bằng 29,41% dự toán và giảm 9,56%. Một số khoản thu so với cùng kỳ tăng như: Thu từ doanh nghiệp Địa phương ước đạt 34,8 tỷ đồng, bằng 28,96 dự toán và tăng 4,48%; Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 80,9 tỷ đồng, bằng 33,03% dự toán và tăng 14,35%; Thu từ khu vực CTN-DV ngoài quốc doanh ước đạt 1.419,5 tỷ đồng, bằng 33,09% dự toán và tăng 30,98%; Thu khác ngân sách ước đạt 104,9 tỷ đồng, bằng 41,94% dự toán và tăng 37,07%; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 362,5 tỷ đồng, bằng 29,0% dự toán và tăng 57,93%;… Bên cạnh đó có các khoản thu thấp như: Thu từ doanh nghiệp Trung ương quản lý giảm 6,68%, thu lệ phí trước bạ giảm 16,58%, thu thuế thu nhập cá nhân giảm 18,01%, thu thuế bảo vệ môi trường giảm 36,04%, thu tiền sử dụng đất giảm 26,98%,…

Tổng chi ngân sách 3 tháng đầu năm ước đạt 5.679,1 tỷ đồng, bằng 22,08% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 1.500 tỷ đồng, bằng 23,07% dự toán; chi thường xuyên 4.169,1 tỷ đồng, bằng 22,21% dự toán. Các khoản chi quan trọng trong chi thường xuyên đều bảo đảm như: Chi sự nghiệp kinh tế 489,5 tỷ đồng, bằng 23,90% dự toán; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 1.729,3 tỷ đồng, bằng 21,60% dự toán; chi sự nghiệp y tế 495 tỷ đồng, bằng 23,20%; chi đảm bảo xã hội 278,1 tỷ đồng, bằng 23,70% dự toán và chi quản lý hành chính 777,9 tỷ đồng, bằng 22,30% dự toán. Các khoản chi đầu năm chủ yếu tập trung chi lương và các khoản có tính chất lương, chi thăm hỏi chúc Tết các đối tượng chính sách, chi mừng thọ, chi hỗ trợ hộ nghèo, chi phòng chống dịch bệnh (đại dịch Covid-19)…

Ước tính đến 31/3/2021, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 163.346 tỷ đồng, tăng 3.192 tỷ đồng, bằng 2% so với đầu năm; tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 227.160 tỷ đồng, tăng 1.129 tỷ đồng so với đầu năm (bằng 0,5%); trong đó dư nợ trung và dài hạn chiếm 47% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn ước 2.000 tỷ đồng, chiếm 0,88% tổng dư nợ.

Ước đến 31/3/2021, toàn tỉnh có 2.894.346 người tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện, BHTN. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,61% dân số; số người tham gia BHXH là 320.011 người, đạt 95,46% kế hoạch, tăng 14,04% so với cùng kỳ năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 17,27%. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước tính 1.541.498 triệu đồng, tăng 0,03% (+514 triệu đồng) so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số nợ (không bao gồm nợ lãi suất chậm nộp, NSNN nợ kinh phí hỗ trợ BHYT) là 320.477 triệu đồng, giảm 4.347 triệu đồng (giảm 1,34%) so với tháng 02/2021.

Trong quý I năm 2021, ước toàn tỉnh giải quyết cho 27.223 lượt người hưởng chế độ BHXH, tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượt khám chữa bệnh BHYT là 791.093 lượt người với tổng số tiền 561.930 triệu đồng; giảm 417.882 lượt và 257.487 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi BHXH, BHTN dự kiến 2.349.761 triệu đồng, tăng (+50.141 triệu đồng) so với cùng kỳ.

2. Giá cả, lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng: tháng 3 năm 2021 giảm 0,18% so với tháng trước. So với bình quân cùng kỳ tăng 0,95%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 2 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm 2020 đó là Nhà ở điện nước giảm 3,42 %; Bưu chính viễn thông giảm 0,18%. Bên cạnh đó có 9 nhóm tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,04%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,83%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,75%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,00%; Giáo dục tăng 1,06%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,61%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,60%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; Giao thông tăng 2,16%.

Chỉ số giá vàng so với tháng trước giảm 2,78%, so với cùng kỳ tăng 17,25%; chỉ số đô la Mỹ tăng 1,10% so với tháng trước, so với cùng kỳ tăng 1,45%.

3. Đầu tư và xây dựng

                Quý I/2021 lĩnh vực đầu tư xây dựng phát triển khá. Vốn đầu tư phát triển tháng 3/2021 thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 371,2 tỷ đồng, cộng dồn 3 tháng đầu năm ước đạt 1.194,1 tỷ đồng, giảm 15,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 578,8 tỷ đồng, giảm 6,14%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 383,4 tỷ đồng, giảm 21,37% và cấp xã ước đạt 231,9 tỷ đồng, giảm 25,45%.

                Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý I/2021 đạt 15.658,8 tỷ đồng, tăng 13,25% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó vốn nhà nước ước đạt 2.592,1 tỷ đồng, giảm 8,89% (Trung ương quản lý tăng 0,09%, địa phương quản lý giảm 13,62%); vốn ngoài nhà nước 12.877,4 tỷ đồng, tăng 20,55%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 189,2 tỷ đồng, giảm 36,84%. Phân theo khoản mục đầu tư: vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý I/2021 ước đạt 13.601,4 tỷ đồng, chiếm 86,86% tổng vốn, tăng 11,91% so với cùng kỳ năm 2020; vốn mua sắm tài sản cố định 997,7 tỷ đồng; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ 755,5 tỷ đồng; bổ sung vốn lưu động 191,7 tỷ đồng.

Công trình, dự án có vốn đầu tư lớn thực hiện trong kỳ: Tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) - đoạn từ điểm giao Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535 dài gần 7,5km, tuyến giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh thông qua cầu Cửa Hội; Cảng biển quốc tế Vissai, Cảng DKC và các khu du lịch Cửa Lò, Bãi Lữ, Vinpearl Cửa Hội, đường cao tốc Bắc Nam, nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Vinh, nạo vét cụm cảng Cửa Lò, Khu tổ hợp dịch vụ du lịch đô thị Bến Thủy, Dự án Khu đô thị phía Tây nam Thành phố Vinh,…

                4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

 Trong quý I/2021 (tính đến 17/3/2021), đã cấp GCNĐKDN thành lập mới cho 398 doanh nghiệp, tăng 4,57% với cùng quý năm 2020 và 84 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; tổng số vốn đăng ký 3.771 tỷ đồng, tăng 48,54%; có thêm 297 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 118 doanh nghiệp so với cùng kỳ). Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng quý I đạt 100%. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trong đó đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 11.249 khách hàng với tổng số nợ (lũy kế từ 23/01/2021) 3.084 tỷ đồng. Thực hiện miễn, giảm tiền lãi, giảm lãi suất cho 35.455 khách hàng với tổng số nợ được miễn giảm lãi là 43.928 tỷ đồng. Giải ngân mới với lãi suất ưu đãi cho 53.206 khách hàng với doanh số giải ngân 81.607 tỷ đồng.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

5.1. Sản xuất nông nghiệp

Quý I/2021 sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông và đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Xuân 2021.

Sản xuất vụ Đông: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông toàn tỉnh đạt 39.937,1 ha, giảm 1,04% (-421,4 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể kết quả sản xuất một số cây trồng chính trong vụ Đông 2021 như sau:

        Cây ngô: Diện tích gieo trồng đạt 16.949,5 ha, giảm 2,31% (-401,4 ha) so với cùng vụ Đông năm trước, trong đó diện tích thu hoạch đạt 16.758,1 ha; năng suất đạt 47,07 tạ/ha; sản lượng đạt 78.872,6 tấn, giảm 5,15% (-4.279,6 tấn). Diện tích ngô vụ Đông năm nay giảm là do thời tiết không được thuận lợi, những vùng đất trũng thấp không gieo trỉa hết diện tích, một số diện tích phải gieo đi gieo lại nhiều lần làm tăng chi phí sản xuất của người dân, diện tích gieo trỉa được thì bị chuột phá hoại rất nhiều. Cụ thể các huyện giảm như sau: Anh Sơn giảm 242 ha, Thanh Chương giảm 190 ha, Nghi Lộc giảm 144 ha,... Ngô vụ Đông được gieo trỉa với các loại giống ngô chủ lực như: LVN10, CP888, PAC669, NK66, P4199 và các giống ngô có sinh khối lớn như: NK7328, CP111,…

Khoai lang: Diện tích gieo trồng đạt 1.425 ha, giảm 4,79% (- 71,7 ha) so với vụ đông năm trước, năng suất thu hoạch đạt 64,41 tạ/ha, sản lượng đạt 9.177,4 tấn, giảm 16,54% (- 1.818,5 tấn). Diện tích khoai lang giảm là do bà con nông dân chủ động chuyển sang gieo trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Lạc: Diện tích lạc vụ Đông gieo trỉa đạt 1.354,1 ha, giảm 1,58% (-21,7 ha), năng suất thu hoạch đạt 25,20 tạ/ha (+0,66%); sản lượng đạt 3.412,7 tấn, tăng 1,07% (+36,12 tấn).

Cây rau, đậu, hoa cây cảnh: Diện tích gieo trồng đạt 12.466,6 ha, tăng 0,83% (+102,9 ha) so với vụ Đông năm trước. Trong đó: Rau các loại diện tích gieo trồng đạt 12.351,8 ha, tăng 1,36% (+ 166 ha), năng suất thu hoạch đạt 140,3 tạ/ha, sản lượng đạt 172.213,7 tấn, tăng 4,59% (+7.559,7 tấn); Đậu đỗ các loại diện tích gieo trồng đạt 21,6 ha, giảm 19,05% (-5,1 ha), năng suất thu hoạch đạt 8,7 tạ/ha; Diện tích hoa các loại đạt 93,2 ha, giảm 38,36% (+58 ha).

Cây gia vị hàng năm có diện tích đạt 423 ha, tăng 7,22%, trong đó diện tích gừng tăng 23,17% (+15,54 ha), năng suất gừng đạt 70,93 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt 586,02 tấn (+119 tấn). Diện tích nhóm cây dược liệu hàng năm đạt 330,85 ha, giảm 2,48% (-8,4 ha). Cây hàng năm khác còn lại đạt 6.791,6 tăng (+ 280,1 ha) trong đó diện tích cỏ voi tăng 54 ha, năng suất thu hoạch đạt 684,7 tạ/ha, sản lượng đạt 368.070,2 tấn; diện tích ngô sinh khối làm thức ăn gia súc tăng 262,8 ha, năng suất đạt 317,3 tạ/ha, sản lượng đạt 41.355,3 tấn (+ 8.588 tấn).

Sản xuất vụ xuân: Tính đến ngày 08/3/2021 tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân toàn tỉnh ước đạt 145.894,7 ha, giảm 0,24% (-350,3 ha) so với cùng kỳ và bằng 85,5% so với kế hoạch.

Diện tích lúa ước đạt 88.966,1 ha, so với cùng kỳ tăng 1,30% và đạt 98,85% so kế hoạch trong đó diện tích lúa lai 42.353,8 chiếm 47,61% và lúa thuần 46.612,3 chiếm 52,39%. Lúa vụ Xuân năm nay sử dụng một số giống chủ lực như giống lúa thuần: TBR 225, Vật tư NA6, (SL9), ADI 168, Thiên Ưu 8; giống lúa lai: Thái Xuyên 111, VT404, Nhị ưu 986, Phú ưu 978, Kinh sở ưu 1588,...

 Diện tích ngô ước đạt 14.576,4 ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ và chỉ bằng 83,29% so với kế hoạch (trong đó ngô lấy hạt 13.456,2 ha). Giống ngô gieo trỉa chủ yếu NK66, NK7328, CP999, DK6919, DK6919s,...

Diện tích rau vụ Xuân ước đạt 10.394,7 ha (bằng 86,62% so kế hoạch), so với cùng kỳ tăng 2,09% (+213,2 ha). Lạc diện tích gieo trỉa ước đạt 10.425 ha giảm 1,69% so với cùng kỳ. Đậu, đỗ các loại 815 ha tăng 8,19%. Diện tích cây hàng năm khác còn lại trồng được 6.872,1 ha, giảm 0,29% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi: Tổng đàn trâu tại thời điểm tháng 03/2021 ước đạt 268.990 con, giảm 0,62% (-1.672 con) so với cùng kỳ năm trước; Tổng đàn bò ước đạt 486.220 con, tăng 2,65% (+12.599 con), trong đó bò sữa ước đạt 61.526 con, tăng 2,77% (+1.656 con); Tổng đàn lợn ước đạt 907.985 con, tăng 4,67% (+40.495 con); Tổng đàn gia cầm ước đạt 28.730 nghìn con, tăng 9,13% (+2.404 nghìn con), trong đó đàn gà ước đạt 23.620 nghìn con, tăng 9,94% (+2.136 nghìn con).

Tình hình dịch bệnh

Trên địa bàn tỉnh bệnh dịch tả lợn châu Phi: Xảy ra rải rác tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện nay, đang có 04 ổ dịch tại 4 huyện Đô Lương, Thanh Chương, Con Cuông, Quỳnh Lưu chưa qua 21 ngày. Số lợn tiêu hủy cộng dồn năm 2021 là 351 con, trọng lượng: 20.201 kg

Bệnh Lở mồm long móng (LMLM): Xảy ra 02 ổ dịch tại huyện Quỳnh Lưu (xã Quỳnh Thắng, xã Tân Thắng) chưa qua 21 ngày với số gia súc mắc bệnh là 12 con bò/4 hộ/3 xóm.

Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC), đang có 70 con bò mắc bệnh VDNC tại 16 ổ dịch ở 8 huyện chưa qua 21 ngày. Cụ thể: huyện Hưng Nguyên 4 con/3 xã (Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Trung), huyện Nghi Lộc 20 con/3 xã (Nghi Vạn, Nghi Trường, Nghi Trung), huyện Nghĩa Đàn 3 con/3 xã (Nghĩa Thành, Nghĩa Sơn, Nghĩa Bình), huyện Anh Sơn 14 con/1 xã (Vĩnh Sơn), Diễn Châu 2 con/2 xã (Diễn Yên, Diễn Thọ), TP Vinh 22 con/2 xã (Nghi Liên, Nghi Phú), Tân Kỳ 4 con/1 xã (Giai Xuân), thị xã Hoàng Mai 1 con/1 xã (Quỳnh Xuân). Tổng số chết, buộc tiêu hủy từ khi dịch xảy ra dịch là 03 con bò với trọng lượng 460kg.

5.2. Sản xuất lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 3 ước đạt 3.182 ha, tăng 2,12% (+66 ha) so với cùng kỳ năm 2020, đưa diện tích trồng rừng quý I/2021 ước đạt 4.457 ha, tăng 2,93% (+127 ha). Khai thác gỗ và lâm sản khác tháng 3 ước đạt 120.979 m3, tăng 9,26% (+10.254 m3) so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng gỗ khai thác quý I/2021 ước đạt 187.356 m3, tăng 9,41% (+16108 m3 ); Củi khai thác quý I/2021 ước đạt 317.617 ste, tăng 5,6% (+16.843 ste).

Công tác bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm, tập trung bảo vệ tốt 965.057 ha rừng, tuy nhiên các vụ vi phạm luật bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra. Tính từ đầu năm đã xử lý 108 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 116,215 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 946,2 triệu đồng.

5.3. Sản xuất thủy sản

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản không sử dụng lồng bè, bể bồn tháng 3/2021 ước đạt 1.070 ha, tăng 5,21% (+53 ha), đưa lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 17.010 ha, tăng 0,41% (+69 ha), diện tích nuôi cá 16.293 ha, diện tích tôm 528 ha, diện tích thủy sản khác 189 ha.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 3/2021 ước đạt 22.966 tấn, tăng 8,54% (+1.808 tấn), lũy kế 3 tháng ước đạt 53.707 tấn tăng 8,95% (+4.413 tấn), trong đó: Sản lượng khai thác ước đạt 38.371 tấn, tăng 9,94% (+3.470 tấn); sản lượng nuôi trồng ước đạt 15.336 tấn, tăng 6,55% (+943 tấn) .

Tổng số con giống được sản xuất trong tháng 3 ước đạt 518 triệu con, tăng 4,44% (+22 triệu con), đưa lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 762 triệu con, tăng 5,25% (+38 triệu con), so với cùng kỳ năm trước. Trong đó; sản xuất tôm Sú giống tháng 3: ước đạt 36 triệu con, tăng 5,88% (+2 triệu con), sản xuất tôm Thẻ chân trắng tháng 3: ước đạt 360 triệu con, tăng 7,14% (+24 triệu con), đưa lũy kế 3 tháng ước đạt 489 triệu con, tăng 8,91% (+40 triệu con).

6. Sản xuất công nghiệp

Dự báo ngành công nghiệp 2021 sẽ được khôi phục sau một năm đầy khó khăn và thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2021 tăng 13,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 9,79%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,48%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,53%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,23%.

                Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng khác ước đạt 332,3 nghìn m3, tăng 53,19%; Tôn lợp ước đạt 88,3 nghìn tấn, tăng 92,57%; Ống thép Hoa Sen ước đạt 3,5 nghìn tấn, tăng 81,82%; Phân bón hóa học NPK ước đạt 5,1 nghìn tấn, tăng 74,91%; Thùng carton ước đạt 2,4 triệu chiếc, tăng 44,8%; Ống nhựa Tiền Phong ước đạt 1,2 nghìn tấn, tăng 38,41%; Clanhke xi măng ước đạt 764,9 nghìn tấn, tăng 25,39%; Bia đóng lon ước đạt 4,8 triệu lít, tăng 17,69%; Vỏ hộp lon bia ước đạt 0,3 nghìn tấn, tăng 14,77%;…

Tính chung quý 1 năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 23,29%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,49%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 34,91%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,98%.

Ước tính quí 1/2021 một số sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng khác ước đạt 1.084,9 nghìn m3, tăng 89,94%; Tôn lợp ước đạt 248,2 nghìn tấn, tăng 98,48%; Ống thép Hoa Sen ước đạt 8,8 nghìn tấn, tăng 53,16%; Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 112,5 nghìn tấn, tăng 57,72%; Quần áo không dệt kim ước đạt 15,8 triệu cái, tăng 47,81%; Ống nhựa Tiền Phong ước đạt 3,1 nghìn tấn, tăng 47,48%; Thùng carton ước đạt 7,7 triệu chiếc, tăng 46,8%; Clanhke xi măng ước đạt 2,2 triệu tấn, tăng 22,24%; Phân bón hóa học NPK ước đạt 12,2 nghìn tấn, tăng 17,68%; Sữa tươi ước đạt 68,7 triệu lít, tăng 13,12%; Điện sản xuất ước đạt 448,5 triệu KWh, tăng 47,45%; Điện thương phẩm ước đạt 868,5 triệu KWh, tăng 9,71%;… Bên cạnh đó một số sản phẩm giảm trong kỳ như: Bia đóng chai ước đạt 3,5 triệu lít, giảm 46,73%; Thiếc chưa gia công ước đạt 26 tấn, giảm 37,03%; Sữa chua ước đạt 6,7 nghìn tấn, giảm 24,81%; Đường ước đạt 76,6 nghìn tấn, giảm 16,8%; Bao bì bằng giấy ước đạt 11,6 triệu chiếc, giảm 11,50%; Khăn quàng ước đạt 1,4 triệu cái, giảm 6,05%...

        7. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2021 theo giá hiện hành ước đạt 5.357,5 tỷ đồng, tăng 12,45% so với cùng tháng năm 2020. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021 tổng mức bản lẻ hàng hóa ước đạt 17.934,6 tỷ đồng, tăng 11,71% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo nhóm hàng bán lẻ thì nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với doanh thu trong kỳ ước đạt 5.443 tỷ đồng (chiếm 30,35% tổng số), tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 2.095,2 tỷ đồng, tăng 7,61%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng 1.325,1 tỷ đồng, tăng 11,57%; ô tô các loại 2.788,9 tỷ đồng, tăng 27,65%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) 1.088,3 tỷ đồng, giảm 7,20%; xăng dầu 2.145 tỷ đồng, tăng 26,85%; ...

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 3/2021 ước đạt 527,9 tỷ đồng, tăng 61,77% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 3 tháng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.792,4 tỷ đồng, tăng 24,65% so với cùng kỳ năm trước; trong đó dịch vụ lưu trú phục vụ 1.067,1 nghìn lượt khách, tăng 9,34% so với cùng kỳ năm trước (820,6 nghìn lượt khách ngủ qua đêm) với doanh thu lưu trú 245,5 tỷ đồng, tăng 16,36%; doanh thu dịch vụ ăn uống 1.534,9 tỷ đồng, tăng 27,44%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành 11,9 tỷ đồng, giảm 46,84%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành) tháng 3/2021 ước đạt 551,6 tỷ đồng, tăng 32,04% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021 ước đạt 1.727 tỷ đồng, tăng 16,84%; trong đó kinh doanh bất động sản 563,4 tỷ đồng, tăng 2,51%; dịch vụ hành chính 352 tỷ đồng, tăng 39,48%; dịch vụ y tế 291 tỷ đồng, tăng 8,80%; dịch vụ vui chơi giải trí 145,2 tỷ đồng, tăng 139,48%…

Vận chuyển hành khách tháng 3/2021 ước đạt 9.333,4 nghìn lượt khách và 704,6 triệu lượt khách.km. So với cùng tháng năm trước hành khách vận chuyển tăng 18,04% và hành khách luân chuyển tăng 14,45%. Tính chung quý I/2021 khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 28,8 triệu lượt khách, tăng 17,35% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển 2.289,1 triệu lượt khách.km, tăng 15,43%.

Vận tải hàng hóa tháng 3/2021 ước đạt 11.800,2 nghìn tấn, tăng 17,01% và 343,2 triệu tấn.km, tăng 18,16% so với tháng 3/2020. Tính chung 3 tháng đầu năm khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 35,9 triệu tấn, tăng 13,98% với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa 1.024,4 triệu tấn.km, tăng 15,63%.

Doanh thu vận tải, bốc xếp quý I ước đạt 2.881,6 tỷ đồng, tăng 14,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa 1.880,7 tỷ đồng, tăng 14,30%; doanh thu vận tải hành khách 621,6 tỷ đồng, tăng 14,60% và doanh thu bốc xếp dịch vụ vận tải 376,3 tỷ đồng, tăng 17,58%.

II. Một số vấn đề xã hội

1. Lao động, việc làm, đời sống dân cư

                Dân số trung bình tỉnh Nghệ An năm 2020 ước đạt 3,365 triệu người đứng thứ 4 cả nước; trong đó lực lượng lao động có hơn 1,9 triệu người, hàng năm bổ sung hơn 30 nghìn người và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, đây là lợi thế về nguồn lao động dồi dào nhưng cũng là thách thức khi giải quyết việc làm cho người lao động.

Đời sống cán bộ công nhân viên chức hưởng lương trong khu vực Nhà nước nhìn chung ổn định. Theo báo cáo của các doanh nghiệp và qua kiểm tra, khảo sát trực tiếp tại một số doanh nghiệp (Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) thì tình hình tiền lương, tiền thưởng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 như sau:

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kế hoạch trả thưởng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào Tết Nguyên đán năm 2021. Mức thưởng bình quân các doanh nghiệp thưởng cho người lao động Tết âm lịch 2021 là 4,48 triệu đồng/người (giảm 18,5% so với thưởng Tết Nguyên đán năm 2020); cao nhất là 150 triệu đồng/người, thấp nhất là 100 nghìn đồng/người.

Tính đến thời điểm hiện nay (tháng 3/2021) trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có hộ thiếu đói xảy ra, do quý I có Tết Nguyên đán nên vấn đề an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước quan tâm, cụ thể: Thăm, tặng quà tết cho các đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh là 57,5 tỷ đồng.

Ngày 19/01/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã phân bổ gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, với số lượng gạo là 727.875 kg cứu đói cho 12.476 hộ (48.525 nhân khẩu).

Trong quí I năm 2021, ước tính giải quyết việc làm cho 10.972 người, tăng 0,7% so cùng kỳ, đạt 28,5% kế hoạch, trong đó: đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 3.191 người, đạt 25,52% kế hoạch (KH là 12.500 người).

Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khởi nghiệp, kỹ năng trình bày ý tưởng xây dựng dự án khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo. Trong quý I, số lượng tuyển sinh ước 4.329 lượt người (đạt 6,5% KH), trong đó sơ cấp là 2.275 lượt người, đào tạo dưới 3 tháng là 2.054 lượt người.

Trong quý 1/2021 đã cấp giấy chứng nhận hộ nghèo cho 34.161 hộ và giấy chứng nhận hộ cận nghèo cho 53.990 hộ làm cơ sở thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ giảm nghèo năm 2021.

Thực hiện tốt chế độ, chính sách lao động, người có công và an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán. Chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho gần 70.200 đối tượng người có công với cách mạng, với kinh phí 133,6 tỷ đồng.

Thực hiện vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh huy động được hơn 6,5 tỷ đồng; hỗ trợ hợp đồng bảo hiểm cho 05 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật cho 08 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh với tổng số tiền 537 triệu đồng; tổ chức trao tặng 462 bộ áo quần đồng phục, 200 chiếc áo ấm mùa đông cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại các huyện Anh Sơn, Kỳ Sơn.

Với truyền thống đạo lý tốt đẹp “Thương người như thể thương thân”, "Cuộc sống dù khó khăn nhưng trọng nghĩa tình" thông qua Chương trình ủng hộ phòng chống dịch Covid - 19; Chương trình ủng hộ đồng bào miền Trung và đồng bào Nghệ An khắc phục hậu quả bão lụt; chương trình ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", "Tháng cao điểm vì người nghèo" năm 2020. Thông qua các chương trình an sinh xã hội này, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tích cực hưởng ứng ủng hộ với tổng giá trị tiền, hàng quy đổi hơn 455,96 tỷ đồng, trong đó: Chương trình  "Tết vì người nghèo - Tân Sửu 2021" nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với số tiền ủng hộ trên 92 tỷ đồng; Ủng hộ phòng chống Covid - 19 với số tiền là 75,86 tỷ đồng; Ủng hộ đồng bào miền trung và đồng bào tỉnh Nghệ An khắc phụ hậu quả thiên tai là 155,7 tỷ đồng; Ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và "Tháng cao điểm Vì người nghèo" năm 2020 với tổng số tiền, hàng đạt hơn 40 tỷ; …

Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và khắc phục khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 với 3 hợp phần; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo quyết định 755/QĐ-TTg; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số theo quyết định 54/QĐ-TTg; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo quyết định 2085/QĐ-TTg; … Trong quý 1 năm 2021 Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Nghệ An đã cho 7.477 đối tượng vay vốn, với tổng số vốn đã giải ngân là 293,5 tỷ đồng, cụ thể:  Hộ nghèo 753 hộ với số vốn vay 34,9 tỷ đồng, hộ cận nghèo 2.237 hộ với với số vốn vay là 114,8 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 22,7 tỷ đồng với 529 khách hàng; cho 302 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay với số tiền 15,7 tỷ đồng; vay đi xuất khẩu lao động 44 người, với số tiền 3,7 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007 gồm 974 hộ với số tiền 46,6 tỷ đồng; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn là 2.223 hộ, với số tiền 44,36 tỷ đồng;… Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho: 135.011 đối tượng, tổng số kinh phí chi trả 3 tháng đầu năm hơn 165 tỷ đồng (tính đến thời điểm 11/3/2021); Tổng số đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội là: 875 đối tượng. Trong đó: Trẻ em: 413 đối tượng; Người già cô đơn: 34 đối tượng; Người khuyết tật: 429 đối tượng.

                2. Giáo dục

Chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông đã được khẳng định vững chắc; kết quả học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021 của tỉnh Nghệ An tiếp tục giữ vững tốp dẫn đầu của cả nước, với 81 học sinh đạt giải, trong đó có 7 giải Nhất (1 giải Nhất môn Toán, 1 giải Nhất môn Tin, 1 giải Nhất môn Vật lý, 1 giải Nhất môn Lịch sử, 1 giải Nhất môn Ngữ văn và 2 giải nhất môn Sinh học), 25 giải Nhì, 27 giải Ba và 22 giải Khuyến khích.

Chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục được nâng cao, trong quý 1/2021 (tính đến 15/3/2021), đã đề nghị công nhận mới 4 trường mầm non; công nhận lại 4 trường (3 trường mầm non, 1 trường THCS); Có 21/21 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 21/21 đơn vị đạt chuẩn Xoá mù chữ mức độ 2; 21/21 đơn vị đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 04 đơn vị đạt chuẩn Phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; 13 đơn vị đạt chuẩn Phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 04 đơn vị đạt chuẩn Phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

3. Y tế

Tính đến 17 h ngày 16/3/2021, Toàn tỉnh đã cách ly và theo dõi sức khỏe cho 75.299 trường hợp (15.573 trường hợp tại 31 điểm cách ly tuyến tỉnh; 2.546 trường hợp tuyến huyện; 407 chuyên gia; cách ly tại nhà/nơi lưu trú 25.792 người và có trên 30 nghìn người tự nguyện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú). Tổng số mẫu xét nghiệm Covid-19 đã lấy là 40.847 mẫu (có 3.608 mẫu là các quân nhân nhập ngũ năm 2021). Hiện nay Nghệ An chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19. Tổng kinh phí đã chi do tác động dịch bệnh Covid-19 là 800.850 triệu đồng (gồm ngân sách trung ương bố trí: 326.248 triệu đồng; ngân sách địa phương bố trí là 474.602 triệu đồng). Cụ thể như sau:

- Kinh phí hỗ trợ chế độ đặc thù theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ và phòng chống dịch trên địa bàn: Tổng kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn (tính đến ngày 16/3/2021), số tiền: 168.194 triệu đồng (gồm ngân sách trung ương bố trí: 34.270 triệu đồng, ngân sách địa phương bố trí: 133.924 triệu đồng). Trong đó: Hỗ trợ cho người cách ly và các đối tượng tham gia phòng chống dịch theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, số tiền: 56.399 triệu đồng; Kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư, hoá chất y tế; kinh phí sinh phẩm, thuê xét nghiệm: 68.155 triệu đồng; Kinh phí phòng dịch khác: 43.640 triệu đồng.

- Kinh phí trợ cấp cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ: Tổng kinh phí thực hiện là 632.656 triệu đồng (gồm trung ương bố trí: 291.978 triệu đồng, ngân sách địa phương bố trí: 340.678 triệu đồng). Kinh phí đã được các cấp bố trí kinh phí kịp thời và cơ bản giải ngân đạt trên 97%; Kinh phí ngân sách bố trí chủ yếu tập trung vào 06 nhóm đối tượng (Hỗ trợ người có công với cách mạng; Hỗ trợ đối tượng BTXH hưởng trợ cấp hàng tháng; Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm; Hỗ trợ đối tượng hoãn hợp đồng, nghỉ không lương tại DN; Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng (không hưởng trợ cấp thất nghiệp), người lao động tự do.       

Kết quả đăng ký, tiếp nhận, phân bổ Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch COVID–19 tính đến hết tháng 2/2021: Tổng số tiền, hàng đăng ký ủng hộ là 76.225 triệu đồng (tiền 53.270 triệu, hàng 22.955 triệu), trong đó: Cấp tỉnh 30.266 triệu đồng; cấp huyện 45.958 triệu đồng. Kết quả là tổng tiền, hàng đã tiếp nhận 75.861 triệu đồng (tiền 53.200 triệu, hàng 22.661 triệu); trong đó: cấp tỉnh tiếp nhận 29.902 triệu đồng (tiền 18.340 triệu đồng, hàng 11.562 triệu đồng), cấp huyện tiếp nhận 45.958 triệu đồng (tiền 34.859 triệu đồng, hàng 11.098 triệu đồng).                                                  

Trong kỳ xảy ra 2.122 ca Tiêu chảy, tăng 7,39% (+146 ca) so cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân do ăn các thức ăn đã ôi thiu và có mùi nấm mốc, không thực hiện ăn chín uống sôi... Tiêu chảy xảy ra nhiều nhất ở các huyện: Kỳ Sơn 127 ca, Thành phố Vinh 84 ca, huyện Quế Phong 81 ca, huyện Tương Dương 67 ca, thị xã Hoàng Mai 58 ca, huyện Diễn Châu 55 ca. Sốt xuất huyết 29 ca, tăng 20,83%.

                Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Đến ngày 28/02/2021 số người bị nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 12.431 người, trong đó có 10.192 người trong tỉnh. Căn bệnh HIV đã xảy ra tại 21/21 huyện/thành phố/thị xã. Trong tổng số người nhiễm HIV đã có 7.165 người chuyển sang bệnh AIDS và đã tử vong 4.451 người, người trong tỉnh 4.263 người.

                4. Văn hóa, thể thao

                Thực hiện tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước. Tạm dừng tổ chức hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tập trung đông người không thật sự cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và các Lễ hội Xuân năm 2021 trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp (đặc biệt trong đó ngừng hoạt động tổ chức lễ hội và đón nhận xếp hạng bằng di tích 2021).

                Tổ chức Lễ công bố Quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Tiếp tục khảo sát lập danh mục di tích xếp hạng, danh mục tu bổ, tôn tạo. Các điểm di tích, bảo tàng, nhất là Khu di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh tổ chức tốt công tác đón khách tham quan chỉ phục vụ nhu cầu của người dân.

                Tổng hợp kết quả rà soát thiết chế văn hóa sau khi sáp nhập; triển khai công tác quản lý Nhà nước về Hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh năm 2021. Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung “Chương trình phối hợp về đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao xây dựng kế hoạch tổ chức giải Karatedo vô địch miền Trung - Tây Nguyên năm 2021; giải Việt dã và Ngày chạy Olimpic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Nghệ An năm 2021 gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại”. Các đội tuyển thể thao của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tập huấn chuẩn bị tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao. Đội 1 CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An thi đấu 05 trận được 07 điểm, hiện tại đang tạm đứng thứ 7 của Bảng xếp hạng giải chuyên nghiệp quốc gia năm 2021. Đội U19 lọt vào vòng chung kết giải U19 toàn quốc năm 2021.

5. Trật tự, an toàn xã hội

Từ 10/02/2021 đến 10/3/2021 phạm pháp kinh tế trên địa bàn tỉnh xảy ra 195 vụ, tăng 8,33% (+15 vụ) so cùng kỳ năm 2020; với 235 đối tượng, tăng 24,34% (+46 đối tượng) thu giữ 405 kg pháo các loại và 14,7 kg thuốc pháo; 45 kg bánh kẹo các loại; 3 cá thể động vật hoang dã; 12,5 m3 gỗ; 29 m3 đất, cát và một số hàng hóa khác. Dẫn đến quí 1, số vụ phạm pháp kinh tế là 618 vụ, tăng 16,17%; với 712 đối tượng, tăng 25,35%.

Trong kỳ phạm pháp hình sự xảy ra 112 vụ, giảm 4,27% so cùng kỳ năm 2020, với 189 đối tượng, giảm 3,57%. Tính chung 3 tháng đầu năm xảy ra 327 vụ, giảm 11,94%, với 566 đối tượng phạm pháp hình sự, giảm 3,25%.

Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý xảy ra 93 vụ, tăng 52,46% so cùng kỳ năm 2020, với 112 đối tượng, tăng 57,75%. Cộng dồn 3 tháng đầu năm số vụ buôn bán, vận chuyển ma túy 307 vụ bị phát hiện, tăng 50,49% và bắt giữ 401 đối tương, tăng 73,59%.

 Trong tháng xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 13 người, bị thương 40 người, ước giá trị thiệt hại 1.623 triệu đồng. Tính chung quý 1/2021 xẩy ra 103 vụ tai nạn giao thông, làm chết 44 người, bị thương 98 người, ước giá trị thiệt hại 4.109 triệu đồng. So với cùng quý năm trước tai nạn giao thông về số vụ tai nạn giao thông tăng 4,04%, số người chết tăng 2,33%, số người bị thương tăng 5,38%.

Trong tháng phát hiện 44 vụ đánh bạc với 215 đối tượng đã thu giữ 172,1 triệu đồng và nhiều tài sản khác. Tính chung 3 tháng phát hiện 89 vụ đánh bạc với 402 đối tượng và thu giữ 560,8 triệu đồng và nhiều tài sản khác.

Ngoài ra trong quý đã xảy ra 17 vụ cháy làm chết 01 người, ước giá trị thiệt hại khoảng 1.833 tỷ đồng.

Khái quát lại: Quý 1/2021 nền kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đã khắc phục khó khăn, các ngành kinh tế phát triển trở lại, một số nhà máy và doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành tích cực của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà đạt được như sau: tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6-7%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,27%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,71%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân giảm 0,02%, công tác phòng và chống dịch Covid-19 đang được thực hiện tốt, văn hóa xã hội có chuyển biến tích cực, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Để thực hiện ổn định xã hội và phát triển kinh tế, với mục tiêu là Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đảm bảo các mục tiêu an sinh và phúc lợi xã hội, ổn định đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cấp, các ngành cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, các ngành và các cấp tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về phòng và chống dịch Covid-19. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư về việc phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan lơ là mất cảnh giác. Bên cạnh đó làm công tác ổn định tư tưởng cho nhân dân yên tâm tham gia sản xuất để đảm bảo ổn định kinh tế và thu nhập của người dân. Ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng vào tình hình dịch bệnh để tuyên truyền, chống phá và gây tâm lý hoang mang bất ổn cho người dân. Triển khai các chương trình tín dụng và ngân hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19,

Hai là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp miễn giảm đóng bảo hiểm, thuế, giảm lãi suất, khoanh nợ cho đến khi hết dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát và thực hiện các dự án, cùng với đó phải xử lý các dự án chậm triển khai.

Ba là, chăm lo, phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; tiền lương; giáo dục - đào tạo duy trì phương pháp dạy học online trực tuyến, học trên truyền hình, … đối với những cấp học nếu phải nghỉ học do dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục - đào tạo cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Phát triển phong trào thể dục, thể thao trong mọi tầng lớp nhân dân và thể thao thành tích cao của tỉnh.

Bốn là, tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Năm là, xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhất là kiểm soát chặt chẽ những người từ nước ngoài về Việt Nam thuộc diện cách ly theo yêu cầu của Bộ Y tế. Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, tín dụng đen và buôn bán bào thai qua biên giới./.

Nguồn: Chi cục Thống kê (1/4/2021)

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập