Câu hỏi
Cử tri đề nghị tạo điều kiện cho công dân (người theo đạo Phật) đến làm các thủ tục căn cước công dân và các loại giấy tờ khác

Cử tri đề nghị: Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương, khi công dân (người theo đạo Phật) đến làm các thủ tục chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, đơn đề nghị xác nhận, tờ khai DC01... có yêu cầu về mục tôn giáo đạo Phật thì tạo điều kiện xác nhận cho công dân. Nếu công dân (người theo đạo Phật) có yêu cầu ghi tên trong đạo (pháp danh hay bí danh hoặc tên gọi khác) thì yêu cầu xuất trình điệp quy y hoặc chứng điệp thụ giới.

Người hỏi:
Ngày gửi: 22/09/2021
Trả lời

UBND tỉnh trả lời:

- Đối với yêu cầu xác nhận mục tôn giáo:

+ Đối với xác nhận tại sổ hộ khẩu: Theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú, mẫu sổ hộ khẩu (HK08) không có mục “Tôn giáo”. Do đó, Cơ quan Công an không xác nhận cho công dân về tôn giáo (đạo phật) trong sổ hộ khẩu.

+ Xác nhận khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân và các giấy tờ khác:

Hiện nay, mọi thông tin của công dân đã được chuẩn hóa, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, bao gồm 17 trường thông tin, trong đó có trường thông tin về tôn giáo. Khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân, Cơ quan Công an sẽ trích xuất, sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp công dân theo đạo Phật nhưng thông tin lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không phải đạo Phật, đề nghị công dân cung cấp giấy tờ chứng minh tôn giáo của cơ quan có thẩm quyền để Cơ quan Công an sửa đổi, bổ sung vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và xác nhận nội dung về tôn giáo cho công dân (Quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 12, Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân).

- Đối với yêu cầu ghi tên trong đạo:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”. Như vậy, thông tin về tên gọi của mọi công dân (kể cả công dân theo đạo Phật) trong sổ hộ khẩu, Căn cước công dân hoặc các hồ sơ, giấy tờ khác đều phải thống nhất với Giấy khai sinh. Trường hợp công dân theo đạo Phật muốn ghi tên trong đạo (pháp danh, bí danh hay tên gọi khác) trong các loại giấy tờ do cơ quan Nhà nước cấp, phải xuất trình Giấy khai sinh trong đó có thể hiện tên gọi đó./.

Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 

Liên hệ

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 Điện thoại: 02383.557.565

 Email: banbientap@nghean.gov.vn

 fb.com/congthongtindientutinhnghean

 Đăng nhập