Tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Tư pháp cùng lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An

Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội XV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Thời gian qua, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh dần quan tâm hơn đến công tác giám định tư pháp, từng bước nhận diện và triển khai, thực hiện rõ nét hơn các nhiệm vụ được giao về giám định tư pháp, nhất là sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chỉ đạo về giám định tư pháp, đồng thời kiểm tra công tác này tại một số Bộ, ngành và địa phương.

Đến nay, cả nước có 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, văn hóa, giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bí mật nhà nước, tư pháp, bảo hiểm xã hội...

Đội ngũ giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực trong toàn quốc là 7.135 người; có 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc.

Từ năm 2018 đến ngày 30/6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện 1.039.615 vụ việc. Chất lượng công tác giám định chuyển biến mạnh ở cả 02 cấp, thể hiện ở việc các chuyên ngành giám định ngày càng được triển khai chuyên sâu hơn. Điển hình như Viện Khoa học hình sự có thể tiến hành giám định ADN từ vi vết tế bào lưu trên các vật mang dấu vết như phong bì thư, đầu lọc thuốc lá, chuôi dao, mặt trong găng tay cao su do thủ phạm đeo khi gây án. Một số PC09 Công an địa phương có khả năng giám định nồng độ cồn trong máu, thuốc tân dược, các chất hóa chất, xăng dầu, chất cháy, dấu vết sơn, pháo, thuốc nổ hàng giả giám định kỹ thuật số - điện tử.

Việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức giám định thực hiện nhanh gọn, nhất là đối với lĩnh vực có tổ chức chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, hầu hết là đáp ứng kịp thời yêu cầu; việc tiếp nhận và thực hiện giám định trong những lĩnh vực không có tổ chức chuyên trách cũng từng bước được các Bộ, cơ quan ngang bộ, sở, ngành chuyên môn, tổ chức được trưng cầu quan tâm tiếp nhận, thực hiện và có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.

Kết luận giám định là chứng cứ mang tính chuyên môn đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhanh chóng các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng kinh tế nói riêng. Đặc biệt, thông qua công tác giám định, lực lượng kỹ thuật hình sự cũng như đội ngũ giám định về công nghệ cao đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm, kịp thời thông báo cho các đơn vị chức năng đề ra phương án đấu tranh phù hợp; từ đó nghiên cứu tìm ra các giải pháp nghiệp vụ, phục vụ hiệu quả công tác giám định và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Tuy vậy, thực tế vẫn còn thiếu các tổ chức chuyên môn thực sự có năng lực phù hợp với nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng đang từng ngày mở rộng đến các lĩnh vực mới, nhất là lĩnh vực công nghệ tin học, công nghệ cao… vì chưa có chế độ, chính sách thu hút, ưu đãi phù hợp, thiết thực đến quyền lợi của các tổ chức chuyên môn khi được huy động, tham gia hoạt động giám định, thậm chí một số đơn vị chuyên môn được trưng cầu, thực hiện giám định còn không được thanh toán, chi trả đầy đủ, kịp thời chi phí cần cho việc thực hiện giám định.

Trừ một số giám định viên chuyên trách ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì phần lớn người giám định ở các lĩnh vực có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định tư pháp vì liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử, áp lực tâm lý, trách nhiệm pháp lý cao, tính chất phức tạp, trong khi đó chế độ đãi ngộ về vật chất thì chỉ có bồi dưỡng giám định theo việc thì rất thấp, thậm chí là nhiều trường hợp không được chi trả, thanh toán, còn chế độ chính sách về tinh thần thì hầu như cũng chưa được quan tâm thực hiện.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp và đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, công tác giám định tư pháp cần được các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định và bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức giám định tư pháp công lập, đồng thời bảo đảm kinh phí, điều kiện giám định cho các cơ quan, đơn vị nhà nước và công chức, viên chức ở lĩnh vực kiêm nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định.

Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người làm giám định, bảo đảm mỗi người giám định đều được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ giám định; chú trọng và thường xuyên tổ chức tập huấn cập nhật quy định pháp lý mới và kiến thức, phương pháp nghiệp vụ chuyên môn mới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ người giám định tư pháp ở các lĩnh vực…

Phan Quỳnh

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
© Cổng TTĐT Nghệ An
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập