Kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng
Sáng 7/12, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thành lập hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Giai đoạn 2002 -2021, cả nước có 20.234 HTX được thành lập mới
Sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã thể chế hóa nội dung Nghị quyết, từng bước xác lập môi trường thể chế và tâm lý xã hội thuận lợi cho kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực phi nông nghiệp (PNN) phát triển. Nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hóa trong Luật HTX 2003, Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là HTX, liên hiệp HTX lĩnh vực PNN.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong 20 năm qua, kinh tế tập thể hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây. Các loại hình HTX lĩnh vực PNN phát triển, trong đó lĩnh vực vận tải và thương mại, dịch vụ tăng mạnh; tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung, đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt và từng bước hiện đại. Số lượng HTX, liên hiệp HTX quy mô vừa và lớn tham gia xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch COVID-19. Kinh tế tập thể hợp tác xã đã mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới.
Giai đoạn 2002 -2021, thành lập mới 20.234 HTX, bình quân 1.012 HTX/năm; cơ cấu các HTX thay đổi theo hướng tích cực, giao thông vận tải và thương mại dịch vụ tăng cao. Đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 HTX (chiếm 34,7% tổng số HTX cả nước), có 16 Liên hiệp HTX, 44.226 tổ hơp tác (THT), thu hút gần 3 triệu thành viên, vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 - 15 lần so với năm 2002. Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt 55% - 80%; có sự khác biệt về tính đa dạng, cơ chế hoạt động với HTX nông nghiệp. So với chung cả nước, tổng số HTX, số lượng thành viên và lao động của HTX phi nông nghiệp thấp hơn (chiếm 30%), nhưng đạt tỷ lệ cao hơn trong vốn (58,5%), tài sản (91,2%), doanh thu (67,1%), lợi nhuận (51,3%), thu nhập bình quân gấp 1,9 lần so với HTX nông nghiệp.
Tại Nghệ An, tính đến 31/12/2020, toàn tỉnh có 3.016 tổ hợp tác (THT), trong đó, 420 THT công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 452 THT xây dựng, 513 THT tín dụng, 151 THT thương mại, 60 THT vận tải, 211 THT môi trường, 112 THT khác và 1.097 THT nông nghiệp. Doanh thu bình quân một THT là 2.056 triệu đồng/năm (tăng 137,1% so với năm 2008), lãi bình quân một THT là 138 triệu đồng/năm (tăng 153,3% so với năm 2008); mức thu nhập của một lao động trong THT khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, cá biệt thành viên THT đánh bắt thủy sản đạt 9 - 10 triệu đồng/tháng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của THT đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho tổ viên, tạo điều kiện để các tổ viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau là tiền đề để thành lập HTX kiểu mới, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Tính đến 31/12/2020, toàn tỉnh có 794 HTX, trong đó, số HTX hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là 40 HTX; hoạt động trên lĩnh vực xây dựng là 9 HTX; hoạt động trên lĩnh vực tín dụng là 59 HTX, thương mại là 38 HTX; hoạt động trên lĩnh vực vận tải là 40 HTX; hoạt động trên lĩnh vực môi trường là 5 HTX và 603 HTX hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi, tiêu thụ nông sản, đánh bắt, nuôi trồng hải sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng các loại hình tổ chức KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN còn thấp so với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Nhiều HTX yếu về năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản trị hạn chế; chưa minh bạch về vốn góp và tài chính; thiếu thông tin và khả năng tiếp cận nguồn lực thị trường, công nghệ lạc hậu, khả năng xúc tiến thương mại còn hạn chế, tỷ lệ và doanh thu từ dịch vụ dùng chung trong nội bộ HTX còn thấp. KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN tuy đóng góp cao hơn nhiều HTX nông nghiệp nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm, đóng góp cho địa phương mới chỉ đạt 15% - 25% tổng sản lượng hoặc giá trị; phát triển chưa đều ở các địa phương và các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh; chưa thu hút nhiều thành viên tham gia.
Về mục tiêu phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN đến năm 2030: Phấn đấu số lượng các loại hình KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN tăng trưởng từ 10% - 16%/năm; cả nước có khoảng 250.000 THT, 26.000 HTX, 70 LHHTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 5 triệu lao động thường xuyên; thu hút hầu hết hộ cá thể ở nông thôn và khoảng 30% hộ cá thể thành thị tham gia HTX, THT lĩnh vực PNN. Hầu hết cán bộ quản trị, điều hành HTX và ban kiểm soát HTX có trình độ đại học, cao đẳng; các thành viên và người lao động được phổ biến kiến thức và đào tạo nghề. 60% số HTX, LHHTX và 40% số THT trong lĩnh vực PNN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản trị và sản xuất kinh doanh; 50% số HTX, LHHTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ…
Sau 10 năm Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, đã có tác động đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX, cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19, từ cuối năm 2019 đến nay, làm cho thu nhập của HTX giảm mạnh, đời sống người lao động, thành viên HTX gặp nhiều khó khăn. Hơn 90% HTX giảm doanh thu và lợi nhuận; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm hơn 50% tổng số lao động, nhưng nhìn chung giai đoạn 2013-2021, khu vực kinh tế tập thể, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp tiếp tục đảm bảo duy trì phát triển ổn định. Số lượng HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) lĩnh vực phi nông nghiệp tăng hằng năm, đa dạng về loại hình và lĩnh vực hoạt động, phát triển đều khắp ở các địa phương. Ước tính đến 31/12/2021 cả nước có 9.316 HTX; 16 liên hiệp HTX; 44.226 THT phi nông nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và HTX đã trình bày tham luận về những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất một số giải pháp để thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 13 và Luật HTX năm 2012 trong thời gian tới.
Tiếp tục xác định vai trò quan trọng của khu vực KTTT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế tập thể và HTX là thành phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời, đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá cao kết quả đạt được trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục xác định vai trò quan trọng của khu vực KTTT trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời, tiếp tục thống nhất nhận thức về quan điểm phát triển KTTT phải theo đúng bản chất là tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, phục vụ thành viên là chính và tách bạch với mô hình doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản thi hành Luật HTX 2012. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp. Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đảm bảo phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác tổ chức thi hành Luật Hợp tác xã. Đặc biệt, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác phải giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
H.B