Các khách mời tham dự tọa đàm - Ảnh: VGP
Ngày
14/8, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát
triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức", với sự tham
dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp.
Kinh tế số, thương mại điện tử len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống
Tại
tọa đàm, nhấn mạnh thương mại điện tử là một trong những động lực lớn,
quan trọng nhất để phát triển kinh tế số, PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Vụ
trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) cho hay, tính đến hết
năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15-17% trong
tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam có trên
14 triệu cửa hàng, 9.000 chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang
phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. Từ tốc độ tăng
trưởng của hoạt động thương mại điện tử, mục tiêu doanh thu thương mại
điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.
Trong
khi đó TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, chưa bao
giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ
số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc
sống, từ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay, tạo ra hàng
triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp.
Đặc biệt, việc giám sát
tốt hơn đối với hoạt động thương mại điện tử, giúp đóng góp cho ngân
sách từ kinh tế số ngày càng cao. Riêng năm 2023, doanh thu của thương
mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000
tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thương mại điện tử, hay kinh tế
số còn nhiều điểm cần lưu ý khi việc thu hẹp khu vực thương mại truyền
thống, khu vực bán lẻ có thể tạo ra những tác động không mong muốn, do
đó, cần quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bị bỏ lại
phía sau; xử lý hiệu quả các tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng.
Từ
góc độ một sàn thương mại điện tử, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam
Trần Tuấn Anh cho biết, trong những cuộc khảo sát thị trường, Shopee
nhận thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam có một số thử thách về tiếp cận
thị trường thương mại điện tử; xu hướng thay đổi nhanh chóng của người
tiêu dùng…
Ở Việt Nam, Shopee đã có những chính sách hỗ trợ các
doanh nghiệp tiếp cận với thương mại điện tử một cách dễ dàng hơn thông
qua các khóa huấn luyện kỹ năng, sử dụng công cụ, cách thức, cơ chế vận
hành phù hợp với thương mại điện tử, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển
tốt hơn và bền vững hơn.
Tuy nhiên, trước tốc độ sáng tạo, sự thay
đổi trên thế giới cũng như tại Việt Nam về thương mại điện tử, công
nghệ, Shopee mong muốn các cơ quan chức năng có những điều chỉnh về
chính sách, cơ chế hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận,
tạo ra những sản phẩm, phương thức kinh doanh thương mại điện tử mới,
phát triển tốt hơn, bền vững hơn.
Tận dụng cơ hội lớn từ thương mại điện tử xuyên biên giới
Tới
đây, một trong những hướng phát triển quan trọng của thương mại điện tử
ở Việt Nam là gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy hiệu quả của những mắt
xích trong chuỗi cung ứng.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử
và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho rằng, từ phía Nhà nước,
cần có những chính sách để gắn kết chuỗi cung ứng trong thương mại điện
tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối. Đây là những
việc Bộ Công Thương đã làm trong giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục làm
trong thời gian tới.
"Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên
kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định
được những địa phương nào có những ưu thế về sản phẩm, hàng hoá,
logistics, hoặc tổ chức kho hàng để có thể tối ưu hoá hiệu quả của chuỗi
cung ứng", bà Lại Việt Anh cho hay.
Đáng chú ý, các khách mời đều
cho rằng, Việt Nam có dư địa, tiềm năng rất lớn về thương mại điện tử
xuyên biên giới. Một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên
biên giới cho thấy, năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt
hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện
tử cũng như Nhà nước.
Theo bà Lại Việt Anh, định hướng kế hoạch
phát triển thương mại điện tử trong 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang
tham mưu trình Chính phủ là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in
Vietnam" ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh, đặc biệt là hỗ
trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị
trường toàn cầu.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Vụ Kinh tế số và Xã hội
số (Bộ TT&TT) cũng cho rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới
hiện nay đang có những cơ hội phát triển rất lớn, tận dụng lợi thế ở gần
với thị trường Trung Quốc.
Thời gian qua, các doanh nghiệp công
nghệ số Việt Nam đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết
nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, như Amazon,
Alibaba, Timo... để các sản phẩm, hàng hóa khi lên sàn thương mại điện
tử của Việt Nam cũng sẽ tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại
điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán
cũng như nhà sản xuất.
"Tôi hoàn toàn thống nhất với kế hoạch
thương mại điện tử của Chính phủ sắp tới sẽ đặt vấn đề thương mại điện
tử xuyên biên giới là một cơ hội lớn để chúng ta xuất khẩu hàng hóa
xuyên biên giới", PGS.TS. Trần Minh Tuấn bày tỏ.
Dữ liệu - sức sống của thương mại điện tử
Cũng
tại tọa đàm, các khách mời đều cho rằng, để thương mại điện tử phát
triển bền vững cần phải cân bằng tất cả các yếu tố tham gia thị trường,
từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ,
doanh nghiệp nội địa, giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thương mại,
giữa người bán hàng và người tiêu dùng…
Hiện nay, dữ liệu không
chỉ là sức sống của kinh tế số, của thương mại điện tử, mà nó cũng sẽ là
một trong những chìa khoá cho việc triển khai thực thi pháp luật về
thương mại điện tử thời gian tới.
Do đó, cần những nỗ lực mạnh mẽ
hơn nữa trong việc kết nối dữ liệu giữa những cơ quan quản lý nhà nước
và các chủ thể độc lập được điều chỉnh bởi pháp luật, giữa cơ quan thuế,
cơ quan hải quan, Bộ TT&TT, Bộ Công Thương và những nền tảng thương
mại điện tử lớn.
Trong đó, TS. Võ Trí Thành nêu 3 vấn đề
lớn cần xử lý trong hoàn thiện thể chế. Trước hết là khung pháp lý ứng
xử với dữ liệu, bởi đây là nguồn lực mới, một nhân tố sản xuất mới và
toàn bộ các hoạt động, dù là công nghệ hiện đại đến đâu thì đều dựa trên
dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn (Big data).
Thứ hai là các nền tảng
kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan,
cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có.
Thứ ba là tuân
thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển
hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính.
"Thương mại điện tử hay
kinh tế số nói chung là sự kết hợp sao cho nhuần nhuyễn nhất giữa kinh
tế thực, dòng chảy của hàng hóa dịch vụ với dòng chảy của thông tin,
dòng chảy của dữ liệu và dòng chảy của tài chính", TS. Võ Trí Thành nói.
Hoàng Giang