Triển khai Chiến lược tổng thể Quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Hôm nay (7/7/2025), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 544/KH-UBND thực
hiện Nghị quyết số 147/NQ-CP ngày 22/5/2025 của Chính phủ về Chiến lược tổng
thể Quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.
100% địa bàn cấp xã trọng điểm về các đe dọa an ninh phi truyền thống
được bố trí hệ thống theo dõi, giám sát
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh đặt mục
tiêu đến năm 2030, toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, toàn dân được
tuyên truyền, giáo dục, nhận diện về các đe dọa an ninh phi truyền thống và
nhận thức rõ trách nhiệm, quán triệt tốt phương châm “ba chủ động”, “bốn tại
chỗ” trong phòng ngừa, ứng phó.
Năm 2026, hoàn thành việc rà soát
hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phòng ngừa, ứng phó với các
đe dọa an ninh phi truyền thống. Trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung các văn bản
pháp luật quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn trong từng ngành, lĩnh vực làm cơ sở
xác định cấp độ, mức độ và cơ chế phòng ngừa, ứng phó. Hoàn thành bộ chỉ số an
ninh, an sinh, an toàn phù hợp với tính chất địa bàn tỉnh làm cơ sở xác định
cảnh báo và tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó.
100% địa bàn cấp xã trọng điểm về
các đe dọa an ninh phi truyền thống được bố trí hệ thống theo dõi, giám sát và
cảnh báo sớm trong các lĩnh vực: Địa chất, biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn
nước, năng lượng, y tế và phòng, chống tội phạm. Thu thập cơ sở dữ liệu
liên quan các đe dọa an ninh phi truyền thống trên địa bàn phục vụ việc hình
thành Trung tâm Dữ liệu quốc gia hướng đến hệ thống dữ liệu liên thông, đầy đủ,
đồng bộ cả về chiều dọc (từ Trung ương xuống địa phương) và chiều ngang (liên Bộ,
liên ngành).
Các lực lượng tham gia phòng
ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống được kiện toàn tổ chức,
có năng lực phòng ngừa, ứng phó, trang bị phương tiện hiện đại, được huấn
luyện, diễn tập sát thực tế và bảo đảm khả năng hoàn thành nhiệm vụ…
Tầm nhìn đến năm 2045 toàn
bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh và toàn dân được phổ biến, nhận diện rõ
các đe dọa an ninh phi truyền thống, có năng lực và thái độ chủ động phòng
ngừa, ứng phó với các đe dọa này. Xây dựng được hệ thống các chính sách về
phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đầy đủ, khả thi, minh
bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với cơ chế thực thi nghiêm minh, nhất quán, tạo cơ
sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng ngừa, ứng phó. Năng lực dự báo,
cảnh báo sớm các đe dọa an ninh phi truyền thống theo đúng tiêu chí quy định.
Xây dựng cơ sở đội ngũ chuyên gia và hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hệ thống dữ
liệu liên thông, đầy đủ, đồng bộ, cập nhật đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, ứng phó
trong mọi tình huống…
Để thực hiện các mục tiêu trên,
UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp: Hình thành cơ chế điều hành, quản
lý công tác phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; hoàn
thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với các đe
dọa an ninh phi truyền thống.
Nâng cao năng lực dự báo chiến
lược, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, kiểm soát rủi ro để chủ
động phòng ngừa, ứng phó, thích ứng với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Đẩy
mạnh phát triển bền vững, tạo thế và lực vững chắc, huy động sức mạnh tổng hợp,
toàn diện, toàn dân, xã hội hóa, tận dụng mọi nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó
với các đe dọa an ninh phi truyền thống.
Tăng cường công tác thông tin,
truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức
tập huấn, diễn tập các kịch bản phòng ngừa, giảm nhẹ, cứu trợ, phục hồi, tái
thiết và phát triển trong trường hợp, tình huống cụ thể. Chú trọng nâng cao
kiến thức, trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tham gia phòng ngừa, ứng phó
với các đe dọa an ninh phi truyền thống.
Đẩy mạnh chuyển đổi số kết hợp
với nghiên cứu phát triển, nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ
hiện đại trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Tăng
cường phối hợp với các Bộ, ngành trung ương trong hợp tác quốc tế trong phòng
ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống…
Xây dựng lực lượng dự bị sẵn sàng tham gia ứng phó các tình huống đe dọa
an ninh Quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh giao Công
an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan ban hành
theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện cơ chế,
chính sách và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa
an ninh phi truyền thống theo lĩnh vực được giao. Hướng dẫn các Sở, ban,
ngành, địa phương xây dựng lực lượng dự bị sẵn sàng tham gia ứng phó các tình
huống đe doạ an ninh Quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp
luật.
Chỉ đạo lực lượng Công an các đơn
vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa thiên
tai, dịch bệnh; bảo đảm an ninh mạng; phòng, chống khủng bố; phòng, chống, tội
phạm xuyên Quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ... đáp ứng yêu cầu phản ứng nhanh, chính xác, hiệu lực, hiệu
quả.
Chủ trì nghiên cứu âm mưu, thủ
đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thảm họa, sự cố đe
dọa an ninh phi truyền thống gây ra để chống phá Đảng, Nhà nước; trao đổi thông
tin với các Sở, ban, ngành, địa phương phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao
nhận thức cho Nhân dân chủ động phòng, chống. Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ
huy Quân sự tỉnh, các Sở, ban, ngành rà soát, thống nhất đề xuất đầu tư phát
triển các sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng phục vụ phòng ngừa, ứng phó
với các đe dọa an ninh phi truyền thống.
Chủ trì xây dựng kịch bản khung
lĩnh vực an ninh mạng; phòng, chống tội phạm xuyên Quốc gia; phòng, chống khủng
bố; tình huống đa khủng hoảng và hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương cụ thể hoá
các kịch bản trên (hoàn thành trước năm 2030). Phối hợp với các Sở, ban, ngành,
địa phương xây dựng và cụ thể hóa các kịch bản khung ứng phó với đe dọa an ninh
phi truyền thống các lĩnh vực khác để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Sở,
ngành và đặc trưng của địa phương.
Phối hợp các Sở, ban, ngành xây
dựng nội dung, chương trình giáo dục, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức
phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống cho lực lượng nòng
cốt, cán bộ, đảng viên, công chức, học sinh, sinh viên và toàn dân trên lĩnh
vực được phân công. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp phục vụ phòng
ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống trong hệ thống cơ sở dữ
liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên
giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông
tấn, báo chí, các Sở, ngành và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng
rãi Chiến lược, Kế hoạch này…
PT (Tổng hợp)