UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 762/KH-UBND ngày 7/12, về việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Mục tiêu của Chương trình là nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chăn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm; tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm
Theo đó, để thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm. Trong đó, phấn đấu ít nhất 80% số xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; tăng cường công tác thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ít nhất 80% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, ít nhất 70% người lao động trong các khu công nghiệp, 80% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại hoc và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng chống tệ nạn mại dâm.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở với mục tiêu 100% các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm; 100% các huyện, thành, thị xã lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống, tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm. Trong đó, phấn đấu 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời; hàng năm xử lý kịp thời số tội phạm liên quan đến mại dâm theo quy định của pháp luật, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm; tổ chức kiểm tra ít nhất 40% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; đến năm 2025, 100% các cơ sở được kiểm tra ít nhất một lần.
Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm với các mục tiêu cụ thể: Ít nhất 20% địa bàn huyện, thành, thị xây dựng, triển khai mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong cơ sở sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm; ít nhất 70% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, các sở, ngành, đơn vị đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm. Phấn đấu ít nhất 70% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ cấp tỉnh và 50% ở cấp huyện, xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mại dâm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phòng chống mại dâm; thực hiện các can thiệp giảm hại; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả phòng chống mại dâm
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh cũng đề ra các giải pháp thực hiện như: Các cơ quan, đơn vị hoàn thành về cơ chế, chính sách. Trong đó, rà soát đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, biện pháp về phòng, chống mại dâm, chú trọng đến các yếu tố về văn hóa, phong tục tập quán, trình độ nhận thức của từng bộ phận dân cư. Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tệ nạn mại dâm thuộc phạm vi quản lý… Các cấp ủy Đảng phải đưa chương trình phòng, chống mại dâm vào văn kiện, nghị quyết và chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả phòng chống mại dâm ở địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp về công tác phòng, chống mại dâm, yêu cầu UBND báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp; đưa công tác phòng, chống mại dâm là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các sở, ban ngành tăng cường hơn nữa việc bố trí kinh phí của Nhà nước cho công tác phòng chống mại dâm, nhất là để thực hiện các hoạt động trọng điểm, ưu tiên; đẩy mạnh xã hội hóa; huy động tổ chức xã hội; tổ chức dựa vào cộng đồng. Chủ động, tích cưc hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm trẻ em để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các cá nhân, tổ chức quốc tế.
Để thực hiện tốt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, hướng dẫn và triển khai các nội dung của Kế hoạch; nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách, biện pháp về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường đấu tranh, triệt phá ổ, nhóm đường dây, tổ chức tội phạm liên quan đến mại dâm, đặc biệt chú trọng đến các loại tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm trẻ em.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hoạt động chống mại dâm và phòng, chống mua bán người ở khu vực biên giới; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới, vùng biển, đặc biệt khu vực cửa khẩu, cảng biển…
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ liên quan; UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của kế hoạch theo tình hình cụ thể của đơn vị, địa phương.
T.H (tổng hợp)