image banner

Tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất tiêu thụ xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu

Ngày 13/5/2025, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4105/UBND-KT giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các đơn vị có liên quan chủ động triển khai thực hiện và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 9/5/2025 về việc tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất tiêu thụ xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.

Anh-tin-bai
Nông dân xã Nam Cát, huyện Nam Đàn liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa, bao tiêu sản phẩm.(Ảnh ST)

 

Để chủ động ứng phó với các tác động từ bất ổn thương mại, bảo đảm ổn định sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, tại Công điện số 59/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến thương mại toàn cầu, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp phù hợp, hiệu quả để chủ động ứng phó với những thách thức do bất ổn thương mại; cung cấp thông tin kịp thời để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ động có các giải pháp chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với chính sách nhập khẩu, chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu nhằm ổn định sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm để bảo đảm nguồn cung đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, đồng thời phục vụ xuất khẩu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp phù hợp để bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, bền vững. 

Cùng với đó, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường để chủ động thích ứng linh hoạt với biến động, nhu cầu mới của thị trường; đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, nhất là đối với các ngành hàng có nguy cơ lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ cao. 

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, đưa vào sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ bảo quản, chế biến sâu, nhất là đối với những mặt hàng có giá trị cao (như tôm, cá tra, trái cây tươi) để chuyển từ xuất khẩu thô sang các sản phẩm tinh chế, đồ hộp phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp… 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất và tiêu thụ nông lâm thủy sản trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường kiểm tra, phòng chống gian lận, đội lốt xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng; quản lý chặt chẽ việc sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, khắc phục tình trạng sử dụng hóa chất có hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hàng nông sản Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp gian lận xuất xứ, lợi dụng ép giá, thông tin nhiễu loạn, thao túng gây mất ổn định thị trường; chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh môi trường, lương thực, thực phẩm tại địa phương mình. 

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo dõi sát thông tin diễn biến thương mại toàn cầu, nhất là chính sách thuế quan của một số thị trường truyền thống để điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với biến động của thị trường; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống kho lạnh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản nông sản, xây dựng thương hiệu; thường xuyên nắm bắt chủ trương nhập khẩu nông sản của các nước, tránh để bị động, bất ngờ trước các biến động chính sách của quốc gia nhập khẩu; tăng cường mua dự trữ nông sản, thủy sản, nhất là trong thời điểm thu hoạch rộ để hỗ trợ tiêu thụ cho người dân và phục vụ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm… 

H.B (tổng hợp)

Tin liên quan
 
12345678910...

Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 

Liên hệ

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 Điện thoại: 02383.557.565

 Email: banbientap@nghean.gov.vn

 fb.com/congthongtindientutinhnghean

 Đăng nhập