Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nóng vội khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương cấp huyện và cấp xã trong toàn tỉnh diễn ra sáng nay (17/9), Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, nóng vội; phải hết sức trách nhiệm, tâm huyết với tinh thần kịp thời, quyết liệt đồng bộ và dựa vào dân để chúng ta thực hiện thắng lợi cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và tỷ lệ tiêm xắc xin trên địa bàn tỉnh còn thấp.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 cùng chủ trì hội nghị
Tình hình dịch cơ bản được kiểm soát
Tính từ đầu mùa dịch (làn sóng dịch thứ tư) đến 7h00 ngày 17/9/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.805 người nhiễm COVID-19 tại 21 địa phương. Riêng từ ngày 14/8/2021 đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 1.327 ca nhiễm mới.
Đến giữa tháng 9/2021, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát; phân loại theo các nhóm nguy cơ. Trong thời điểm hiện tại, nhóm nguy cơ cao gồm thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Quế Phong; nhóm nguy cơ vừa gồm Thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên; nhóm bình thường gồm các huyện Đô Lương, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh báo cáo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh
Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã tiêm cho 178.276 người (khoảng 5,09% dân số), trong đó có 70.143 người tiêm 02 mũi (khoảng 2% dân số).
Công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành quan tâm để người dân có cuộc sống ổn định. Tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 10/12 chính sách thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tổng số đối tượng hỗ trợ 6 đợt là 2.256 lượt đối với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 4.350,140 triệu đồng. Số tiền đã chi trả đến người dân và người lao động là hơn 400 triệu đồng.
Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các phương án tổ chức dạy học và kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục theo đúng kế hoạch năm học 2021 - 2022.
Thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã tích cực phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã chủ động chỉ đạo thực hiện các phương án bảo đảm sản xuất, thu hoạch vụ hè thu; phối hợp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội trên diện rộng đã gây ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nguồn lực bảo đảm cho công tác phòng chống dịch còn khó khăn, hạn hẹp.
Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu lãnh đạo các phường, xã, huyện, thành, thị đang có dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ cao báo cáo việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch như: Phường Bến Thủy (TP Vinh), địa phương vừa phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong ngày hôm qua; xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu), nơi đứng chân Bệnh viện Đa khoa Minh An là ổ dịch lớn làm lây lan dịch trên địa bàn huyện...
Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ định lãnh đạo xã Sơn Thành (huyện Yên Thành), lãnh đạo huyện Thanh Chương chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý trong công tác phòng, chống dịch để sớm đưa địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới”; lãnh đạo xã Hưng Lộc, thành phố Vinh báo cáo việc quản lý đảm bảo công tác phòng chống dịch tại chợ Cọi – chợ đầu tiên được thành phố Vinh chọn làm thí điểm cho phép mở hoạt động trở lại. Qua báo cáo, lãnh đạo các địa phương cũng đã đề xuất một số vấn đề đề nghị Ban Chỉ đạo quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch nhất là vấn đề về hỗ trợ nguồn lực; phân bổ vắc xin tiêm phòng COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đề nghị cần thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng dịch và khôi phục lại hoạt động sản xuất
Các vấn đề liên quan đến triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức, hoạt động tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh; việc mở lại các chợ dân sinh; việc cung ứng hàng hóa và bình ổn giá; việc triển khai dạy - học trực tuyến, trực tiếp; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian các địa phương thực hiện cách ly, giãn cách xã hội... được lãnh đạo các sở, ngành chức năng báo cáo cụ thể tại hội nghị.
Kiểm soát tốt nguồn lây bên trong và bên ngoài, sớm đưa toàn tỉnh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nguyễn Đức Trung ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trong công tác phòng chống dịch và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch trong thời gian qua và sớm chuyển toàn bộ địa bàn tỉnh Nghệ An sang thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Trước hết, phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây bên trong và bên ngoài. Đối với các nguồn lây bên trong, các địa phương cần phải phối hợp với ngành Y tế để truy tìm F0 tại các điểm công cộng có nguy cơ lây nhiễm cao như chợ dân sinh, chợ đầu mối, siêu thị, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp.
Đối với việc ngăn chặn nguồn lây bên ngoài, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần phải kiểm soát chặt những người trở về địa phương, nhất là tại các điểm chốt trên Quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh. Cần phải hết sức thận trọng trong việc quản lý các phương tiện được cấp thẻ luồng xanh, tránh việc lợi dụng Thẻ xanh để vận chuyển trái phép. Cùng với đó, quản lý chặt di biến động dân cư trên địa bàn đối với từng hộ gia đình, thực hiện việc ký cam kết để quản lý chặt, giữ và duy trì được sự ổn định trên địa bàn.
Tại các địa điểm vào cửa ngõ tỉnh cần phải kiểm soát chặt các dòng phương tiện di chuyển vào tỉnh, trên tinh thần tạo điều kiện nhưng không chủ quan lơ là mà phải có kiểm soát chặt, bố trí và yêu cầu các phương tiện phải tuân thủ nghiêm quy định dừng, đỗ. Các điểm chốt trên địa bàn huyện, thị xã không được phép gây ra ách tắc, không làm khó khăn trong việc di chuyển của người dân, tùy vào diễn biến tình hình để đưa ra các biện pháp phù hợp tại các chốt.
Các địa phương tùy vào tình hình để tổ chức phân vùng nguy cơ theo mức độ, triển khai từng biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt nơi xuất hiện ca Dương tính thì thực hiện ngay việc khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly, xác định thu hẹp khu vực phong tỏa để tổ chức ngăn chặn dịch; tổ chức bảo vệ giữ cho vùng xanh an toàn để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Các địa phương tiếp tục rà soát và chuẩn bị các điều kiện để chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi mới chiếm 2% tổng dân số trên địa bàn tỉnh, do đó, đề nghị các địa phương căn cứ vào quy định và tình hình thực tiễn của các nhóm đối tượng để có sự ưu tiên phù hợp; đồng thời, phải có phương án để triển khai tổ chức tiêm khi được phân bổ lượng lớn vắc xin đảm bảo an toàn, hoàn thành sớm.
Trong công tác tuyên truyền, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thực hiện kết hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức ý thức của người dân và đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch.
Song song với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện các nhiệm vụ giải pháp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn của địa bàn đảm bảo an toàn, từng bước đưa các hoạt động trở lại bình thường. Cùng với đó, quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội nhất là giải quyết việc làm cho các trường hợp lao động trở về từ các tỉnh, thành phía Nam; cần phân loại nhóm đối tượng lao động để có biện pháp kết nối với cơ sở sản xuất, các nhà máy, dự án sản xuất trên địa bàn có nhu cầu lao động.
Không được chủ quan, lờ là, nóng vội

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định với sự kết nối hơn 463 điểm cầu từ 2 điểm cầu của tỉnh đến huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn với hơn 7 nghìn đại biểu tham dự là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, điều đó cho thấy tầm quan trọng của hội nghị; sự nghiêm túc trong việc tham gia hội nghị, các ý kiến phát biểu cho thấy quyết tâm trong công tác chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Với sự tái xuất hiện ca Dương tính tại Chợ Đầu mối vào ngày 14/8 đã làm cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trở nên cam go, căng thẳng nhất từ khi có dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nguồn lây bệnh rất phức tạp từ chợ Đầu mối, chợ dân sinh, bệnh viện và kể cả trong trường hợp làm lây lan đến các cơ sở sản xuất; các trường hợp lây bệnh từ các tỉnh, thành trở về. Trong đó, có nhiều trường hợp F0 trong cộng đồng không xác định được nguồn lây. Do đó, làm cho việc lây lan dịch bệnh trên địa bàn rất nhanh, có ngày ghi nhận hơn 100 ca, bình quân mỗi ngày gần 42 ca. Dịch bệnh xuất hiện trên tất cả các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh.
Trước tình hình cam go, căng thẳng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt, đến thời điểm này cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Số ca nhiễm mỗi ngày giảm sâu, nhiều địa phương trong nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, trở về trạng thái bình thường mới.
Để có kết quả đó, theo Bí thư Tỉnh ủy có nhiều yếu tố, trong đó, có 2 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là công tác điều hành. Trong công tác điều hành thực hiện theo tinh thần xuyên suốt, thống nhất và dứt khoát, có nhiều giải pháp mạnh, biện pháp cao, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, nguồn lực. Qua thực tiễn công tác phòng, chống dịch cho thấy quyết sách của tỉnh là đúng, trúng và hiệu quả.
Đi cùng với đó là vai trò quan trọng không kém là sự đồng thuận, ủng hộ tham gia tích cực của người dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, người dân đã nắm chắc, hiểu rõ, ý thức, trách nhiệm cùng cấp ủy, chính quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Thay mặt cho cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các lực lượng tham gia phòng chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến – y tế, công an, quân sự, tình nguyện viên. Đồng thời, trân trọng cảm ơn nhân dân đã luôn sát cánh, đồng lòng, ủng hộ chính quyền phòng chống dịch trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Bí thư Tỉnh ủy thẳng thắn chỉ rõ công tác phòng, chống dịch đã tiêu tốn rất nhiều công sức, nguồn lực của các lực lượng, các địa phương, toàn tỉnh để tham gia cuộc chiến này. Từ 14/8 đến nay đã tiêu tốn hơn 135 tỷ đồng; hàng chục xã phải cách ly y tế, cách ly xã hội; huy động hàng chục nghìn y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội, các tình nguyện viên, hàng trăm nghìn cán bộ khối, xóm, thôn bản tham gia chống dịch; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội bị ngừng trệ. Bên cạnh đó, một số trường hợp cán bộ xã đã bị kỷ luật do lơ là thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch.
Đặt câu hỏi tại sao phải tốn kém, phải trả giá như trong thời gian chống dịch vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng do chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; nóng vội muốn nhanh chóng quay lại trạng thái “bình thường mới” mà thiếu sự chuẩn bị trong khi diễn biến dịch trong nước, khu vực vẫn hết sức phức tạp. Chính vì vậy, hội nghị lần này có ý nhắc nhở các địa phương để không đánh mất thành quả trước đó, nếu vẫn tiếp tục chủ quan, lơ là và nóng vội, cuộc chiến chống dịch sẽ tiếp tục rất khó khăn, cam go, mệt mỏi và cạn kiệt. Đây là bài học sâu sắc để bảo vệ thành quả chống dịch và duy trì trạng thái bình thường mới lâu dài, khôi phục sản xuất phát triển kinh tế xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành, các địa phương cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không nóng vội; phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi chuyển sang thực hiện trạng thái “bình thường mới”. Việc phòng dịch một đồng hiệu quả còn hơn bỏ ra hàng triệu đồng để chạy theo chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương cần phải thực hiện quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phòng dịch phải từ xa, từ sớm và từ cơ sở; mỗi làng xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Xem xét thật kỹ lưỡng, chi tiết hoạt động nào, nội dung nào đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch mới cho phép trở lại hoạt động. Cùng với đó, quản lý tốt di biến động dân cư, lưu trú, cư trú, các trường hợp ra vào địa bàn; khuyến khích thực hiện cơ chế thưởng, phạt kịp thời để nâng cao trách nhiệm, động viên những người dân tham gia tốt công tác phòng, chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Trung tâm Chỉ huy nghiên cứu phương án để hướng dẫn việc xét nghiệm ngẫu nhiên trong vùng Xanh, các cơ quan, cơ sở sản xuất, các cụm dân cư để phòng từ xa, từ sớm; tổ chức tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, đúng đối tượng, đúng tiến độ tránh tình trạng lộn xộn, tiêu cực trong tổ chức tiêm phòng.
Khi trở về trạng thái bình thường mới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục duy trì trạng thái phòng, chống dịch ở mức cao, hết sức nghiêm, không thể nới lỏng nhất là về tinh thần chỉ đạo. Người đứng đầu cấp ủy, địa phương các cấp cần phải chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ, phòng chống dịch; tổ chức ký cam kết cụ thể trong toàn dân về công tác phòng chống dịch; cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch để làm gương cho cộng đồng noi theo.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo phải chịu trách nhiệm đối với địa bàn được giao nhiệm vụ phụ trách. Việc gắn trách nhiệm này được thực hiện ở các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát đến từng cơ sở với phương châm “Thành phần kiểm tra gọn, địa bàn kiểm tra rộng, đối tượng kiểm tra đa dạng”. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện tồn tại, bất cập cần phải có giải pháp mạnh để kịp thời chấn chỉnh ngay. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tiến tới việc thay thế cán bộ nếu không triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn quản lý.
Một trong những yếu tố quyết định hàng đầu trong bối cảnh bình thường mới, ngăn không cho dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm đó là dựa vào ý thức, trách nhiệm và sự đồng hành của người dân. Chính vì vậy, cần phải tổ chức cung cấp thông tin cho người dân kịp thời, chính xác, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phải có thưởng, phạt kịp thời và đấu tranh phản bác các luồng thông tin xấu độc. Mọi người dân đều nắm được các kỹ năng cơ bản để phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; không để một người dân nào ngoài guồng cuộc chiến phòng, chống dịch, nếu có trường hợp đứng ngoài.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát để củng cố vững chắc phương châm 4 tại chỗ; cần quan tâm động viên kịp thời lực lượng tuyến đầu để tái tạo sức lao động của lực lượng này; tăng cường tiết kiệm để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian dài. Luôn quan tâm, chủ động để đảm bảo an sinh xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; tiếp tục kêu gọi để chung tay chia sẻ, không ai bị thiếu ăn trong giai đoạn này.
Cùng với phòng, chống dịch, lúc này cũng cần phải mở ra hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn khi trở lại trạng thái bình thường mới. Các địa phương tùy vào tình hình thực tiễn để có biện pháp cao hơn, nghiêm hơn nhằm tạo điều kiện cho hoạt động này nhất là nghiên cứu để có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Việc chốt chặn trên quốc lộ 1A, Bí thư Tỉnh ủy đồng tình với phương án làm chặt, làm nghiêm như niêm phong ca bin, niêm phong xe như ở một số tỉnh, thành khác nếu cung đường di chuyển dài có thể bố trí một điểm dừng chân song phải có sự kiểm soát chặt. Nếu người dân phát hiện được trường hợp phương tiện nào dừng đỗ sai quy định thì thưởng cho người dân đó.
Kết thúc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng chúng ta sẽ bảo vệ được vùng xanh an toàn, triển khai xây dựng được “pháo đài” rất vững chắc từ thôn, xóm, khối, bản, xã, phường, thị trấn, các cơ quan, xí nghiệp không để cho dịch COVID-19 xâm nhập vào pháo đài của chúng ta. Để được như vậy, đề nghị chúng ta phải hết sức trách nhiệm, hết sức tâm huyết với tinh thần kịp thời, quyết liệt đồng bộ và dựa vào dân để chúng ta thực hiện thắng lợi cuộc chiến phòng chống COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và tỷ lệ tiêm xắc xin còn thấp.
Phan Quỳnh - T. Huyền