Tiếp tục chương trình làm việc
tại kỳ họp thứ 31, sáng nay (10/7), HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời
chất vấn tại hội trường. Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực
Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch
HĐND tỉnh chủ trì Kỳ họp.
Quang
cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh Thương Huyền
Kỳ họp này tiến hành chất vấn 2 nội dung gồm: Việc thực hiện các cơ chế,
chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
(PCI) đối với Giám đốc Sở Tài chính. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động
sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn
trên địa bàn tỉnh đối với Giám đốc Sở Công thương.
Các
đồng chí điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh
Thương Huyền
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm
vụ chung của cả hệ thống chính trị, có ý nghĩa quan trọng trong thu hút đầu tư
và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Đại
biểu Nguyễn Đức Hồng (Tổ đại biểu số 8) đề nghị cho biết tỉnh có giải pháp nào tạo
sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Ảnh Thương Huyền
Đối với nội dung “Việc thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi
trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn
chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)” nhận được 14 câu hỏi của các đại biểu băn khoăn khi
chỉ số thời gian thực hiện năm 2024 sụt giảm, đề nghị nêu nguyên nhân và giải
pháp để tăng thứ bậc này trong thời gian tới; những khó khăn, thách thức và
phương hướng, giải pháp trong nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao
chỉ số PCI khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp để đạt kết quả bền vững
nhất…
Các đại biểu cũng băn khoăn về thời gian giải quyết các thủ tục hành
chính (TTHC) cho các doanh nghiệp hiện còn mất nhiều thời gian, nhất là TTHC liên
quan đến đất đai còn rườm rà; còn hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho
các doanh nghiệp. Làm rõ tiến độ và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW
của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; trong đó có
nhóm chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân kinh tế tư nhân hàng năm…
Giám
đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải đăng đàn trả lời nội dung chất vấn. Ảnh Thương
Huyền
Đăng đàn trả lời nội dung chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải khẳng
định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ chung của cả hệ thống
chính trị, có ý nghĩa quan trọng trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển
kinh tế – xã hội của tỉnh. Việc đánh giá mức độ cải thiện được thực hiện thông
qua các chỉ số như PAPI, PAR INDEX, SIPAS và đặc biệt là PCI – công cụ phản ánh
hiệu quả điều hành kinh tế của chính quyền đối với khu vực tư nhân, phù hợp với
tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
UBND tỉnh đã triển khai Đề án nâng cao PCI hơn 10 năm với nhiều giải
pháp đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức và cải thiện môi trường đầu tư. Lãnh
đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng về quy hoạch, hạ tầng, đất đai, nhân lực,
thể chế. Nhiều cơ chế đặc thù được Trung ương thông qua, tạo nền tảng thu hút đầu
tư. Cải cách hành chính có tiến bộ rõ rệt, thời gian xử lý TTHC giảm mạnh. Các
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai kịp thời, góp phần ổn định, cải
thiện môi trường đầu tư.
Năm 2024 là năm thứ 19 triển khai công cụ đánh giá năng lực cạnh tranh
cấp tỉnh PCI trên phạm vi cả nước. Năm 2024, chỉ số PCI của Nghệ An đạt 66,48
điểm, xếp thứ 44 cả nước, tăng 0,76 điểm, giữ nguyên thứ hạng so năm 2023, duy
trì thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Trong 10 chỉ số thành phần có 02 chỉ số thành
phần nằm trong top 10 cả nước gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Tiếp cận đất
đai (xếp thứ 7). So với năm 2023, có 04 chỉ số tăng điểm, tăng thứ bậc; 01 chỉ
số tăng điểm, giảm thứ bậc và 05 chỉ số giảm điểm, giảm thứ bậc.
Các
đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Theo Giám đốc Sở Tài chính, hiện nhận thức về PCI, nhất là ở cấp cơ sở còn
chưa đồng đều, ảnh hưởng đến quá trình làm việc với nhà đầu tư và công tác giải
phóng mặt bằng. Tuy tổng điểm PCI của Nghệ An thời gian qua có chuyển biến
nhưng thứ hạng không ổn định và chưa có sự bứt phá rõ nét. Một số chỉ số thành
phần đang có thứ bậc thấp...
Về giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài
chính cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp sau
khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo cấp
uỷ, chính quyền các xã, phường sớm ổn định, đi vào hoạt động có hiệu năng, hiệu
lực, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền tảng dịch vụ
công toàn trình, cho phép người dân thực hiện TTHC hoàn toàn trực tuyến. Đồng
thời, số hóa dữ liệu đầu vào trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, doanh nghiệp,
hình thành hệ thống dữ liệu liên thông, góp phần giảm chi phí, rút ngắn thời
gian xử lý và tạo môi trường đầu tư minh bạch, hiện đại.
Thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất,
kinh doanh bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết,
giảm ít nhất 40% thời gian giải quyết của các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC;
thực thi 100% phương án về phân cấp, ủy quyền thẩm quyền giải quyết TTHC theo
Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ.
Xây dựng và hoàn thiện quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Các quy
trình được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, minh bạch, rõ ràng trách nhiệm của từng
bộ phận, từng công chức tham gia xử lý hồ sơ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin để quản lý, giám sát quy trình xử lý. Ưu tiên bố trí, huy động, sử dụng hiệu
quả nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng
điểm, hạ tầng khu kinh tế và các khu công nghiệp; hoàn thành việc nâng cấp các
tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến liên kết các địa bàn, vùng trọng điểm, mũi trọng
điểm.
“Đây là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh
doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh, qua đó tác động đến sự phát triển kinh tế
– xã hội. Tại kỳ họp, chúng tôi nghiêm túc lắng nghe chất vấn và thực hiện giải
trình các nội dung đại biểu quan tâm với tinh thần cầu thị, trách nhiệm và mong
muốn tiếp tục hoàn thiện hơn trong công tác tham mưu thời gian tới” – Giám đốc
Sở Tài chính cho biết.
Huy động cả hệ thống chính trị
và toàn xã hội với quyết tâm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ",
"xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"
Giám
đốc Sở Công thương Phạm Văn Hoá đăng đàn trả lời nội dung chất vấn. Ảnh Thương
Huyền
Đối với “Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh
doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh”,
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hoá nhận được 18 lượt ý kiến đại biểu nêu câu
hỏi và tranh luận nội dung này.
Đại
biểu Nguyễn Công Văn (Tổ đại biểu số 4) bày tỏ băn khoăn về mức độ kiểm soát
hàng giả hiện nay trên địa bàn; đề nghị đưa ra giải pháp để phòng, chống hàng
giả, hàng kém chất lượng một cách thực chất nhất
Đại
biểu Lê Văn Lương (Tổ đại biểu số 16) bày tỏ băn khoăn việc thu hồi, xử lý,
tiêu huỷ các thực phẩm bẩn, không an toàn, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”,
biến tướng thành sản phẩm khác và tiếp tục lưu thông
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa đã giải trình, làm rõ các nội dung
đại biểu băn khoăn về công tác quản lý đối với tình trạng làm giả hàng nhái
ngày càng tinh vi, khó phân biệt, nhất là có các giải pháp gì chấn chỉnh tình
trạng này tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; công tác kiểm định chất lượng hàng hóa và giám sát, hậu kiểm sau cấp phép của các
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện như thế nào và kết quả phát
hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra sao; công tác thanh tra, kiểm tra quy trình sản
xuất, lưu thông và sử dụng thực phẩm như hiện nay có thực sự sát với thực tế, có đủ sức răn đe chưa…
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa cho biết, năm 2024 và 6 tháng đầu
năm 2025, nhất là trong tháng đấu tranh cao điểm (từ tháng 5/2025-6/2025), với
sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung
ương và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ
đạo và kế hoạch kiểm tra, kiểm soát
phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo từng thời điểm, phù
hợp với diễn biến thị trường và thực tế địa phương. Qua công tác đấu tranh, các
lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra xử phạt hành chính 8.339 vụ,
khởi tố 1.378 vụ/1.857 đối tượng với tổng giá trị thu phạt 393 tỷ đồng. Riêng
triển khai đợt cao điểm đã xử phạt vi phạm hành chính 345 vụ, khởi tố hình sự
02 vụ/09 đối tượng với tổng giá trị thu phạt trên 6 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Công thương, tình hình hoạt động buôn lậu gian lận
thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả, thực phẩm bẩn vẫn còn tiềm ẩn nhiều
diễn biến phức tạp, xuất hiện ở rất nhiều phân khúc của thị trường, nhiều địa
bàn nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Hiệu quả trong công tác đấu
tranh chưa cao. Tổ chức, phối hợp trong quản lý, kiểm tra, thanh tra, chia sẻ dữ
liệu, thông tin giữa các lực lượng thiếu đồng bộ, còn tình trạng bỏ sót, có khoảng
trống… Những điều đó đòi hỏi cần phải quyết tâm hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt
hơn.
Các
đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian tới, để ngăn chặn, đẩy lùi
và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, hàng giả, thực phẩm bẩn trên địa bàn
tỉnh nhằm bảo vệ sản xuất, an ninh, an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân,
sẽ tăng cường công tác chỉ đạo điều hành; huy động cả hệ thống chính trị và
toàn xã hội vào cuộc đấu tranh thường xuyên không ngừng nghỉ với quyết tâm
"không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trên tinh thần thượng tôn pháp
luật, "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Kiện toàn Ban
chỉ đạo 389 tỉnh, thành lập các Ban chỉ đạo cấp xã và xây dựng quy chế phối hợp,
trong đó phân định rõ trách nhiệm, quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan
trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp
với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân đồng hành
trong đấu tranh; phát động phong trào mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc
chiến, đồng thời là một người tiêu dùng thông minh trên thị trường. Kiểm tra
nghiêm ngặt hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu biên giới, cảng biển, sân bay. Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, tăng cường
phối hợp liên ngành, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu để nâng cao hiệu
quả phát hiện, xử lý vi phạm. Nhận diện, nắm chắc tình hình, phương thức, thủ
đoạn hoạt động của các đối tượng; xác định các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng
điểm; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả, trước mắt tập
trung vào hai nhóm chính là thuốc giả và thực phẩm bẩn. Nâng cao chất lượng đội
ngũ lực lượng thực thi công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ,
xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, bao che, tham gia, tiếp tay cho các hành vi
buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, thực phẩm bẩn.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết
Hưng đã giải trình làm rõ rõ hơn những tồn tại, hạn chế và giải pháp để cải thiện
chỉ tiêu đánh giá tính năng động và tiên phong của chính quyền trong thực hiện
chính quyền địa phương 02 cấp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Quốc
Việt trả lời làm rõ về nguyên nhân và giải pháp khắc phục thủ tục hành chính
trong lĩnh vực đất đai còn rườm rà; thực trạng người dân đang lạm dụng thuốc trừ
sâu, thuốc kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi tạo ra các sản phẩm không an
toàn; công tác quản lý chất thải ra môi trường. Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ Nguyễn Quý Linh giải trình làm rõ công tác quản lý nhà nước về quản lý
hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung giải
trình làm rõ có hay không tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm/sữa
không rõ nguồn gốc, bị làm giả, và quảng cáo sai sự thật trên địa bàn tỉnh; giải
pháp về quy trình đấu thầu, nhập khẩu, phân phối lưu hành thuốc tại các cơ sở y
tế, nhất là bệnh viện, nhà thuốc tư nhân…
Các đồng chí chủ trì điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đánh
giá, không khí chất vấn nội dung thứ nhất diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng
thắn và có tính xây dựng cao. Đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn cơ bản
đúng trọng tâm, rõ ràng, làm rõ thực trạng và trách nhiệm, sẵn sàng tranh luận.
Giám đốc các Sở: Tài chính, Công thương đã nắm chắc các vấn đề, lĩnh vực phụ
trách; đã trả lời cơ bản đầy đủ, nhận diện các tồn tại, giải trình khá đầy đủ
các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như
lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của Sở. Giám đốc các Sở: Tư
pháp, Nội vụ, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ… đã phối hợp
trả lời các câu hỏi của đại biểu có liên quan đến lĩnh vực phụ trách, qua đó đã
làm rõ được các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm; làm rõ được trách nhiệm của
các Sở, ngành, đơn vị liên quan.
Kim
Oanh