Giám đốc Sở Tài chính: Thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp cải thiện chỉ số PCI của tỉnh

Sáng 10/7, tiếp tục Chương trình tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải đăng đàn trả lời chính. Lãnh đạo các Sở, ngành liên quan trả lời các nội dung thuộc thẩm quyền.

Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Anh-tin-bai

Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn (Ảnh Thương Huyền)

CPI là chỉ số quan trọng để đánh giá cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này. Chỉ số PCI của tỉnh liên tục được cải thiện về điểm số. Một số chỉ số thành phần PCI của tỉnh xếp thứ hạng cao so với cả nước qua các năm như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (07 năm lọt vào top 10 trong đó có 04 năm lọt vào top 5), Chỉ số Gia nhập thị trường (02 năm lọt vào top 10). Đặc biệt, một số chỉ số trước đây tỉnh xếp thứ hạng thấp nay đã có sự cải thiện rất tích cực như: Chỉ số Tiếp cận đất đai lần đầu tiên năm 2024 lọt vào top 10 (tăng 0,76 điểm, tăng 48 bậc), Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 0,97 điểm, tăng 32 bậc). Từ năm 2021 đến nay, chỉ số PCI của tỉnh duy trì vị trí đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải trả lời chất vấn (Ảnh Thương Huyền)

Song có một thực tế, mặc dù tổng điểm CPI của tỉnh có chuyển biến nhưng thứ hạng không ổn định. Năm 2021 tỉnh đạt 64,74 điểm, xếp thứ 30 cả nước; Năm 2022 đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23 cả nước, tăng 1,86 điểm, tăng 07 bậc so với năm 2021; Năm 2023 đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước, giảm 0,88 điểm, giảm 14 bậc so với năm 2021; Năm 2024, đạt 66,48 điểm, xếp thứ 44 cả nước, tăng 0,76 điểm, giữ nguyên thứ hạng so năm 2023.

Các tồn tại, hạn chế đã được Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải báo cáo làm rõ tại hội trường phiên chất vấn, tuy nhiên điều mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri băn khoăn chính là phải chỉ rõ được nguyên nhân và giải pháp khắc phục triệt để để nâng cao chỉ số PCI và quan trọng hơn hết là xây dựng nền hành chính minh bạch, công khai thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo được một môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển bền vững.

Nguyên nhân làm cho chỉ số Chi phí thời gian giảm

Anh-tin-bai

Đại biểu Hồ Thị Thùy Trang (Tổ đại biểu số 6) nêu câu hỏi

Đại biểu Hồ Thị Thùy Trang – Tổ đại biểu số 6 đặt câu hỏi về chỉ số thành phần chi phí thời gian năm 2024 không được cải thiện mà còn tụt giảm, đứng thứ 59, Sở Tài chính cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục? Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết: Chi phí thời gian năm 2024 của tỉnh giảm 0,83 điểm, giảm 07 bậc so với năm 2023; đây là một trong 02 chỉ số có thứ hạng thấp nhất và chỉ số này cũng làm ảnh hưởng đến kết quả chấm điểm của các chỉ số khác. Ông Hải cho rằng có 03 nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất là do quy định của pháp luật phức tạp, thiếu đồng bộ, thực hiện 01 thủ tục liên quan đến nhiều luật dẫn đến thời gian giải quyết chậm. Thứ 2 là chưa có phần mềm để tiếp nhận phân tích, phản hồi ngay từ đầu về hồ sơ của doanh nghiệp, dẫn đến quá trình giải quyết thủ tục mất nhiều thời. Thứ ba, đó là thái độ làm việc của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó là một phần do cơ chế liên quan đến thời gian kiểm tra, thanh tra thuế, trung bình 1 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế phải mất 56 giờ trong khi trung vị của cả nước chỉ mất 24 giờ.

Để cải thiện về chỉ số này, theo ông Hải cần phải thiết lập quy trình xử lý hồ sơ của doanh nghiệp song song, có nghĩa là không chờ giải quyết bước trước mới làm bước sau mà làm cùng lúc để rút gọn thời gian. Cùng với đó là chuẩn hóa hồ sơ đầu vào,  phân luồng xử lý; xây dựng phần mềm giám sát quá trình giải quyết hồ sơ của cán bộ, công chức. Đồng thời, đổi mới tần suất, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra thuế.

Trả lời đại biểu Nguyễn Hồng Sơn – Tổ đại biểu số 17 về những khó khăn và thách thức trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh khi vận hành chính địa phương 02 cấp, theo Giám đốc Sở Tài chính, việc vận hành chính quyền 02 cấp thời gian đầu sẽ phải đối mặt với khoảng trống nhất định trong công tác chỉ đạo điều hành. Trước đây huyện là cầu nối giữa tỉnh và xã. Việc dừng chính quyền cấp huyện bước đầu sẽ thiếu việc kết nối, hỗ trợ, khả năng cao là các thủ tục chậm. Cấp xã được phân cấp nhiều nội dung công việc, thẩm quyền lớn trong khi đó thực tế năng lực, trình độ, kinh nghiệm làm việc của cán bộ cấp xã để đáp ứng yêu cầu công việc rất áp lực. Bên cạnh việc kiểm tra giám sát qua đó để hỗ trợ khó kịp thời.

Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng cần phải tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn các quy định mới, các kiến thức chuyên sâu của từng lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát linh hoạt; xây dựng phần mềm giám sát đầu vào, đầu ra của hồ sơ, tiến độ thực hiện; thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp xã thay cho cấp huyện trước đây.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng trả lời câu hỏi(Ảnh Thương Huyền)

Trả lời đại biểu Nguyễn Hồng Sơn về việc đánh giá tính năng động và tiên phong của chính quyền, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết chỉ số này giảm 05 bậc từ vị trí 35 (năm 2023) xuống vị trí 40 (năm 2024). Đây là chỉ số mà do doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá về hỗ trợ của chính quyền đối với doanh nghiệp trên địa bàn do VCCI tổ chức lấy ý kiến. Về nguyên nhân, theo Giám đốc Sở Nội vụ là do trình độ của cán bộ, công chức có nơi có lúc còn có những hạn chế nhất định; quản lý điều hành của chính quyền, cơ quan cũng vậy; việc thông tin các cơ chế chính sách, chủ trương chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh chưa đến nơi.

Về giải pháp trong thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền công tác cải cách hành chính; nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ công chức; ban hành bộ tiêu chí mới về đánh giá cán bộ công chức; tăng cường kiểm tra, giám sát kỷ luật kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp; tập trung chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ; phát huy vai trò của các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp, giữa chính quyền và doanh nghiệp hội viên.

Có hay không việc ưu ái doanh nghiệp lớn?

Anh-tin-bai

Đại biểu Nguyễn Thị Thêu (Tổ đại biểu số 10) đặt câu hỏi(Ảnh Thương Huyền)

Đại biểu Nguyễn Thị Thêu (Tổ đại biểu số 10) nêu ý kiến: Chỉ số cạnh tranh bình đẳng năm 2024 giảm 14 bậc, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành. Qua thực tiễn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng tỉnh ưu ái cho các doanh nghiệp lớn nhiều hơn. Đề nghị ông Giám đốc Sở cho biết về thực trạng này và giải pháp để cải thiện Chỉ số này? Trả lời đại biểu Thêu, ông Hải cho biết đây cũng là một trong các chỉ số có thứ hạng thấp, cần phải được quan tâm. Ông Hải khẳng định quan điểm, chủ trương điều hành của tỉnh nhất quán là không phân biệt đối xử doanh nghiệp về loại hình, quy mô, ngược lại doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu ái hơn, đơn cử như chế độ kế toán đơn giản hơn, Nhà nước có chế độ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Theo ông Hải có hai nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ cảm nhận thiếu bình đẳng là trong thiết kế các chính sách của tỉnh hay các báo cáo định kỳ, báo cáo hàng năm thiên về gọi tên các doanh nghiệp lớn. Thứ hai là do doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu thông tin do không có bộ phận pháp lý.

Về giải pháp khắc phục cảm nhận và suy nghĩ này của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hải cho rằng cần công khai, minh bạch hóa các thông tin về quy hoạch, đất đai, thu hút đầu tư... để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế chính sách dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về ưu đãi thuế, đất đai, kế toán; phát huy vai trò của Hiệp hội, các Hội doanh nghiệp trong việc kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn.

Anh-tin-bai

Đại biểu Hà Thị Phương Thảo nêu câu hỏi (Ảnh Thương Huyền)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Thị Phương Thảo về việc kết quả CPI những năm qua đã đánh giá đúng thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh hay chưa, ông Hải cho hay cần phải nhìn lại kết quả khảo sát. Riêng năm 2024, tiếp cận thông tin về khảo sát của VCCI, được biết VCCI đã phát ra 1.800 phiếu đánh giá gửi tới các doanh nghiệp, nhưng số phiếu cho kết quả thu về là 173 phiếu (chiếm 9,6%). Ông Hải khẳng định tỉnh trân trọng kết quả khảo sát của VCCI và xem đây là kênh thông tin tham khảo rất tích cực để nhìn nhận, đánh giá và khắc phục để điều hành, quản lý tốt hơn. Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận việc tổ chức khảo sát chỉ thu về kết quả dưới 10% thì rõ ràng đây là một điều không bình thường, phải chăng chính quyền địa phương các cấp của tỉnh chưa thực sự đồng hành trong việc đánh giá và lan tỏa giá trị của chỉ số PCI? Có hay không một bộ phận lớn doanh nghiệp đang thờ ơ với những cải cách, chính sách, điều hành của chính quyền? Tỷ lệ phản hồi quá thấp lặp lại khá nhiều hàng năm liệu đã tương xứng với vai trò giám sát chính sách mà VCCI đang đảm nhiệm?... “Tỉnh không phủ nhận vai trò đánh giá của VCCI nhưng không thể mãi chấp nhận kết quả đánh giá đo bằng công cụ, thiếu cập nhật, thiếu đối thoại và thiếu trách nhiệm phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp như vậy”- ông Hải cho biết.

Về giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, theo ông Hải cần phải phối hợp quá trình khảo sát trên nguyên tắc tôn trọng tính độc lập, làm sao chọn thời điểm, đối tượng lấy ý kiến phải đảm bảo phản ánh đúng thực chất. Hiện số liệu doanh nghiệp ngành Thuế quản lý khoảng gần 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng số liệu quản lý của Sở Tài chính là gần 17.000 doanh nghiệp; nếu phiếu khảo sát gửi đến doanh nghiệp không hoạt động thì kết quả không chính xác. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng phục vụ ở cấp cơ sở - nơi doanh nghiệp tiếp xúc nhiều nhất ở chính quyền. Đồng thời, phía chính quyền phải có phản hồi với kết quả đánh giá của doanh nghiệp.

Anh-tin-bai

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị trao đổi về giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về tiếp cận đất đai trong các khu công nghiệp, Khu kinh tế(Ảnh Thương Huyền)

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Quốc Việt trao đổi về giải pháp rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục đất đai (Ảnh Thương Huyền)

Tại phiên chất vấn, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã giải trình, làm rõ những nguyên nhân và giải pháp để nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; giải quyết thủ tục đất đai. Giám đốc Sở Tư pháp cũng đã trao đổi về việc tiếp nhận và xử lý phản hồi của doanh nghiệp trên Cổng pháp luật quốc gia. Lãnh đạo các ngành cũng đã trao đổi về việc cụ thể hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân...

Với 12 đại biểu đặt 14 câu hỏi, phiên chất vấn nhận diện đúng thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh, phân tích những điểm nghẽn và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cần phải định vị PCI của tỉnh để có giải pháp thực hiện hiệu quả

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu (ảnh Thương Huyền)

 

Thay mặt Đoàn chủ tịch điều hành kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đánh giá cao phần trả lời chất vấn của ông Giám đốc Sở Tài chính.

Về nhiệm vụ giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới, HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với nhóm giải pháp đã được thể hiện trong báo cáo của Sở Tài chính. Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh quán triệt và nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của chỉ số PCI. PCI là thước đo “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. PCI cũng là kênh cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương trong quản trị, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Cải thiện được chỉ số CPI cũng chính là cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh cùng với các bộ chỉ số khác như SIPAS, PAR Index,... Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh lưu ý bên cạnh nâng cao nhận thức về PCI cũng cần phải tránh nhận thức không đúng về CPI...

HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành bám sát thực hiện nhiệm vụ giải pháp điều hành phát triển kinh tế để cụ thể hóa và chỉ đạo các địa phương, các cơ quan tổ chức thực hiện, nhất là nhóm giải pháp trực tiếp tác động đến việc cải thiện chỉ số PCI, đặc biệt là trong bối cảnh vừa chuyển sang chính quyền 02 cấp; quan tâm đến chỉ số thành phần mà thứ hạng rất thấp.

Nhìn vào môi trường kinh doanh, doanh nghiệp sẽ nhìn vào bình diện chung của cả nước, do đó cần phải định vị PCI của tỉnh những năm tới đây ở đâu trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố để có giải pháp thực hiện. Đồng thời tiếp tục quan tâm đến việc đánh giá chỉ số DCCI, cập nhật lại hệ thống tiêu chí và cách thức đánh giá chỉ số này.

Phan Quỳnh

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thăm dò ý kiến
Đánh giá mức độ hài lòng về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghệ An
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 1
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 1
    • Tất cả: 1
     

    Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

    Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

    Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

    Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - Trường Vinh

     

    Liên hệ

    Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

    Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

     Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - Trường Vinh

     Điện thoại: 02383.557.565

     Email: banbientap@nghean.gov.vn

     fb.com/congthongtindientutinhnghean

     Đăng nhập